Lễ hội Nghinh Ông - tín ngưỡng dân biển miền Tây
Năm nay 75 tuổi, ông Nguyễn Văn Út đã có 40 năm gắn liền với lăng Ông Nam Hải (toạ lạc tại Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc), từ những ngày đầu là ngư dân tín ngưỡng, xin vào làm hội viên và 2 năm nay được tín nhiệm làm Chánh chủ.
Ðưa tay sờ vào từng hiện vật còn sót lại của Ông (xương cá voi được thờ trong lăng) được giữ gìn, chăm sóc cẩn thận mấy chục năm ròng, ông Út tâm tình, cả đời ông gắn liền nơi biển cả, nay tuổi cao sức kém đã về hưu thì 5 trong số 8 người con tiếp tục nối nghề. Ðối với ngư dân xứ biển nói chung và với gia đình ông Út nói riêng, biển là nguồn sống. Riêng với những người trực tiếp đương đầu nơi sóng gió, Ông là niềm tin, là điểm tựa để họ vượt qua những gian truân, nỗi sợ hãi vô hình nơi biển khơi, để rồi vững niềm tin đương đầu với khó khăn, đem về đất liền lộc của thiên nhiên, đắp xây cuộc sống mới.
Ông Nguyễn Văn Út, Chánh chủ lăng Ông Nam Hải chăm sóc lăng hàng ngày. |
Ông Út hồi nhớ: “Cốt cá Ông to nhất này, đầu tiên là ở Vàm Xoáy, Rạch Gốc, khoảng năm 1925. Sau một đêm dông gió, sáng ra, người dân thấy xác Ông dài 20,3 m, sau đó báo cho ngư dân ở đây hay, rồi những người đi biển lâu năm đến đó chở xác Ông về lập chỗ thờ ở vàm Rạch Ruộng. Năm 1945, Pháp bắn phá dữ lắm, cháy lăng, làm rụi hết, chỉ còn lại phần xương sườn bị cháy xém phải lấy vải quấn lại. Sau đó, bà con gom cốt Ông lại, tiếp tục đem về Sông Ðốc lập nơi thờ cúng. Năm 1960, do vấn đề an ninh, một trưởng đồn thời đó buộc dời lăng Ông, vậy là lăng Ông được lập tại nơi này đến giờ. Sau đó, được các cấp quan tâm, ngư dân chung tay đóng góp nâng cấp lăng Ông được như hôm nay”.
Chia sẻ về câu chuyện cưu mang của Ông nơi biển cả đối với ngư dân xứ biển, ông Út kể: “Cách đây khoảng 20 năm, cháu tôi đi biển, ghe của nó chìm ngoài biển 2 ngày đêm, không có phao, biển sóng to lắm, trong nhà không nghe tin tức gì, tưởng đâu nó chết rồi. Không ngờ sau đó nhận được tin báo có người đốn củi nhìn thấy nó trôi dạt vào mé bờ, nghĩ là thây ma thôi, đến gần thấy nó còn thở, liền đưa vào trạm xá ở Khánh Bình Tây Bắc. Ở ngoài biển, con cá nóc cắn trên lưng nó 11 lỗ cỡ ngón tay, sâu chừng 3 phân mà không hay biết gì hết”.
Ông Trần Văn Quốc, Phó chánh vạn lăng Ông Nam Hải, kể thêm: “Trước năm 1975, con ông Út Ngàn đã quá cố, ở Khóm 3, Sông Ðốc, khi đó làm ngư phủ, 17 tuổi. Sóng to quá, ngồi cặp mé ghe, rồi rớt xuống biển, đêm tối, người ta không cứu được, cứ nghĩ là xong rồi. Mấy ngày sau có người thấy, cứu đem vào bờ. Khi tỉnh lại, qua lời nó nói là nó khấn vái Ông Nam Hải cứu, sau đó như nằm trên vật gì cứng cứng, cứ thế ngủ thiếp đi cho tới khi có người cứu”.
Vậy nên, để tưởng nhớ đến sự giúp đỡ của Ông, ngư dân xứ biển lấy ngày lễ hội để kỷ niệm, ghi ân đến Ông, tổ chức đưa Ông ra biển và rước Ông về an vị để thờ cúng, cầu cho mưa thuận gió hoà, ngư dân xứ biển ra khơi đánh bắt thuận buồm xuôi gió, bình yên.
Gia đình có 3 đời làm nghề biển, ông Ðàm Kiến Tường, ngư dân ở Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, cho biết: “Hay tin Lễ hội Nghinh Ông được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, ngư dân chúng tôi vui mừng và tự hào lắm. Vì đây là sự ghi nhận đáng quý đối với Lễ hội Nghinh Ông. Chúng tôi, từng ngư dân xứ biển sẽ nhủ lòng gìn giữ từng hiện vật của Ông tại lăng, cũng như nét đẹp văn hoá của lễ hội”.
Vì sao Lễ khai ấn đền Trần Nam Định 2021 không được tổ chức?
Ngoài việc không tổ chức khai ấn đền Trần năm 2021, Sở Y tế Nam Định cũng đề nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân năm 2021.
|
Nam Định thông báo dừng tổ chức phiên chợ Viềng 2021
Phiên chợ "mua đắt cầu may" - chợ Viềng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định năm 2021 sẽ không được tổ chức như thường lệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
|
Hà Giang: Lễ hội hoa Tam giác mạch với chủ đề “Sắc hoa cao nguyên đá”
Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang năm 2020 khai mạc tối 28-11 sẽ bao gồm nhiều nội dung đặc sắc, thu hút du khách về với cao nguyên đá.
|