Lễ hội Chém lợn vẫn nguyên tên "chém lợn"
Trước việc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh kiến nghị lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn, ngày 8/2, Ban tổ chức lễ hội làng Ném Thượng mở cuộc họp lần thứ hai để lấy ý kiến về vấn đề này.
Các cụ cao niên, trưởng họ trong làng đều có mặt đông đủ tại hội trường phía sau đình. Cuộc họp còn có đại diện chính quyền phường Khắc Niệm, phòng văn hóa thông tin thành phố Bắc Ninh.
Ông Trần Văn Đức, trưởng khu Thượng, Trưởng ban tổ chức lễ hội thông báo kế hoạch lễ hội năm 2015 vẫn diễn ra theo nghi thức truyền thống. Tuy nhiên, nghi lễ chém lợn sẽ thay bằng chọc tiết lợn sau sân đình để làm cỗ tế thánh.
Trước thông tin trên cả hội trường bàn tán: “Chúng tôi không đồng ý, năm nay vẫn chém lợn như bình thường – Đúng! Vẫn phải chém lợn!”.
Ông Nguyễn Hữu Chế, 60 tuổi nói: “Hai năm qua, dân làng đã chấp hành yêu cầu thay chém lợn bằng giết lợn. Mọi người bớt hào hứng hơn, tính chất gắn kết cộng đồng cũng giảm hẳn. Việc chém lợn, cúng tế thần linh hàng trăm năm của dân làng mà coi đó như hành động dã man, chúng tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. Đã vậy, việc làng chúng tôi, chúng tôi làm. Năm nay, làng vẫn chém lợn”..
Ông Nguyễn Văn Diễm, 80 tuổi nói: “Từ bao đời nay, dân làng tổ chức hội theo nghi thức truyền thống, gìn giữ bản sắc quê hương, đảm bảo an toàn, không vi phạm luật pháp. Chẳng ai có quyền cấm cả, lễ hội là của chúng tôi, hãy để chúng tôi tự quyết”.
Việc bàn bạc tổ chức chém lợn giữa sân đình thay bằng chọc tiết lợn phải dừng lại mà chưa tìm được sự đồng thuận giữa ban tổ chức và bô lão trong làng.
Đề xuất thứ hai được đưa ra lấy ý kiến người dân là thay tên gọi Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn. Đề xuất này cũng không được dân làng Ném Thượng hưởng ứng.
Ông Nguyễn Đình Bình, 68 tuổi bày tỏ: “Vốn dĩ lễ hội chém lợn đã bao gồm màn rước lợn quanh làng rồi. Sao lại phải đổi tên? Chém lợn tế thánh bắt nguồn từ tích xưa của thành hoàng làng chém lợn rừng nuôi quân, để thế hệ sau tưởng nhớ công lao của ông cha. Dân làng chúng tôi không đồng ý đổi tên lễ hội”.
Trước phản ứng của dân làng Ném Thượng, ông Nguyễn Hồng Chương, PCT phường Khắc Niệm cho biết:“Trong tất cả văn bản các cấp về lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, chưa có văn bản nào thể hiện việc cấm lễ hội. Riêng tục chém lợn, chúng ta nên thay đổi sao cho phù hợp. Mong các cụ, người dân hiểu cho. Còn việc đổi tên lễ hội, cá nhân tôi nghĩ vẫn nên giữ nguyên, hoặc có thể gọi tên là Lễ hội truyền thống khu Thượng”, ông Chương nói.
Ông Chương khẳng định lại yêu cầu đối với ban tổ chức lễ hội Ném Thượng 2015, không tổ chức chém lợn ở sân đình.
Được biết, ban tổ chức lễ hội sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp thứ 3 vào ngày mồng 4 Tết để đưa ra quyết định cuối cùng cho lễ hội chém lợn Ném Thượng 2015.
Giữ chém lợn là bảo thủ?
Trong khi dân làng Ném Thượng cương quyết giữ lễ hội v cho rằng đây là truyền thống thì Bộ Văn hóa cho rằng không nên giữ.
Ngày 6/3, ông Phạm Đình Tân, người phát ngôn Bộ Văn hóa cho biếtquan điểm của Bộ Văn hóa trước khuyến cáo này là không ủng hộ lễ hội mang tính bạo lực vì văn hóa Việt Nam rất nhân văn, nhân đạo, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.
Ông Tân chia sẻ: "Đừng lấy lý do truyền thống của cộng đồng. Cộng đồng của làng chém lợn có lớn bằng cộng đồng còn lại không? Theo dõi phản ứng của dư luận qua các báo, tôi thấy phần đa độc giả phản đối lễ hội chém lợn. Một số người dân và nhà nghiên cứu ủng hộ duy trì nghi thức đó là có tư duy bảo thủ", ông Tân nói.
Nghi thức chém lợn của Lễ hội Chém lợn.
Trước đó, ngày 5/2, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh cho biết, sẽ thay đổi một phần nghi thức của lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh so với phong tục cũ.
Theo đó, thay vì chém lợn giữa sân đình, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân và du khách thập phương thì việc này được thực hiện ở khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh, chỉ những người được phân công giết mổ lợn và làm cỗ mới được chứng kiến.
Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh nói: "Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh là lễ hội truyền thống tôn vinh Tướng quân Đoàn Thượng và những người có công cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Đã là lễ hội của dân thì chúng ta phải định hướng như thế nào để vừa giữ được nét truyền thống nhưng phải phù hợp với xã hội đương đại.
Từ năm 2013, 2014 việc tổ chức chém lợn ở sân đình đã không xảy ra. Và những vấn đề khác đảm bảo nét truyền thống vẫn phù hợp với xã hội đương đại thì chúng tôi phải duy trì.”
(Baodatviet)