Lào Cai: Nhịp sống trong sương mù của người dân vùng cao biên giới
Nắm chắc những điều này khi lái xe trên đường trơn trượt do băng tuyết Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa đưa ra khuyến cáo về việc, tài xế hạn chế và có thể ngừng lưu thông trên những tuyến đường do mưa tuyết đóng băng. Ngoài ra, cần nắm vững nhiều lưu ý sau đâu khi lái xe qua đoạn đường trơn trượt vì băng tuyết. |
Biên giới nhiều tỉnh phủ trắng băng tuyết không khác gì mùa đông ở châu Âu Không khí lạnh tăng cường khiến nhiệt độ tại Bắc Bộ tiếp tục giảm sâu. Nhiệt độ giảm sâu trong những ngày qua khiến khu vực biên giới các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái phủ trắng băng tuyết. Khung cảnh thiên nhiên không khác gì mùa Đông ở châu Âu. |
Nhiệt độ giảm sâu, Y Tý tuyết rơi trắng xóa Mới đây nhiều cư dân mạng đã chia sẻ hình ảnh tuyết rơi trắng xóa tại Y Tý, (Bát Xát - Lào Cai). Tuyết rơi từ đêm qua và kéo dài đến tận sáng hôm nay. |
Công nghệ… “0.4”
Đến Thủy điện Tả Thàng, chúng tôi chạy xe vắt ngang con đập rồi cứ thế bám vào đường nhỏ chỉ rộng độ 0,5 m, lởm chởm những mỏm đá lớn, thót tim khi đi qua những khúc cua hình chữ V. Con đường nhỏ có những quãng được đổ bê tông dễ đi hơn một chút, có những quãng vẫn trơn trượt đất và nhấp nhô sỏi đá. Đường vắng nên tiếng xe nổ máy, vít ga hết công suất giòn tan dội vào mấy tầng đá núi khiến những chú lợn nuôi thả rông đang mải mê dũi đất ven đường hốt hoảng chạy vào bụi rậm. Mất khoảng 2 tiếng vừa chạy xe vừa đẩy, chúng tôi đặt chân tới được Bản Toòng.
Lũ trẻ nhìn thấy người lạ, dáo dác đưa mắt nhìn quanh, nép phía sau thầy giáo, lí nhí cất tiếng chào. Trên triền cao chon von này, trải rộng khắp mấy quả núi cũng chỉ được hơn 50 hộ, lập thành thôn Bản Toòng. Bản Toòng gồm 2 nhóm khác là Toòng Dao và Toòng Mông. Toòng Dao là nhóm dân cư xa nhất và đường đi lại khó khăn nhất. Nằm giữa nếp gấp của 2 đỉnh núi, giữa tán rừng, 12 hộ Toòng Dao cứ thế bình yên sống dựa vào nhau chẳng biết đã trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng. Chỉ có 12 hộ, học sinh tiểu học, trung học không đủ để mở 1 lớp nên từ cấp tiểu học, học sinh Toòng Dao đều học ở các trường lân cận hoặc học bán trú tại trung tâm xã. Cấp học mầm non thì việc di chuyển khó khăn hơn do các cháu còn nhỏ, điểm trường mầm non Toòng Dao được duy trì, 1 thầy giáo trẻ được đưa lên bám bản, chăm sóc các trò.
Lớp học của thầy Trung. |
Thầy giáo Mai Quang Trung mới chỉ 25 tuổi, đã có 4 năm kinh nghiệm dạy học tại vùng cao nhưng lần đầu tiên đến Bản Toòng vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi điểm thôn chỉ có 12 hộ, bình yên đến cô độc giữa tán rừng. Mùa mưa, xe không chạy được, bùn đất bám đặc kịt bánh xe, thầy giáo trẻ bỏ xe giữa đường rồi đi bộ 2 giờ đồng hồ lên bản. Mấy hôm sau, người dân thương tình xuống giúp thầy giáo gỡ đất khỏi bánh xe rồi đưa xe lên trường. Thầy Trung nói: Ở bản buồn buồn này mà cũng có cái… vui. Vui vì được bà con yêu thương, tin tưởng, đùm bọc, sẻ chia. Người dân nơi đây coi thầy giáo như người nhà, có món ngon là gọi thầy giáo sang, thầy gặp khó khăn điều gì đều nhiệt tình đến giúp.
Người dân Toòng Dao gọi vui thầy Trung là “gà trống nuôi con”, bởi giáo viên nam mà 1 tay “nuôi” 6 trò nhỏ từ 2 đến 5 tuổi. Cứ mỗi sáng, thầy đón các em tới lớp, dạy các em hát, đọc thơ, kể chuyện… tới trưa lại vào bếp nấu nướng, cho các em ăn rồi trông các em ngủ. Thế nhưng, đợt rét giữa tháng 12 tạo ra những buổi học ngoại lệ. Nhìn đám trò nhỏ co ro giữa lớp, tấm áo đã sờn không đủ để giữ ấm cho những cơ thể bé nhỏ, ngoài trời sương trắng mịt mù, thầy Trung đưa các em xuống gian bếp nhỏ, đốt lửa sưởi ấm cho học trò. Những đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi cạnh bếp lửa, đưa bàn tay nứt nẻ ra hong, thi thoảng có người lạ cất tiếng hỏi, những “đứa con” của thầy Trung lại ngơ ngác đưa mắt tìm thầy như thể tìm chỗ dựa lớn nhất, tìm người tin tưởng nhất của mình. Thầy Trung gọi vui bếp lửa của mình là “lò sưởi 0.4”. Kể cũng phải, khi bên ngoài bản làng này, con người chạy đua từng giờ với công nghệ 4.0 thì nơi này chưa có điện. Ngoài kia có những lò sưởi điều khiển bằng giọng nói, tự cảm nhận thân nhiệt… nhưng nơi này thầy giáo nhóm lửa cho trò sưởi ấm trong gian bếp đơn sơ.
Đến trưa, sau khi ăn xong bữa cơm trưa, thầy Trung chuẩn bị chăn ấm và “phát lệnh” cho đám con nhỏ đi ngủ. Lúc ấy, một học sinh cất tiếng gọi “Thầy ơi…”. Thầy Trung quay sang nhìn đám trò nhỏ thì phát hiện em nhỏ 2 tuổi đũng quần đã ướt sũng. Không có chiếc quần dự phòng nào được mang theo, thầy giáo trẻ thay chiếc quần ướt ra và bảo em nhỏ lên giường đắp chăn ngủ. Trong giờ trưa, thầy Trung dùng bữa trưa của mình, rửa bát đũa, “xử lý” chiếc quần bẩn của học sinh rồi đem hong. Thầy Trung bảo: Lát nữa ngủ dậy là chiếc quần sẽ khô, lại có quần để mặc. Trẻ em trên này thiệt thòi vì đời sống người dân còn khó khăn lắm.
Tuyến đường lên Toòng Dao còn nhiều khó khăn. |
Nhịp sống trong sương mù
Cứ sang đông là Toòng Dao chìm trong sương mù. Năm nào cũng thế, mùa đông người dân đi lấy củi, chăm sóc gia súc, hết mùa lạnh làm đất cấy lúa, trồng ngô. Nhìn chung, cuộc sống người dân Toòng Dao đều giống nhau, đó là nghèo. Lương thực sản xuất trong năm đủ để không bị đói và đủ để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi nhà nuôi thêm vài con trâu, con bò, khi nào có “công to việc lớn”, cần tiền thì mới bán đi để trang trải.
Mùa đông dường như là một nốt lặng ngân dài, bản làng như đi “ngủ đông”. Những ngày sương giá, người dân trong thôn lên bãi tìm đàn gia súc đã thả ra mấy hôm về nhốt tại chuồng, quây bạt rồi đốt lửa sưởi cho chúng. Những ngày ấm áp hơn, trâu, bò được thả ra bãi kiếm cỏ, đàn ông thì đi kiếm thêm củi về chất quanh nhà, đảm bảo đủ củi đun cả năm, phụ nữ thì ngồi cạnh bếp lửa, quấy nồi cám ngô cho lợn, cho trâu, rảnh tay thêu thùa, dệt vải để sang xuân cả gia đình có thêm bộ quần áo mới. Cái nghèo không làm người dân nơi này cảm thấy là điều bất hạnh, họ vẫn tìm thấy hạnh phúc theo cách của riêng mình.
Nói về cuộc sống những ngày giá rét, anh Phùng Kiềm Phây cho biết: Mùa này lạnh lắm, chẳng trồng cấy được gì, ban ngày thì đi lấy củi, buổi tối thi thoảng hẹn hàng xóm làng giềng mổ gà uống rượu. Cuộc sống tuy vất vả nhưng bao đời nay vẫn thế rồi. Có những gia đình thấy sống ở nơi này vất vả quá nên chuyển đi nơi khác sống, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đi, cũng không phải chuyển đi thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Thế nên tôi lựa chọn ở lại. Vài năm nữa thôi, nơi này sẽ có điện, Nhà nước cũng đang đầu tư mở đường rồi, còn được bố trí khu tái định cư để người dân sống tập trung hơn. Chúng tôi luôn tin một ngày không xa, cuộc sống của chúng tôi sẽ thay đổi.
Học trò của thầy Trung và "lò sưởi 0.4". |
Những con đường đang đào dở, nham nhở sỏi đá gieo vào lòng người dân nơi đây những “hạt mầm”, niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn nhờ được kết nối. Anh Chảo Trần Pú, người đàn ông trong thôn hiếu khách, xung phong tiễn chúng tôi từ Bản Toòng đến đường lớn vì anh Pú cũng tiện đường xuống Bảo Thắng mua ít đồ nhậu cho bữa tối hôm đó. Ở những khúc cua chữ V, anh Pú ngoặt lái điêu luyện, cảm tưởng như nếu tôi không bám chặt vào xe sẽ rơi “bịch” một cái. Anh Pú liên tục nhắc nhở: “Bám chặt vào! Bám chặt vào!”. Cũng bởi thế mà tôi may mắn không bị rơi rụng trên suốt con dốc gần như thẳng đứng, tuyến đường vẽ từng hình zic zắc kéo từ bờ suối lên đỉnh non cao.
Quãng đường khoảng 5 km, đi lên chúng tôi đi chậm bao nhiêu thì lúc quay xuống anh Pú chạy nhanh bấy nhiêu. Anh Pú giải thích: Nhiều đoạn không phanh được, phanh thì xe sẽ tự trượt xuống, sẽ ngã nên phải “lái lụa” mới đi được. Đường này mình đi nhiều rồi, quen tay lắm, không sợ đâu!
Dù được anh Pú trấn an nhiều lần nhưng tới khi đặt chân xuống cạnh con đường lớn, tôi cảm tưởng như “hồn” mình vẫn ở đâu đấy, tít trên bản làng giữa rừng xanh ngằn ngặt kia.
Tôi nghe “hồn” mình vẫn đọc đi đọc lại bài thơ mà người thầy giáo dạy đám con thơ của mình đọc lúc tôi tạm biệt làng:
Chiếc cầu mới
Bên dòng sông trắng
Cầu mới dựng lên
Nhân dân đi bên
Tàu xe chạy giữa…
Trong đám sương mù ấy, người thầy mải miết dạy cho lũ trẻ hình dung ra những tương lai sáng tươi, những chân trời mới…