Lăng mộ chưa ai dám động tới chôn vùi bí mật lớn về cái chết bất thường của vua Ung Chính
Cho tới ngày nay, những âm mưu tranh ngôi đoạt vị vẫn trở thành nguồn cảm hứng của nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc.
Trong số đó, nổi tiếng nhất phải nhắc tới sự kiện "cửu long đoạt đích" liên quan tới cuộc tranh giành ngôi báu của 9 vị hoàng tử con vua Khang Hi.
Và người chiến thắng sau cùng của cuộc chiến tranh ngôi đẫm máu ấy chính là Tứ a ca Dận Chân - Ung Chính Hoàng đế sau này.
Mỗi khi nhắc tới Ung Chính đế, hậu thế không thể bỏ qua hai bí mật nổi tiếng xoay quanh cuộc đời ông: Đó là việc kế vị và nguyên nhân qua đời.
Về vấn đề kế vị, Ung Chính có kế thừa ngôi báu một cách hợp pháp hay không vẫn là nghi vấn gây nhiều tranh cãi. Bởi không ai biết rõ chân tướng phía sau di chiếu truyền ngôi của tiên đế Khang Hi.
Nhưng có một sự thực không thể phủ nhận rằng, dù di chiếu kia là giả hay là thật thì Ung Chính vẫn đường hoàng ngôi lên ngai vị cửu ngũ chí tôn.
Liên quan đến vị vua nổi tiếng này còn có rất nhiều giả thiết xoay quanh cái chết đột ngột và mang nhiều điểm khuất tất của ông.
Lời giải đáp chính xác nhất về nghi vấn ấy nằm trong Thái lăng – nơi an nghỉ của Ung Chính đế cùng các phi tần.
Những bí ẩn xoay quanh cái chết bất thường của Ung Chính đế
Nguyên nhân qua đời của Ung Chính cho tới ngày nay vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp. (Tranh: Nguồn Baidu).
Về sự kiện Ung Chính qua đời, các nguồn sử liệu chính thống không lưu lại bất kỳ ghi chép chi tiết nào. Ngay tới chính sử Thanh triều chỉ lưu lại vẻn vẹn vài dòng như sau:
"Vào sáng sớm ngày 23 tháng 8 năm Ung Chính thứ 13, Hoàng đế đột ngột qua đời ở li cung thuộc Viên Minh Viên".
Một vài tài liệu khác cũng có đề cập tới việc Hoàng đế băng hà, tuy nhiên phần lớn chỉ ghi chép chung chung rằng Ung Chính đột nhiên bệnh nặng rồi tạ thế.
Có thể nói, cái chết của Ung Chính không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào và xảy ra một cách hết sức đột ngột.
Duy chỉ có một ghi chép cá nhân của đại thần Trương Đình Ngọc có viết lại việc viên quan này chính mắt nhìn thấy Ung Chính trào máu mà chết.
Cũng bởi vậy mà cho tới ngày nay, sự ra đi đột ngột của vị Hoàng đế kiêu hùng này vẫn trở thành một bí ẩn lịch sử chưa có lời giải.
Có giả thiết cho rằng Ung Chính bị bệnh qua đời, người lại khẳng định ông bị đầu độc, dân gian thì tin rằng vị Hoàng đế ấy bị ám sát mà bỏ mạng. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Liên quan tới sự kiện Ung Chính băng hà, dân gian có lưu truyền rất nhiều giả thiết. Trong đó phổ biến nhất phải kể tới câu chuyện Lã Tứ Nương chặt đầu Ung Chính.
Theo đó, năm xưa Ung Chính từng xử chém Lã Lưu Lương và hạ lệnh tru di thập tộc cho nhà họ Lã vì một bản án văn tự ngục (cách gọi chỉ chung những bản án liên quan đến chữ nghĩa).
Sau này, Lã Tứ Nương (cháu gái Lã Lưu Lương) đã tìm cách nhập cung và chặt đầu Ung Chính để báo thù cho dòng họ của mình rồi tẩu thoát thành công.
-
Bị cướp chĩa súng vào mặt, người phụ nữ phản ứng 'cực ngầu' khiến ai cũng ngả mũ thán phục
Vì không bắt được hung thủ nên triều đình nhà Thanh khi ấy đã che giấu chân tướng của sự việc và bố cáo thiên hạ rằng Hoàng đế bị bệnh qua đời.
Dân gian khi ấy đều tin rằng cái chết không toàn thây của Ung Chính là "nhân quả báo ứng" cho vụ án oan thảm khốc của gia tộc họ Lã năm xưa.
Tuy nhiên giai thoại này cho đến nay vẫn không có bất kỳ bằng chứng nào nên chưa thể kiểm chứng độ xác thực.
Sự thật về lăng mộ "bất khả xâm phạm" của Ung Chính và các phi tần
Sau khi băng hà, Ung Chính được an táng tại Thái Lăng thuộc quần thể di tích Thanh Tây Lăng, nay thuộc địa phận tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Ngoài Ung Chính, Thái lăng cũng là nơi Hoàng hậu và một vài phi tần của vị vua này an giấc ngàn thu.
Không thể phủ nhận được rằng lăng mộ Ung Chính là di tích trọng yếu nhất trong quần thể Thanh Tây Lăng, cũng là mấu chốt nghiên cứu để khám phá nguyên nhân cái chết của vị Hoàng đế nổi tiếng này.
Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, cho tới thời điểm hiện tại, Thái lăng vẫn là ngôi mộ bất khả xâm phạm và không được phép khai quật.
Thái lăng là nơi Ung Chính và các phi tần an giấc ngàn thu. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Trong lịch sử Trung Hoa, số lượng những ngôi mộ hoàng gia bị mộ tặc xâm phạm nhiều không đếm xuể. Xuất phát từ thực trạng này, Thái Lăng cũng từng bị đặt trong danh sách những ngôi mộ đã bị trộm vì một sự nhầm lẫn.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, người ta phát hiện trên nóc của Thái lăng có một đường hầm giống như dấu vết mật đạo của mộ tặc. Bởi vậy mà ai cũng cho rằng ngôi mộ ấy đã bị xâm phạm.
Theo nguyên tắc khảo cổ của Trung Quốc, các chuyên gia chỉ được tiến hành khai quật những ngôi mộ đã có dấu hiệu bị xâm phạm hoặc được phát hiện trong trạng thái không còn nguyên vẹn.
Vì vậy, vào đầu những thập niên 80, chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn việc khai quật Thái Lăng.
Tại thời điểm bấy giờ, nơi an nghỉ của Hoàng đế Ung Chính nhận được sự chú ý không nhỏ từ báo chí và dư luận trong nước.
Tuy nhiên, khi đào sâu 2 mét từ đường hầm đã được tìm thấy trước đó, người ta lại phát hiện đường hầm này vốn là do đất tơi xốp sạt lở mà thành. Và sự thật là phía dưới lớp đất này hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu tổn hao nào.
Từ đó, giới chuyên gia đưa ra kết luận rằng Thái Lăng là ngôi mộ chưa từng bị xâm phạm. Điều này khiến quá trình khai quật vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía dư luận.
Xuất phát từ nguyên tắc khảo cổ và mong muốn xoa dịu dư luận, các chuyên gia buộc phải từ bỏ công cuộc khai mở Thái Lăng. Nơi an nghỉ của Ung Chính một lần nữa được lấp lại và niêm phong kín bằng xi măng.
Cho tới ngày nay, Thái Lăng vẫn chưa được khai quật. Điều đó đồng nghĩa với việc bí ẩn về cái chết của Ung Chính Hoàng đế vẫn chưa có lời giải đáp chính xác.
Thái lăng chưa được khai quật đồng nghĩa với việc nguyên nhân qua đời của Ung Chính vẫn chưa có lời giải đáp. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Ung Chính là một vị Hoàng đế gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng được coi là một đấng minh quân tận lực cống hiến vì Đại Thanh.
Trong khoảng thời gian tại vị, ông tăng cường quản lý các dân tộc thiểu số, ra sức chỉnh đốn tài chính, nghiêm khắc đả kích tham ô, hối lộ, tận lực bài trừ tham qua.
Mặt khác, vị Hoàng đế này lại xử lý vô cùng nặng tay với án văn tự để hình thành nền văn hóa chuyên chế.
Có người nói Ung Chính là một vị vua kiệt xuất, nhưng có người cũng cho rằng ông đa nghi, vô tình.
Khi còn tại thế, nhiều quyết định của Ung Chính đã trở thành chủ đề tranh cãi của người đời. Tới lúc tạ thế, ông vẫn lưu lại cho hậu thế những bí mật chưa có lời giải.
Liệu rằng sự thật phía sau cái chết của vị Hoàng đế này là gì? Bên trong Thái Lăng rốt cục ẩn chứa bí mật nào? Câu trả lời xác thực của những nghi vấn này vẫn đang chờ hậu thế giải đáp trong tương lai.
Nhưng có lẽ, đối với giấc ngủ ngàn thu của Ung Chính và các vị phi tần mà nói, việc Thái lăng chưa được khai quật ít nhiều vẫn được coi là một điều may mắn.
Trần Quỳnh