Lần đầu phát hiện di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa tại Đắk Nông
Trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô (Đắk Nông), các nhà khoa học vừa phát hiện được di tích cư trú của người tiền sử. Ít nhất 3 di cốt người cùng hàng vạn vỏ ốc biển, di vật bằng đá, gốm, xương, vỏ nhuyễn thể, mũi tên đồng… đã được tìm thấy.
Những chiếc vòng đồng trang sức được tìm thấy trong hang động núi lửa.
Đây là lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basal Tây Nguyên Việt Nam, mở ra một hướng nghiên cứu mới cho ngành khảo cổ và nhân chủng học của Việt Nam.
TS La Thế Phúc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trong hang động núi lửa Krông Nô còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử.
Một trong những di cốt được tìm thấy. Ảnh: VTC
Các di vật được xác định thuộc sơ kỳ Đá mới, tiếp sau là cư dân trung kỳ Đá mới cách đây khoảng 6.000-7.000 năm và cuối cùng, con người rời hang vào hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, cách đây khoảng 3.000 năm.
Đây là di sản hỗn hợp được đánh giá là độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cầm trên tay di cốt hộp sọ em bé gái 4 tuổi từ hàng ngàn năm trước
Hang C6.1 được xác định có dấu tích người xưa cư trú lâu dài, tầng văn hóa dày (1,85 m), phản ánh nhiều giai đoạn văn hóa. Đây là di tích khảo cổ có địa tầng dày nhất được phát hiện ở Tây Nguyên.
Việc phát hiện khảo cổ học nói trên là một chứng cứ khoa học đầy thuyết phục, rất có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô dự kiến sẽ trình UNESCO vào tháng 11/2018.
Đối với du khách, đây sẽ là một trong những điểm tham quan thú vị của Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô.
N.H (t/h)