Làm thế nào để quay lại quốc tịch Việt Nam?
Ảnh minh họa
Trả lời:
Do bạn của bạn đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để được nhập quốc tịch Đức, do đó, sau khi bạn của bạn từ bỏ quốc tịch Đức thì bạn của bạn sẽ trở thành người không có quốc tịch theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (Luật này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Theo quy định tại Luật quốc tịch Việt Nam, để quay trở lại quốc tịch Việt Nam, bạn của bạn phải làm thủ tục Xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, để xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì bạn của bạn phải thuộc một trong các trường hợp sau:
- Xin hồi hương về Việt Nam;
- Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;
(Điều 23, Luật Quốc tịch Việt Nam)
Nếu như bạn của bạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên, bạn của bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau để xin trở lại quốc tịch Việt Nam:
- Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;
- Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
- Bản khai lý lịch;
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian bạn của bạn cư trú ở Việt Nam và Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian bạn của bạn cư trú tại Cộng hoà Czech. Lưu ý: Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
- Giấy tờ chứng minh bạn của bạn đã từng có quốc tịch Việt Nam. Có thể là một trong những giấy tờ sau: Bản sao Giấy khai sinh; bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây;
- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam đối với từng trường hợp chúng tôi đã nêu ở trên.
(Điều 24, Luật Quốc tịch Việt Nam, Điều 10, Nghị định 78/2009 NĐ-CP và Nghị định97/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Quốc tịch Việt Nam)
Sau khi hoàn tất các giấy tờ cần thiết, bạn của bạn cần mang hồ sơ đến Cơ quan đại diện Việt Nam tại CH Czech (Khoản 1, Điều 25 Luật Quốc tịch Việt Nam). Cơ quan đại diện Việt Nam sẽ kết hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam xác minh về độ chính xác của thông tin hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự (Quê hương Online)