Lại có thêm 2 lao động Việt Nam tử vong tại Angola
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Tĩnh thông báo gia đình nạn nhân về vụ việc và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để đưa thi hài/di hài các lao động này về nước theo nguyện vọng của gia đình. Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại, cộng đồng người Việt Nam tại Angola để giải quyết các vấn đề hậu sự cho các nạn nhân này.
Trước đó, ngày 9/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã gửi thông báo tin buồn về việc anh Đặng Quốc Nghĩa (44 tuổi, trú xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên) và anh Nguyễn Viết Hậu (33 tuổi, trú xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang) đều ở tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) tử vong vào hai ngày 3 và 5/3 do bị cướp đánh và bắn tại khu vực tỉnh Uige (Angola).
Ngày 9/3, ông Trần Hữu Trụ, Trưởng công an xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên xác nhận, có thông tin anh Nguyễn Quốc Nghĩa, người dân tại địa phương, đi lao động xuất khẩu tại Angola vừa tử vong. Hiện tại thi thể của anh Nghĩa vẫn chưa được đưa về nước, chính quyền đã đến hỏi thăm, động viên người nhà trước sự mất mát này.
Về đề nghị giúp đỡ của lao động Nguyễn Quang Hưng tại Nhật Bản
Liên quan đến trường hợp ông Nguyễn Quang Hưng, người đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản giúp đỡ một số lao động Việt Nam, tiếp theo cuộc làm việc tại Tokyo với đại diện Freeasia House, công ty ký hợp đồng lao động với lao động Việt Nam, ngày 18/3/2016, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã đến làm việc để kiểm tra tình hình thực tế và trực tiếp gặp gỡ các lao động Việt Nam. Các lao động cho biết nhìn chung hài lòng với điều kiện công việc và sinh hoạt.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang tiếp tục khẩn trương làm việc với Công ty sử dụng lao động Việt Nam yêu cầu cải thiện hơn nữa điều kiện sinh hoạt, xem xét lại khoản tiền nhà hiện nay so với điều kiện thực tế…nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của lao động Việt Nam.
Theo đó, ngày 15/3/2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của lao động Nguyễn Quang Hưng – đang làm việc tại nhà máy Seinan tại tỉnh Iwate, công ty con của công ty Freesia House Corporation (6-8-3 Sotokanda Chiyoda-Ku, Tokyo), trong đó phản ánh tình trạng các điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại Nhật không như các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết.
Ngay sau khi nhận được đơn nêu trên, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã có buổi làm việc với công ty Freesia House tại Tokyo để nắm tình hình sơ bộ. Theo đó, có 33 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo diện kỹ sư thông qua hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với công ty Freesia House. Trong số 33 lao động này, có 9 lao động làm việc tại nhà máy Seinan tại tỉnh Iwate, gồm Nguyễn Quang Hưng và 8 lao động khác. Chiều ngày 18/3/2016, đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã đến nhà máy Seinan, tại tỉnh Iwate nơi lao động Hưng và 8 lao động Việt Nam khác đang làm việc để kiểm tra tình hình thực tế điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động.
Theo phản ánh của 8 lao động Việt Nam đang làm việc tại nhà máy Seinan, lá đơn là do lao động Hưng tự viết, với những ý kiến của riêng cá nhân lao động Hưng chứ không phải là ý kiến chung của tập thể lao động và cũng phản ánh không đúng thực tế về điều kiện làm việc, ăn ở của người lao động tại nhà máy Seinan. Theo những lao động ở đây cho biết, Nguyễn Quang Hưng sống và làm việc cùng nhà máy với nhóm lao động này nhưng không hoà nhập với tập thể. Trong công việc Hưng cũng không có sự chủ động, tự giác mà phải nghe sự nhắc nhở của người Nhật làm cùng thì mới làm việc; đồng thời cũng không chịu khó học tập tiếng tiếng Nhật để làm tốt công việc được giao. Từ ngày 1/3 Công ty thông báo, anh Hưng không phù hợp và sẽ chấm dứt hợp đồng lao động cho về nước. Đến ngày 14/3 đã có quyết định chính thức, nên Hưng đã rời khỏi nhà máy Seinan đi đến ở Trung tâm của Tổng công ty Freesia ở Tokyo để tiếp tục giải quyết.
Về các điều kiện làm việc ăn ở, sinh hoạt của những lao động làm việc tại nhà máy Seinan tại tỉnh Iwate, theo xác minh thực tế của đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại nhà máy cũng như theo phản ánh của 8 lao động Việt Nam khác đang làm việc tại nhà máy này, những ý kiến phản ánh của lao động Hưng đa phần không đúng sự thật. Theo các lao động, tổng thu nhập hàng tháng của người lao động là hơn 200.000 yên, sau khi trừ chi phí tiền nhà, gas, điện, nước, bảo hiểm... Các lao động còn giữ lại khoảng 100.000-120.000 yên trong tài khoản. Về vấn đề chỗ ở, các lao động cho biết họ hài lòng với chất lượng nơi ở cũng như đồng ý với công ty Seinan về mức khấu trừ tiền nhà mà công ty này đang thực hiện. Về ăn uống, những lao động này cho biết việc ăn gạo lứt là truyền thống của công ty, tất cả lao động làm việc tại đây từ người Nhật Bản, người Việt Nam và cả lao động đến từ các nước khác đều ăn như vậy và các bữa ăn đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để lao động có năng lượng làm việc. Nhìn chung, các lao động đều hài lòng với điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt hiện tại.
Theo Infonet