Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Bảo vệ bí mật nhà nước
Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 4, chiều 25/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra hai dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn
Trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.
Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động...
Xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm sự tương thích với các Hiệp định bảo vệ tin mật giữa Việt Nam và các nước; phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật mới chỉ điều chỉnh được các loại thông tin thuộc bí mật nhà nước tồn tại dưới các hình thức vật chất cụ thể, không bao hàm hết được các loại thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước tồn tại dưới các hình thức khác.
Cũng có ý kiến cho rằng để tách bạch giữa bí mật nhà nước với bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khái niệm bí mật nhà nước cần quy định rõ thông tin do Nhà nước quản lý và giữ bí mật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, khái niệm “bí mật nhà nước” có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ để xác định các loại thông tin cần bảo vệ theo quy định của Luật này và các hình thức, biện pháp bảo vệ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, do vậy cần nghiên cứu xây dựng khái niệm “bí mật nhà nước” rõ hơn, bao hàm đầy đủ các loại thông tin cần xác định là bí mật nhà nước (trong đó bao gồm cả thông tin không do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo ra), làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước theo Luật này đạt hiệu quả cao.
Về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, một số ý kiến tán thành quy định về thời hạn và việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo Luật để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo Luật là thời hạn tối đa hay tối thiểu; số lần gia hạn và thời gian cụ thể cho từng lần gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; cách tính thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước sau khi được tăng độ mật hoặc giảm độ mật.
Có ý kiến cho rằng bí mật nhà nước độ Tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn (có thể là 50 hoặc đến 60 năm) hoặc không nên xác định thời hạn giải mật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn.
Về giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần quy định cụ thể việc giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước để bảo đảm việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu quả, không lãng phí. Ý kiến này cũng đề nghị việc tiêu hủy bí mật nhà nước cần có tiêu chí cụ thể để làm căn cứ quyết định việc tiêu hủy bí mật nhà nước. Mặt khác, việc tiêu hủy bí mật nhà nước chỉ phù hợp với các tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, không phù hợp với bí mật nhà nước là thông tin. Vì vậy, cần nghiên cứu thiết kế lại khoản 1 Điều 23 để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi, đồng thời tránh việc tiêu hủy tùy tiện.
Bảo vệ an ninh quốc gia
Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa;” liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết, vừa để bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật An ninh mạng
Xuất phát từ những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện hành và các yêu cầu, đòi hỏi đặt ra từ tình hình thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban này nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là tập trung điều chỉnh về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết, linh hoạt cho việc triển khai các hoạt động này trong thực tế.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong dự thảo Luật và hệ thống pháp luật, cần cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về hoạt động tác chiến mạng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng cho phù hợp.
Theo ông Võ Trọng Việt, cần thiết phải quy định về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, thông tin cá nhân trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị sửa quy định về các hành vi vi phạm theo hướng người nào sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật quân sự, bí mật cơ quan, tổ chức, danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc quy định pháp luật khác có liên quan.
Cơ bản tán thành với dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng an ninh mạng là lĩnh vực mới nên cần phải quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để có căn cứ thực hiện. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Theo TTXVN