Kỳ 2: Chơi bóng rổ với Việt Cộng
Cảnh cáo Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với Trung tướng Nguyễn Văn Thành - nguyên Tư lệnh Quân đoàn ... |
Long An: Tặng nhà văn hóa, thể thao và 3 nhà tình nghĩa cho đồng bào công giáo Ngày 12/8, Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp với các sở ban ngành tỉnh Long An tổ chức lễ khánh thành, bàn giao đưa ... |
Trước kia, những lính Mỹ đi qua biển mang theo bom đạn đến với Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, vẫn con đường đi qua biển, họ mang đến mảnh đất này sự sám hối, lời xin lỗi cùng giấc mơ hòa bình và tình bạn. Còn những người lính Việt Nam đi qua biển tới Mỹ chỉ mang theo vẻ đẹp văn hóa, khát vọng hòa bình và lòng vị tha của dân tộc. Trong suốt nhiều năm, họ là những người tiên phong dựng lên một cây cầu của tình bạn và hòa bình giữa hai dân tộc. Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết gồm 3 kỳ của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một người đã tham dự từ những ngày đầu cùng các nhà văn, nhà thơ cựu binh của cả hai phía cho tới tận bây giờ để xây lên cây cầu ấy.
1.Chuyến “vượt biển” đầu tiên của một người lính Việt Nam tới Mỹ là chuyến đi của nhà văn Lê Lựu năm 1987. Ông mang theo trong chiếc va li tuềnh toàng của mình bánh đa nem, mộc nhĩ, miến, nấm hương và những cuốn sách. An ninh cửa khẩu Mỹ khám xét hành lý của ông khá kỹ và hỏi nhiều câu hỏi về mục đích đến Mỹ của ông. Lúc đó, một “cộng sản” công khai đến Mỹ là một vấn đề không đơn giản và cũng đầy “tò mò” đối với người Mỹ. Đặc biệt lại là một “cộng sản nhà văn”. Người Mỹ sẽ hiểu được những bí mật trong tâm hồn của những ông cộng sản này. Sau chuyến đi Mỹ của ông là chuyến đi của các nhà văn cựu binh Việt Nam khác.
Rồi một ngày, một bài thơ của nhà thơ, cựu binh Kevin Bowen đã xuất hiện trên một tạp chí tên tuổi của nước Mỹ và trở lên nổi tiếng. Bài thơ có một cái tên mà những ai đọc được tên bài thơ cũng không thể bỏ. Bài thơ có tên “Chơi bóng rổ với Việt cộng” đã được dịch sang tiếng Việt:
Một chiều xa trong chiến tranh
Khi chúng ta đang rạp mình phục kích
Những người đàn ông, đàn bà
Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ
Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai
Lúc đó chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới
Người đàn ông tóc hoa râm đi dép
Chiều nay đến ngồi dưới mái nhà ta
Hút thuốc lá Gô-loa
Và uống bia nhãn Mỹ
Cơn ho chiều cắt ngang câu chuyện
Khi ông kể về một ngày kháng chiến
Năm 1954
Ông đã làm ra sao để đánh lừa lính Pháp
Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao
Ông nâng chân trái lên
Hai cánh tay lượn từ sau ra trước
Quả bóng bay theo quỹ đạo cầu vồng
Một, hai, ba... rồi mười lần trúng đích.
Chúng ta đứng nhìn ông im lặng
Quần soóc, áo phông, dép, tóc hoa râm
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng
Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long
Và ở những nơi khác nữa chúng ta nghe
Lời ông thì thầm như thở
Còn có thể thắng thêm vài quả nữa
(Nguyễn Quang Thiều dịch)
Có lẽ không hình ảnh nào về một “cộng sản” hiện lên đẹp đẽ và nhân ái như hình ảnh trong bài thơ này. Ở đó không phải là nghệ thuật thi ca mà đó là sự cảm nhận chân thực nhất của một “kẻ thù” của chúng ta. Nhà văn Lê Lựu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng hay những nhà văn cộng sản khác đã vượt biển đến Mỹ với hành trang dung dị và những hành động như thế. Hình ảnh đó khác hoàn toàn với hình ảnh lính Mỹ đổ bộ xuống Việt Nam để bắt đầu một cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc nhất thế kỷ 20. Trong một buổi đọc thơ tại Trung tâm văn bút New York, Kevin Bowen đọc và nói về bài thơ này. Sau buổi đọc, một sinh viên Mỹ đã nói với tôi: “Tôi không biết gì về những người cộng sản ngoài hệ thống tuyên truyền của chính phủ Mỹ, nhưng chỉ một bài thơ của nhà thơ Kevin, tôi đã hiểu sự thật về họ”.
Bãi biển An Bàng. Ảnh minh họa. |
Kevin đã “nuôi giấu” những nhà văn, nhà thơ cộng sản trong ngôi nhà của mình ở Dochester, Boston suốt hơn 20 năm. Nhưng ông đã phải giấu số điện thoại và chuyển nhà vì bị những người Mỹ và người Việt chống đối ở Mỹ đe dọa, thậm chí có những cuộc gọi trong đêm hăm dọa “chúng tao sẽ giết con mày và cưỡng dâm vợ mày”. Báo Boston Globle đã có một bài báo “chấn động” người đọc khi viết: Trung tâm William Joiner mà nhà thơ Kevin Bowen làm giám đốc là “bàn tay nối dài của cộng sản Hà Nội’’. Nhưng không gì làm ý chí ông lay chuyển. Kevin đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ hai lần về quan hệ của ông và Trung tâm của ông với Việt Nam. Ông cùng các nhà văn của Trung tâm đã bền bỉ dịch, xuất bản và giới thiệu các tác phẩm văn thơ của các nhà văn Việt Nam tới bạn đọc Mỹ như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Khải, Chính Hữu, Chu Lai, Hữu Thỉnh, Lê Thị Minh Khuê… Ông muốn dùng văn thơ của các nhà thơ Việt Nam để nói với người Mỹ về con người và đất nước này.
2. Năm 1994, trong chuyến sang Mỹ tham dự Hội thảo văn học, tôi đã được chứng kiến lễ ra mắt tập Thơ Từ Những Tài Liệu bị bắt giữ. Đó là những bài thơ chọn từ những tài liệu của bộ đội, du kích Việt Nam mà Quân đội Mỹ thu được trong chiến trường. Sau khi những tài liệu này được giải mật, Trung tâm William Joiner đã phát hiện có hầu hết trong các cuốn sổ tay của những người lính giải phóng đều vẽ chim hòa bình và chép thơ. Họ quyết định chọn, dịch và xuất bản. Đó cũng là tập thơ của những người lính giải phóng hay nói chính xác hơn tập thơ của những Việt cộng đầu tiên được dịch, in ấn và phát hành tại Mỹ. Và đó là tập thơ Việt Nam bán chạy nhất trong các tập thơ Việt Nam xuất bản tại Mỹ từ trước đến nay. Những người làm cuốn sách này muốn cho bạn đọc Mỹ thấy được tâm hồn của những người lính Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc của họ. Đây cũng là một cách lý giải sức mạnh của những người lính Cụ Hồ. Sau đó, một tuyển thơ Việt Nam đồ sộ do Kevin khởi xướng, cùng dịch và xuất bản ở Mỹ. Tập thơ mang tên Sông núi. Kevin đã bỏ tiền bay sang Việt Nam nhiều lần và ngồi với tôi cả nửa tháng để cùng nhau dịch tuyển thơ này. Khi tham gia chuyển ngữ tập thơ này, tôi cũng không biết nên đặt tên tập thơ ấy như thế nào. Vì đây là tập tuyển những bài thơ các nhà thơ Việt Nam viết trong chiến tranh chống Mỹ. Cuối cùng Kevin là người đặt tên tập thơ này. Ông nói với tôi ông đã đọc bài thơ của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam… Ông coi đây là bản tuyên ngôn đầu tiên của người Việt công bố với thế giới về quyền độc lập và tự do của dân tộc họ. Với ý thức đó, tập thơ đã ra đời với cái tên không gì hay hơn và ý nghĩa hơn: Sông núi. Mỗi khi thấy tên tập thơ, tôi lại mang một cảm giác ngượng ngùng rằng chính tôi, một người Việt Nam, đã không nghĩ được một cái tên như thế. Năm 2017, tôi đến Boston và được dự một sự kiện đặc biệt. Đó là ngày chính quyền bang Massachusetts công bố quyết định lấy một ngày ở thủ phủ bang này gọi là Ngày Kevin Bowen. Một trong những lý do để chính quyền bang Massachusetts quyết định có một ngày mang tên Kevin Bowen là “Vì ông đã làm cho nước Mỹ hiểu sâu sắc thêm nền văn hóa Việt Nam - một kẻ thù cũ”. Khoảng 10 năm trước, ông bị tai nạn và mất một phần trí nhớ. Để phục hồi trí nhớ của mình, Kevin đã dùng một phương pháp trị liệu làm một số bác sỹ Mỹ “choáng váng”, đó là việc ông bắt đầu thực hành vẽ và chỉ vẽ chân dung các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã đến Mỹ và ở trong ngôi nhà của ông. Hình ảnh những nhà văn, nhà thơ cộng sản lần lượt hiện về trong ký ức ông và ông đã phục hồi được trí nhớ của mình. Năm 2015, ông đã đến Việt Nam và triển lãm hàng chục bức tranh chân dung các nhà văn, nhà thơ cộng sản - những người mà ông đã chọn nhớ về họ như một loại thần dược để chữa bệnh cho mình.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. |
Khi nhà văn Nguyễn Khải bị những người Việt cực đoan lao vào định hành hung sau buổi nói chuyện và đọc tác phẩm của ông ở thư viên Boston, nhà thơ Bruce Weigl đã cầm một cán cờ Mỹ đứng che cho nhà văn Nguyễn Khải và những nhà văn Việt Nam khác và thét lên: “Tao là lính thủy đánh bộ Mỹ đây, không kẻ nào có thể động đến những người bạn Việt Nam của tao”. Mỗi khi có các nhà văn Việt Nam đến Mỹ là Bruce lại bay từ Ohio đến Boston để sát cánh cùng các nhà văn Việt Nam trong mọi hoạt động. Trong mọi buổi giảng bài, mọi buổi diễn thuyết và đọc tác phẩm, Bruce luôn chọn chủ đề Việt Nam để nói cho bạn đọc Mỹ về đất nước này. Trong tập thơ Sau mưa thôi nã đạn đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, có một bài thơ tên là “Người đàn ông đi xe đạp”. Bài thơ viết về một ngày Bruce ngồi trên máy bay trực thăng đi quan sát dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Ông nhìn thấy một người đàn ông đang đạp xe. Ông khát khao được nhảy khỏi trực thăng và lao lên ngồi phía sau chiếc xe đạp rồi cùng người đàn ông đó đạp xe lướt trên đường. Ông mơ trở thành người đàn ông Việt Nam đi xe đạp đó.
Larry Rottman thì tìm một cách rất đặc biệt để dựng lên hình ảnh những người lính giải phóng Việt Nam cho các sinh viên Mỹ. Ông cho một sinh viên Mỹ đóng vai một lính Mỹ và một sinh viên đóng vai một người lính giải phóng Việt Nam. Và mỗi sinh viên này lần lượt đọc những trang nhật ký của những người lính ở hai phía. Từ đó, những sinh viên Mỹ nhận ra những người lính của mỗi phía đã mang gì theo họ bước vào cuộc chiến tranh. Những lính Mỹ mang vào cuộc chiến vũ khí tối tân nhưng đầy sự ngờ vực mục đích của cuộc chiến, sự sợ hãi và hoang mang, còn những người lính giải phóng Việt Nam mang theo là tình yêu gia đình, quê hương, khát vọng hòa bình, sự dâng hiến cho đất nước và giấc mơ chiến tranh kết thúc để trở về lấy vợ, gieo trồng, sinh con để cái trong hòa bình. Cách giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế đã làm bừng tỉnh nhiều người Mỹ. Có lẽ vì lý do đó mà hằng năm, Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusetts đã mời các nhà văn Việt Nam tới Mỹ để đọc tác phẩm của họ và trò chuyện với người Mỹ. Nhiều nhà văn Mỹ đã nhìn rất lâu những nhà văn, nhà thơ Việt cộng và lắng nghe họ, thưởng thức những món ăn họ nấu và có người đã phải thốt lên lên “Có phải chúng ta đã đến Việt Nam, đã săn lùng họ như một kẻ thù của nước Mỹ không? Kẻ thù của chúng ta là như vậy sao?”.
3. Có một buổi chiều ở Mỹ mà vợ chồng giáo sư, nhà thơ, cựu binh Kevin Bowen không bao giờ quên được. Chiều ấy bên cảng Boston là một chiều đầy gió. Một người đàn ông xa lạ bế một cô bé mấy tháng tuổi và hát ru cho cô bé ngủ luôn, đã luôn hiện lên trong tâm trí của họ một hình ảnh đầy ý nghĩa và xúc động. Người đàn ông xa lạ ấy là nhà thơ Hữu Thỉnh và cô bé hai tháng tuổi đó là Lily, con gái nhà thơ Kevin. Cô bé Lily khóc mãi mà cha mẹ cô không thể nào dỗ cho con nín được. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã bước đến và ôm lấy cô bé, rồi hát cho cô nghe một làn điệu ru con của những bà mẹ Việt Nam. Chỉ lát sau, cô bé Lily thôi khóc và nằm bình yên trong vòng tay nhà thơ Hữu Thỉnh. Cuộc sống đã mượn nhà thơ và cô bé Lily để nói với thế gian một điều đầy ý nghĩa. Chúng ta không thể cầm lòng dù tiếng khóc ấy đôi khi là tiếng khóc sinh lý của một đứa bé hai tháng tuổi. Nhưng khoảng khắc ấy quá ít trong đời sống chúng ta. Nó như cái đẹp bất chợt hiện ra. Nó xoá đi mọi ranh giới của thù hận và cảnh giác.
Ôi, một đứa trẻ khóc mãi bên bờ biển trong một chiều đầy gió lạnh chẳng lẽ không làm động lòng lương tâm chúng ta hay sao? Dù nay mai nó là người Mỹ, là nước Mỹ, nó có thể trở thành Tổng thống Mỹ và có thể tiến hành một cuộc chiến tranh với hình thức nào đó với dân tộc chúng ta. Nhưng bây giờ nó bé bỏng nhường kia, trong sáng nhường kia, yếu đuối nhường kia, sợ hãi nhường kia. Tiếng khóc của nó không một chút gì khác với tiếng khóc của con ta. Tôi đã kể câu chuyện này cho cô bé. Nhưng Lily chưa đủ lớn để xúc động và tìm thấy ý nghĩa của buổi chiều ấy. Nhưng buổi chiều ấy thi thoảng lại hiện lên trong tâm trí tôi. Nó giản dị nhưng thật diệu kỳ. Buổi chiều ấy như một hình ảnh chứa đựng chân dung nhân tính của thế gian và nó cũng chứa đựng tâm hồn của một người Việt Nam.
Khi cô bé Lily tròn 14 tuổi cũng là năm tôi đến Mỹ. Tôi đã nói với cha mẹ Lily để tôi tổ chức sinh nhật cho cô bé. Trước đó mấy ngày, tôi hì hụi vẽ một bức tranh sơn dầu những bông hoa tím. Và trong buổi tối sinh nhật của Lily, nhóm văn nghệ sỹ Việt Nam đã nấu các món ăn Việt Nam, đã hát và chơi nhạc những bài dân ca Việt Nam chúc mừng sinh nhật cô bé Lily. Tôi đã nói với những người tới dự sinh nhật của cô: “Tôi tổ chức sinh nhật cho Lily nhưng là để làm lên một buổi tối cho chúng ta, một buổi tối của hoà bình và của cái đẹp trên thế gian này. Rồi sẽ đến một ngày tôi không thể trở lại mảnh đất này được nữa. Con trai tôi sẽ lại đến đây để tổ chức sinh nhật cho một cô bé Mỹ mười bốn tuổi nào đó. Và nó lại thay tôi làm lên một buổi tối hoà bình và của cái đẹp cho thế gian này”.
Những lính Mỹ mang vào cuộc chiến vũ khí tối tân nhưng đầy sự ngờ vực mục đích của cuộc chiến, sự sợ hãi và hoang mang, còn những người lính giải phóng Việt Nam mang theo là tình yêu gia đình, quê hương, khát vọng hòa bình, sự dâng hiến cho đất nước và giấc mơ chiến tranh kết thúc để trở về lấy vợ, gieo trồng, sinh con để cái trong hòa bình. Cách giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế đã làm bừng tỉnh nhiều người Mỹ. |
(Xem tiếp Kỳ cuối)
Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh 3 nhà khoa học xuất sắc Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 sẽ được trao cho 3 nhà khoa học được hội đồng giải thưởng đề nghị thuộc các ngành ... |
Đang thiếu vật tư y tế, Mỹ bất ngờ viện trợ 100 triệu USD cho Italy, Tây Ban Nha và Pháp Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ viện trợ 100 triệu USD vật tư y tế và thuốc men cho Italy, Tây Ban Nha ... |