Kinh tế Trung Quốc đang lâm vào vết xe đổ của Nhật Bản?
Trung Quốc hiện nay đang phải đau đầu giả quyết thị trường bất động sản, chứng khoán nhằm đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy các công ty dũng cảm đầu tư để tránh tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm trong nhiều thập niên như Nhật Bản.
Theo hãng tin Financial Times, Trung Quốc đã có tỷ lệ nợ lên tới 200% GDP vào năm 2010 và ông Tập Cận Bình khi đó chưa lên làm lãnh đạo đã yêu cầu các chuyên gia kinh tế nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này.
Một bản báo cáo được đưa ra sau đó cho thấy Trung Quốc cần học những bài học từ cuộc khủng hoảng của Nhật Bản cách đây 30 năm. Theo đó, chính quyền Bắc Kinh cần cảnh giác với sự an toàn trong hệ thống tài chính, bảo vệ kho dự trữ ngoại hối và không gây áp lực thay đổi lên thị trường tiền tệ.
Năm 2017, tỷ lệ nợ của Trung Quốc vẫn ở mức 250% GDP và đang ngày càng leo thang. Chính quyền Bắc Kinh vẫn đang phải đau đầu với những thành phố ma không người ở cũng như giải quyết đống lộn xộn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi bong bóng vỡ vào năm 2015. Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí đã phải nhắc nhở các quan chức về sự cần thiết của việc bảo đảm an ninh tài chính.
Sàn giao dịch Tokyo năm 1992 và thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay giao dịch bằng smartphone
Liệu nền kinh tế lớn thứ 2 hiện nay là Trung Quốc có lâm vào vết xe đổ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới năm 1989 là Nhật Bản? Liệu tăng trưởng của Trung Quốc có bị chậm lại trong nhiều năm giống như Nhật Bản từng bị?
Hiện chưa có một chuyên gia nào dám khẳng định một câu trả lời cho nghi vấn trên. Tuy nhiên, nếu những gì diễn ra tại Nhật ứng vào Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ bị tác động tiêu cực rất lớn.
Trung Quốc đóng góp tới 40% tăng trưởng hàng năm của kinh tế thế giới, chiếm 20% tổng số hàng nhập khẩu của Mỹ, tương đương với tỷ lệ của Nhật Bản vào giữa thập niên 1980.
Trong khi Goldman Sachs cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã học được nhiều bài học và đã có chuẩn bị cho các trường hợp thì hãng Matthews Asia lại cho rằng những con số mà chính phủ cung cấp chỉ có tính trấn an dư luận.
So sánh trên vài phương diện, tình hình của Trung Quốc hiện nay khá giống với Nhật Bản.
Những điểm trùng hợp thú vị và vài điều khác biệt
Việc tăng trưởng kinh tế nóng khiến các công ty bị ám ảnh với giá cổ phiếu cũng như sự cạnh tranh tăng trưởng với các đối thủ, khiến họ vung tiền cho hàng loạt vụ mua lại doanh nghiệp quốc tế.
Trung Quốc cũng có nhiều thương vụ thâu tóm khủng với công ty nước ngoài giống Nhật Bản hồi thập niên 1980.
Năm 1989, hãng Sony mua lại Columbia Pictures với giá 3,4 tỷ USD. Tương tự như vậy, hãng ChemChina mua lại Syngenta vào năm 2016 với giá 43 tỷ USD.
Trong mảng bất động sản, Trung Quốc và Nhật cũng có vài điểm tương đồng. Hãng Mitsubishi Estate mua 51% cổ phần của New York’s Rockefeller Center với giá 900 triệu USD vào năm 1989 thì CC Land của Trung Quốc mua lại tòa Cheesegrater của Anh với giá 1,15 tỷ Bảng vào năm trước.
Năm 2012, tập đoàn Anbang của Trung Quốc cũng mua lại tòa Waldorf Astoria tại New York với giá gần 2 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đi vào lối mòn mà những công ty Nhật đã từng mắc phải trước đây là mua hàng loạt tài sản, doanh nghiệp ở nước ngoài để nâng doanh thu, lợi nhuận theo báo cáo sổ sách, qua đó đẩy giá cổ phiếu đi lên một cách bất hợp lý.
Chuyên gia tài chính Fraser Howie nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại nhưng nợ thì lại tăng gấp đôi trong 8 năm qua. Đây là một dấu hiệu khá nguy hiểm cho nền kinh tế 1,4 tỷ dân.
Có một điều thú vị là ngay trước khi bong bóng thị trường Nhật Bản đổ vỡ, nhiều loại dịch vụ, hàng hóa xa xỉ của nước này đã tăng giá chóng mặt và điều tương tự cũng đang xảy ra với Trung Quốc.
Vào năm 1987, giá cho một khóa học tại câu lạc bộ chơi golf Koganei Country Club tăng lên mức 3,5 triệu USD chỉ vì độ nổi tiếng của một loại cocktail đặc biệt nơi đây. Tại Trung Quốc hiện nay, giá của loại trà thượng hạng Old Banzhang cũng tăng 90% lên 15.000 Nhân dân tệ (2.174 USD) mỗi kg, đắt gấp 4 lần so với 1 kg bạc.
Trong mảng tài chính, tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính của Trung Quốc hiện nay đạt khoảng 155% GDP, tương tự như Nhật hồi cuối thập niên 1980. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc hay Nhật Bản cũng tích cực đầu tư vào tài sản nước ngoài, thậm chí là các tác phẩm nghệ thuật.
Năm 1987, hãng bảo hiểm Yasuda Kasai trả 40 triệu USd cho tác phẩm hoa hướng dương của nghệ sĩ “Van Gogh”. Năm 2015, tỷ phú Liu Yiqian tar 170 triệu USD cho tác phẩm của Modigliani.
Về mảng du lịch, Nhật Bản có 9,66 triệu người đi nước ngoài năm 1989, tăng 7,85%. Năm 2016, Trung Quốc có 122 triệu người đi du lịch nước ngoài, tăng 8,56%.
Tất nhiên, câu chuyện của Nhật và Trung có sự khác biệt ở nhiều chỗ. Trong khi chính phủ Nhật ký hiệp ước Plaza Accord với Mỹ và nhiều cường quốc khiến đồng USD giảm giá so với đồng Yên từ năm 1985 khiến đồng tiền này tăng giá từ 240 Yên/USD lên 120 Yên/USD thì chính quyền Bắc Kinh lại không có hiệp định nào về đồng USD.
Chính vì vậy, Trung Quốc vô cùng cẩn trọng với thị trường ngoại hối khi thắt chặt kiểm soát hành động đầu cơ tiền tệ và thậm chí can thiệp mạnh tay vào thị trường chứng khoán để ổn định hệ thống tài chính.
Một điểm khác biệt nữa là động lực tăng trưởng của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với Nhật Bản. Đầu thập niên 1990, Nhật không có nhiều động lực để thúc đẩy nền kinh tế trong khi Trung Quốc hiện nay lại có rất nhiều lựa chọn dựa trên lợi thế về thị trường đông cũng như nhiều yếu tố khác. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình từ chú trọng xuất khẩu sang tiêu dùng cũng cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã học được bài học từ Nhật cách đây 30 năm.
Ngoài ra, hầu hết các khoản nợ của Trung Quốc hiện nay là nợ công, khoảng 2/3 số nợ doanh nghiệp là từ các công ty quốc doanh bởi các ngân hàng nhà nước. Theo hãng Macquarine, tình trạng này khác khá nhiều so với Nhật khi doanh nghiệp tư nhân nợ là chủ yếu và khiến chính phủ gặp khó trong việc cứu giúp cũng như đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.
Dẫu vậy, tỷ lệ tăng trưởng nợ của Trung Quốc vẫn quá nhanh. Nếu Nhật Bản mất 1/4 thế kỷ để tăng mức tín dụng doanh nghiệp tư nhân từ 125% GDP năm 1970 lên 220% GDP năm 1995 thì Trung Quốc chỉ mất 9 năm để tăng từ 115% GDP lên hơn 210% GDP.
“Nhà là để ở chứ không để đầu cơ”
Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu lo ngại là khi giá cả của nhiều loại hàng hóa bắt đầu tăng chóng mặt. Những nhà đầu tư đổ tiền đầu cơ vào thị trường Trung Quốc khi nền kinh tế tăng trưởng nóng bất chấp những cảnh báo về dấu hiệu rủi ro. Điều này cũng tương tự từng xảy ra với Nhật Bản khi kinh tế nước này bùng nổ cuối thập niên 1980.
Viện Fujitsu Research Institute cho rằng điều tồi tệ là không chỉ thị trường bong bóng xì hơi mà nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng đã hằn lên xã hội Nhật Bản suốt 1/4 thế kỷ sau đó, biểu hiện bằng một thế hệ luôn sống tiết kiệm, một thời gian dài chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng không thúc đẩy được người dân chi tiêu nhiều hơn.
Mãi đến tận giữa thập niên 2000, Nhật Bản vẫn không có một động thái mạnh tay hiệu quả nào để chấm dứt tình trạng tăng trưởng chậm, người dân mất lòng tin vào kinh tế và không dám chi tiêu. Trong khi đó, ngân hàng và các tổ chức tín dụng không còn là nơi tin tưởng để cất tiền, gây ra nhu cầu lớn cho tiền mặt trong xã hội.
Theo Credit Suisse, việc chính quyền Bắc Kinh làm gì để ngăn cản lâm vào lối mòn Nhật Bản không quan trọng bằng việc nước này sẽ làm gì khi tình trạng đó xảy ra. Nếu chính phủ không có những biện pháp mạnh tay, nhát là với ngành ngân hàng, tài chính thì nền kinh tế cũng như thị trường tiêu dùng sẽ chẳng đi đến đâu.
Quay trở lại với sự tăng trưởng nóng, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng trưởng gấp 3 lần về giá trị vốn hóa trong khoảng 1985-1989 và điều này không khác mấy với đà tăng nóng của chứng khoán Trung Quốc những năm gần đây.
Chuyên gia kinh tế Peter Tasker cho biết chính bong bóng thị trường và sự tăng trưởng nóng đã thúc đẩy thu nhập cũng như sự tự tin trong xã hội. Điều này khiến nhà đầu tư mù quáng bỏ tiền vào mọi thứ họ nghĩ có thể sinh lời mà bỏ qua những yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Nhật Bản đã bị như vậy và giờ đây Trung Quốc có thể vẫn theo lối mòn như thế.
Thậm chí, tư tưởng tích cực thái quá này còn khiến nền kinh tế vượt qua được những cơn sốc bất chấp các dấu hiệu khủng hoảng đã hiện ra. Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu thập niên 1980 trong khi Trung Quốc vượt qua cơn suy thoái 2008.
Theo Cresit Suisse, Nhật Bản có hiệp định Plaza Accord khiến chính quyền Tokyo có thể giữ vững chính sách tiền tệ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Trung Quốc không có gì ngoài một kho dự trữ ngoại hối lớn đang giảm dần để bảo vệ thị trường tài chính.
Hầu như mọi người Trung Quốc đều cho rằng nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào đây để tận dụng thị trường lớn số 1 thế giới và họ sẽ không bao giờ thiếu tiền. Điều này tạo cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc sự tự tin lớn để vung tiền đi mua các tài sản dưới mức giá trị thật của chúng.
Bên cạnh đó, cấu trúc dân số của 2 nước cũng đang có những diễn biến khá tương đồng. Cả 2 nền kinh tế này đều đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng về dân số và bước sang giai đoạn già hóa. Lực lượng lao động trong độ tuổi 15-54 của Trung Quốc và Nhật Bản đều bắt đầu giảm sau giai đoạn bùng nổ tăng trưởng.
Đối với Nhật Bản, thời điểm 1990 là lúc dân số bắt đầu đi xuống trong khi Trung Quốc, nước từng tự hào là có nguồn lao dộng dồi dào bắt đầu quá trình già hóa của mình từ năm 2012.
Mới đây, Moody đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc xuống A1, mức tương tự với Nhật Bản khi qua thời tăng trưởng nóng với cùng một lý do là tỷ lệ nợ tăng cao.
Dẫu vậy, Moody cũng nâng mức đánh giá đối với nền kinh tế và dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc vẫn ở mức 5% vào năm 2022, một kết quả khả quan hơn rất nhiều so với Nhật Bản sau khi thị trường này xì hơi.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Đối với cả người dân Trung Quốc lẫn Nhật Bản, việc thị trường bong bóng phồng lên là một cơn ác mộng. Tại Nhật Bản khi chứng khoán và bất động sản ở mức đỉnh, giá cả sinh hoạt tại các thành phố lớn lên mức không thể chịu nổi cho những nhân viên làm công ăn lương thông thường.
Năm 1989, giá một căn hộ 75 m2 tại trung tâm Tokyo cao gấp 8,5 lần mức lương của nhân viên văn phòng ở đây. Sau đó 3 thập niên, Trung Quốc cũng đang chứng kiến tình trạng tương tự khi giá 1 căn hộ 100 m2 tại Bắc Kinh cao gấp 50 lần thu nhập của một người dân bình thường sống tại thủ đô.
Tất nhiên, Trung Quốc đã học được bài học lớn từ Nhật Bản khi thống đốc ngân hàng trung ương Nhật (BoJ), ông Yasushi Mieno lên án tình trạng giá nhà tăng phi mã, qua đó khiến nhiều nhà đầu tư sợ hãi rằng thị trường sẽ đi xuống, tạo ra cơn sụp đổ nhanh chóng sau đó.
Chính quyền Bắc Kinh thì khôn ngoan hơn khi có cách tiếp cận mềm mỏng, không chỉ trích thái quá nhằm hạ nhiệt thị trường đã giúp hàng chục triệu người nông thôn Trung Quốc trở thành triệu phú. Dẫu vậy, Trung Quốc nhận ra rất rõ tình hình bong bóng thị trường hiện nay đang vô cùng nghiêm trọng, như Chủ tịch Tập đã từng cảnh báo rằng “nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ”.
BT