Khuyến nghị “không đi đường tắt” sau khi “gỡ” quy định thanh toán trước với nhà đầu tư ngoại
Từ ngày 2/11/2024, Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức có hiệu lực, trong đó có nội dung đáng chú ý quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS).
Đây được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho ngành chứng khoán. Liên quan đến nội dung này, ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, thông tư này rất quan trọng vì nó thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây hy vọng sẽ là một phần trong xu hướng biến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
“Chúng tôi nhận thấy có 2 tác động: (1) Tác động trực tiếp từ chính Thông tư; (2) Tác động gián tiếp của Thông tư trong việc cải thiện khả năng nâng hạng của FTSE vào tháng 3.
Thông tư 68 sẽ khiến một số nhà quản lý quỹ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam do đầu tư trở nên hiệu quả hơn về chi phí. Tuy nhiên, phạm vi này khá nhỏ. Nó không ảnh hưởng đến phân bổ từ các quỹ Vietnam-dedicated (ví dụ như PYN, Dragon Capital hay VinaCapital) vì họ đã đầu tư 100% vào Việt Nam (mặc dù lợi nhuận của họ sẽ tăng nhẹ). Thông tư sẽ áp dụng chủ yếu cho các quỹ khu vực hoặc các quỹ chuyên các thị trường cận biên và mới nổi toàn cầu có quan tâm đến Việt Nam.
Tác động lớn hơn là việc nâng cao khả năng FTSE sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3.
“Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực. Bên cạnh đó, các ETFs nước ngoài mô phỏng thị trường Việt Nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư tại các thị trường nước ngoài kỳ vọng vào nâng hạng thị trường mới nổi. Đây có thể là một sự kiện quan trọng và giúp tăng giá cổ phiếu trong quý I/2025”, ông Barry Weisblatt David cho biết.
Khi Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng vào tháng 9 và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn lớn từ các ETF thị trường mới nổi. “Dù có nhiều ước tính khác nhau, tôi nghĩ rằng khoảng 500 triệu - dưới 1 tỷ USD là hợp lý. Những công ty được hưởng lợi có thể bao gồm những doanh nghiệp hiện đang chiếm ưu thế trong chỉ số FTSE FM, bao gồm HPG, VHM, VCB, VIC và VNM”, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDIRECT đưa ra ước tính.
Ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT |
Chiều ngược lại, theo chuyên gia đến từ VNDIRECT, thông tư này tạo ra một số rủi ro cho các công ty chứng khoán vì nó khiến họ phải chịu rủi ro vỡ nợ thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và phải đưa chứng khoán vào danh mục giao dịch của tự doanh.
“Đây là một điều mới đối với chúng tôi. Trước đây, chúng tôi cũng đã thực hiện KYC đối với khách hàng nước ngoài nhưng chưa phải đánh giá rủi ro đối tác. Hiện nay, chỉ có một số ít công ty chứng khoán hoạt động mạnh trong mảng môi giới cho khách hàng tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, họ sẽ cần đầu tư đáng kể vào phát triển hệ thống và chính sách để đánh giá rủi ro này và triển khai sản phẩm cho khách hàng”, ông Barry Weisblatt David cho biết.
Rủi ro cho thị trường được ông Barry Weisblatt David đề cập là những công ty chứng khoán có ý định mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực này và chiếm lĩnh thị phần từ các nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro liên quan và "không đi đường tắt".
Trước đó, tại hội nghị triển khai Thông tư số 68/2024/TT-BTC được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức vào cuối tháng 10, đại diện các ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán đánh giá Thông tư số 68 là căn cứ pháp lý quan trọng tiếp tục mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ các quy định này, nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận thông tin một cách bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam với các điều kiện thuận lợi, cởi mở hơn, với chi phí thấp hơn, giảm thiểu các rủi ro về tỷ giá, hoán đổi danh mục đầu tư.
Mới đây FTSE Russell đã công bố báo cáo xếp hạng các thị trường chứng khoán tháng 10/2024, trong đó, Việt Nam tiếp tục trong danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. FTSE Russell sẽ cập nhật về tình trạng danh sách chờ xét hạng của Việt Nam được đưa ra vào kỳ đánh giá giữa kỳ tháng 3/2025.
Báo cáo của FTSE Russell tiếp tục chỉ rõ, quyết tâm hướng đến nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn luôn được duy trì một cách kiên định từ sau kỳ công bố đánh giá thường niên vào tháng 9/2023.
Thị trường châu Á lao dốc, VN-Index chỉ giảm 4% Nỗi sợ suy thoái đã nhấn chìm nhiều thị trường chứng khoán châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Dù VN-Index lại để thủng 1.200 điểm nhưng đà giảm đã được giảm thiểu so với bối cảnh chung. |
Quyết định của BOJ có phải nguyên nhân khiến VN-Index mất 8 tỷ USD sau một phiên giao dịch? Phiên 5/8, VN-Index giảm 4%, Nikkei giảm 12,4%. Theo ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối phân tích Chứng khoán VNDIRECT, cả hai điều này đều do tin tức từ Mỹ gây ra. Quyết định tăng lãi suất của BOJ, có lẽ chỉ tác động nhỏ đến Việt Nam. |