Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Vì sao Quốc vương Kuwait nắm cơ hội lớn nhất của vùng Vịnh?
Vị trí trung lập đáng tin cậy
Kuwait đã khẳng định vai trò trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài hơn 3 tuần qua. Khi ba thành viên trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) – Bahrain, Ả Rập Saudi và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha đầu tháng này, Kuwait (và Oman) đã đứng giữa lên tiếng giải quyết các vấn đề nóng bỏng trong khu vực, với đại diện là Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber al-Sabah.
Vai trò trung lập của Kuwait trong khu vực là điều dễ hiểu, dựa trên những hoạt động hàn gắn quan hệ các nước láng giềng từ trước tới nay của quốc gia này.
Nỗ lực năm ngoái của Kuwait nhằm kết thúc nội chiến Yemen thông qua tổ chức cuộc gặp mặt chủ trì bởi Liên Hợp Quốc giữa lãnh đạo các bên đã cho thấy hướng đi ngoại giao với các vấn đề sôi sục ở Trung Đông, mặc dù cuộc đàm thoại không đạt được kết quả khả quan nào.
Mặc dù không có gì đảm bảo cho thành công của hòa giải khủng hoảng Qatar, nhưng khu vực Trung Đông có đồng quan điểm rằng Quốc vương Kuwait Sabah Al Ahmad là vị lãnh đạo có khả năng đàm phán để đưa ra giải pháp nhanh gọn nhất.
Quốc vương Kuwait được nể trọng vì tuổi đời, vị trí trong hàng ngũ lãnh đạo của GCC cũng như vai trò Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait (1965-2003) và Thủ tướng Kuwait (2003-2006).
Đầu những năm 1990, Kuwait bắt đầu coi Iran như bức tường bảo hộ trước Iraq, và từ đó tới nay vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Tehran. Mối quan hệ này đặt Kuwait vào vị trí cầu nối ngoại giao giữa Ả Rập Saudi và các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni cũng như Tehran.
Ngày 25/1, Kuwait thể hiện vai trò của mình qua việc cử Bộ trưởng Ngoại giao Sheikh Sabah al-Khaled al-Ahmad Al Sabah tới Tehran để gửi một lá thư từ Quốc vương tới Thủ tướng Hassan Rouhani và Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif.
Chuyến thăm hiếm hoi này minh chứng cho khẳng định của Kuwait, thay mặt cho GCC, yêu cầu Iran và các quốc gia vùng Vịnh phải hợp tác để hàn gắn mối quan hệ.
Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Sabah
Nhưng suy cho cùng cuối cùng, Kuwait vẫn cần duy trì động thái cân bằng trong ngoại giao với Iran. Áp lực từ Ả Rập Saudi và các thành viên GCC hạn chế nước này có quan hệ sâu sắc hơn với Iran. Các sự kiện đầu năm 2016 – điển hình vụ Saudi xử tử giáo sĩ dòng Shiite kéo theo cuộc biểu tình của người Iran tại Đại sứ quán của Saudi ở Tehran – buộc Kuwait phải triệu đại sứ ở Iran về nước để giữ quan hệ với Riyadh.
Tình hình giáo phái trong nước của Kuwait – khoảng 1/3 dân số là người Hồi giáo theo dòng Shiite và trung thành với hoàng tộc Al Sabah – cũng buộc chính phủ tránh hợp tác quá sâu với Riyadh trong việc xử lí các vấn đề chia rẽ xã hội Kuwait trong phạm vi khu vực.
Ví dụ, để giảm thiểu nguy cơ leo thang xung đột giáo phái, mặc dù ủng hộ Quốc vương Bahrain Al Khalifa, Kuwait chỉ có thể gửi một lượng hải quân nhất định tới Bahrain, mặc dù các nghị sĩ Hồi giáo theo tư tưởng Salafist yêu cầu Kuwait tham gia cùng Saudi và UAE gửi bộ binh tới Bahrain để chống lại cuộc biểu tình của người Shiite trên các khu phố.
Rủi ro của Kuwait
Khi cuộc khủng hoảng Qatar nổ ra, Kuwait nhanh chóng tuyên bố quan điểm trung lập và cùng lúc tự đề cử vai trò hòa giải trong bất đồng này. Quốc vương Kuwait gặp mặt các quan chức Saudi và UAE tại Jeddah và Dubai trong ngày 6- 7/6 trước khi tới Doha để đàm phán với lãnh đạo Qatar. Nhờ đó, Quốc vương Kuwait đã nhận được hỗ trợ từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Oman, Morroco và Sudan.
Tiến trình hòa giải của Kuwait có thành công hay không vẫn chưa thể nói trước. Bản yêu sách 13 điều được đưa ra ngày 23/6 vừa qua bởi Bahrain, Ai Cập, Ả Rập Saudi và UAE kéo dài cuộc khủng hoảng, khiến việc giải quyết nhanh gọn vấn đề trong khu vực là bất khả thi và đặt Quốc vương Kuwait vào tình thế khó khăn với vai trò là một lãnh đạo trung lập. Doha cũng khó có khả năng chấp nhận bản yêu sách.
Mặc cho những khó khăn chồng chất, Kuwait sẽ có được nhiều lợi ích từ việc giải quyết khủng hoảng Qatar.
Quyết tâm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Qatar cũng như Ả Rập Saudi và đồng minh, Kuwait muốn tăng cường danh tiếng của mình trong khu vực cũng như trên thế giới như một trọng tài quốc tế, đem lại giải pháp hòa bình cho những tranh chấp tại Trung Đông.
Kinh nghiệm của Kuwait từ thời kì Iraq cho thấy việc không cân bằng được vị thế địa chính trị giữa các quốc gia láng giềng lớn mạnh xung quanh có ảnh hưởng nguy hại.
Ngày nay, Kuwait đóng vai trò hòa giải trong khu vực nhằm làm dịu đi những căng thẳng có tiềm năng đe dọa an ninh và lợi ích lâu dài của quốc gia này. Đối với riêng Kuwait, nguy cơ khủng hoảng leo thang chính là điều hoàng gia Al Sabah muốn tránh hơn bất kì điều gì hết.
Cuộc khủng hoảng Qatar vẫn chưa có hồi kết. Hậu quả của những bất đồng này không chỉ hai phe tham gia phải hứng chịu, mà những quốc gia trung lập cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng, nhất là người hòa giải chính: Kuwait.
Nếu Kuwait thành công, vị thế trọng tài quốc tế của quốc gia này sẽ được củng cố.
Nhưng ngược lại, nếu nỗ lực của Quốc vương không gặt hái được kết quả khả quan và khủng hoảng Qatar tiếp tục kéo dài, Kuwait sẽ bị đặt vào tình thế khó khăn do xu thế địa chính trị biến động tại khu vực vùng Vịnh.
Nếu Ả Rập Saudi, Bahrain và UAE tiếp tục ép Qatar gần lại với Iran, Kuwait sẽ chịu áp lực từ các đồng minh GCC, dần phải từ bỏ vị trí trung lập và phải chọn cho mình một phe trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này.
Tất Đạt