Không phải du lịch, đây mới là cứu cánh cho Puerto Rico sau bài hit Despacito?
Quốc gia Puerto Rico đã trở nên vô cùng nổi tiếng sau bài hit “Despacito”. Vào tháng 4/217, Thống đốc Ricardo Rossello của quốc gia này đã phải tuyên bố vỡ nợ nhằm tái cấu trúc khoản nợ công 70 tỷ USD. May mắn thay, tờ Un Nueva Dia cho biết số lượng khách du lịch đến đây đã tăng 45% sau khi bài hát Despacito ra đời.
Trong khoảng 2 tháng sau khi bài hát này được phát hành, tỷ lệ tìm kiếm các chuyến bay đến Puerto Rico đã tăng 25% trong khi tỷ lệ này bình quân từ đầu năm đến nay chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ Despacito đã kích thích rất lớn đến nhu cầu du lịch tại đây.
Mặc dù vậy, doanh thu của các công ty du lịch từ tiền môi giới khách sạn tại Puerto Rico cũng đã giảm 15% trong tháng 1, 21% trong tháng 2 và 2% trong tháng 5/2017. Tỷ lệ này chỉ tăng bất ngờ 5,4% trong tháng 6/2017.
Rõ ràng, một sự thật trớ trêu đang diễn ra ở đất nước chỉ có 65.000 dân này là du lịch chưa chắc đã là cứu cánh cho nền kinh tế nơi đây, thay vào đó là thiên đường thuế.
Trong khi nhiều cư dân nơi đây rời bỏ quê hương do tình trạng phá sản của đất nước vào năm 2016 thì nhiều tổ chức tài chính lại tăng cường mở các chi nhánh (IFE) theo quy định của Puerto Rico ban hành năm 2012.
Trong tổng cộng 44 IFE được mở tại Puerto Rico thì 18 chi nhánh đã được thành lập chỉ trong vòng 1 năm qua. Nếu tính riêng 6 tháng đầu năm nay, quốc gia này đã phê chuẩn 7 chi nhánh thành lập của các tổ chức tài chính và ngân hàng.
Nguyên nhân chính của tình trạng này theo nhiều chuyên gia là do lợi ích về thuế. Với quy định của Puerto Rico ban hành năm 2012, những IFE này có thể giúp những chủ tài sản đầu tư tại Mỹ tránh thuế, nhất là khi các quy định về tài chính ngày càng được thắt chặt trên toàn cầu.
Bắt đầu từ tháng 9/2017, tiêu chuẩn mới về tài chính CRS sẽ được hơn 100 nền kinh tế áp dụng, qua đó tự động báo cáo thường niên những tài khoản nằm trong phạm vi chịu thuế của các nước thành viên. Trước đó, công việc này cần được sự yêu cầu của chính phủ và đồng ý của các ngân hàng, qua đó gây khó khăn cho cơ quan điều tra thuế.
Mục địch chính của CRS là nhằm chống lại hiện tượng trốn thuế tại các thiên đường thuế và chính điều này đang khiến một bộ phận rất lớn các chủ tài sản tìm đến những nước không bị ràng buộc bởi CRS như Puerto Rico. Mặc dù là quốc gia thuộc khu vực thịnh vượng chung phụ thuộc Mỹ nhưng Puerto Rico lại không bị ràng buộc bởi các hiệp định thuế trên.
Thêm vào đó, các IFE cũng không hề được Mỹ đưa vào danh sách phải báo cáo thuế theo tiêu chuẩn CRS. Từ đó, những IFE tại Puerto Rico trở thành nơi lý tưởng để giới nhà giàu và tội phạm gửi tiền vào đây.
Tất nhiên theo quy định, IFE phải báo cáo các hoạt động của mình cho nhà chức trách Mỹ cũng như phối hợp phòng chống tệ nạn rửa tiền, trốn thuế. Tuy vậy, IFE không có nghĩa vụ thu thập thông tin của những chủ tài khoản không phải công dân Mỹ ở một nước thứ 3 như Puerto Rico.
Như vậy, những chủ tài sản này chỉ cần thành lập 1 công ty vỏ bọc, hay công ty ma và gửi tài sản tại IFE là có thể yên tâm không bị cơ quan thuế động đến.
Chủ tịch Mark Henny của Fairwinds International Bank, có chi nhánh IFE thành lập năm 2016 tại Puerto Rico cho biết công việc làm ăn của ngân hàng đang cực kỳ phát đạt và khách hàng chủ yếu đến từ Châu Âu. Hiện ngân hàng này đang có kế hoạch mở rộng thêm thị trường sang Châu Mỹ Latinh hay Châu Á.
Một nguyên nhân nữa khiến Puerto Rico trở nên hấp dẫn với các tổ chức tài chính là tiền của nhà đầu tư nước ngoài không bị đánh thuế tại đây. Nói chính xác hơn, các IFE chỉ bị đánh thuế 4% trên tổng lợi nhuận, một con số vô cùng nhỏ so với Mỹ hay Châu Âu.
Trên thực tế, quy định năm 2012 về IFE của Puerto là nhằm thu hút dòng tiền nước ngoài đầu tư vào quốc gia này, nơi có một nửa dân số đang phải sống trong cảnh nghèo khổ. Tính đến cuối tháng 3/2017, các IFE tại đây đã nắm giữ 848 triệu USD tài sản của các khách hàng, tăng 150 triệu USD so với cuối năm 2016 và tăng 100% so với cuối năm 2015.
Những thủ tục thành lập IFE tại đây cũng vô cùng dễ dàng, chỉ với 250.000 USD tiền thanh toán trước và một văn phòng ở Puerto Rico với ít nhất 4 nhân viên là các ngân hàng có thể bắt đầu giao dịch.
Bất chấp thực tại trên, Puerto Rico vẫn không thừa nhận mình sẽ trở thành một thiên đường thuế như Panama hay quần đảo Cayman. Nhiều cơ quan giám sát và thanh tra cũng đã cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động ở Puerto Rico nhằm đảm bảo không xảy ra một vụ “Hồ sơ Panama” một lần nữa.
AB