Không màng danh lợi và cuộc đời viên mãn của vị hảo hán may mắn nhất Lương Sơn Bạc
Trong tác phẩm "Thủy Hử truyện" của Thi Nại Am, Lý Tuấn là một trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Ông có tước hiệu Hỗn Giang Long, vốn là người Lư Châu, rất giỏi võ, bơi lội và quen thuộc sông nước.
"Thủy Hử truyện" miêu tả nhân vật Lý Tuấn thân cao tám thước, mắt sáng như sao, mặt đỏ, ria mỏng, giọng nói sang sảng như đồng vang.
Trước khi lên Lương Sơn tụ nghĩa, ông từng cùng Lý Lập hành nghề cướp giật ở núi Yết Dương, có khi giả làm lái đò để cướp của khách ở bến sông Tầm Dương.
Sau này, nhờ có công cứu Tống Giang, ông gia nhập hàng ngũ hảo hán Lương Sơn. Khi lên núi tụ nghĩa, Lý Tuấn xếp thứ 26, đảm nhiệm chức vụ đầu lĩnh thủy quân và lập nhiều chiến công hiển hách.
Lúc bình định xong Phương Lạp, Lý Tuấn vờ cáo bệnh và quy ẩn cùng một số huynh đệ. Ít ai biết rằng, ông là một trong số những nhân vật có kết cục may mắn nhất trong 108 vị anh hùng hảo hán.
Tranh họa chân dung Lý Tuấn. (Nguồn Qulishi).
Từ một đạo tặc ba lần cứu mạng Tống Giang...
Trên các tác phẩm điện ảnh và truyền hình, hình tượng của nhân vật Lý Tuấn được đề cập tương đối mờ nhạt so với nguyên tác.
Nhưng trên thực tế, việc Hỗn Giang Long đứng trong hàng ngũ 30 cao thủ hàng đầu Lương Sơn không chỉ nhờ tài năng trác việt mà còn bởi mối quan hệ khăng khít của ông với thủ lĩnh Tống Giang.
Kỳ thực, Lý Tuấn đã ba lần cứu Tống Giang thoát khỏi cái chết khi vị đầu lĩnh này đang cận kề ranh giới sinh tử.
Lần cứu mạng thứ nhất xảy ra khi Tống Giang phạm tội bị đày sang Giang Châu, hai sai nha áp giải ông có đi qua núi Yết Dương và nghỉ chân tại quán rượu của Lý Lập.
Thấy Tống Giang có nhiều của cải, Lý Lập đã đánh thuốc mê cả ba người và đợi Lý Tuấn cùng Đồng Uy, Đồng Mãnh về "làm thịt" ba con mồi béo bở này.
Nhưng khi đến nơi, Lý Tuấn nhận ra Tống Giang chính là anh hùng hảo hán gặp nạn. Ông đã kịp thời ngăn chặn hành vi diệt khẩu của Lý Lập.
Tống Giang nhờ vậy thoát khỏi một kiếp nạn, còn kết giao với Lý Tuấn, Lý Lập và anh em Đồng Uy, Đồng Mãnh.
Lần cứu mạng thứ hai xảy ra sau khi Tống Giang chia tay nhóm huynh đệ này không lâu. Tống Giang bấy giờ vì giúp đỡ Tiết Vĩnh nên đã bị Trương Hoành, Mục Hoằng và Mục Xuân truy đuổi trên sông Tầm Dương.
Lý Tuấn cùng huynh đệ lần nữa xả thân cứu Tống Giang giữa dòng nước dữ và tiết lộ với nhóm Trương Hoành về thân thế của vị hảo hán này.
Như vậy là nhờ có Lý Tuấn, Tống Giang một lần nữa thoát khỏi nguy hiểm, thậm chí còn kết giao thêm với nhóm Trương Hoành, Mục Hoằng, Mục Xuân.
Lần cứu mạng thứ ba là lúc Tống Giang sắp sửa lên đoạn đầu đài ở Giang Châu vì viết thơ làm phản.
Lý Tuấn khi đó đã gia nhập vào nhóm hảo hán cướp pháp trường, giải cứu thành công Tống Giang và Đới Tung. Cũng từ đây, Lý Tuấn và nhóm huynh đệ của mình chính thức gia nhập Lương Sơn Bạc.
Từ một đạo tặc bên sông Tầm Dương, Lý Tuấn đã gia nhập Lương Sơn và trở thành một trong những đầu lĩnh nức tiếng. (Ảnh: Nguồn Internet).
... đến đầu lĩnh thủy quân sở hữu thân thủ phi phàm
Không khó để nhận thấy bảng xếp hạng vai vế của các anh hùng Lương Sơn chủ yếu dựa trên các yếu tố như phe phái, xuất thân và thân thủ.
Bản thân Lý Tuấn được xếp ở vị trí thư 26 không chỉ nhờ công lao cứu mạng của ông với Tống Giang mà còn dựa vào tài năng trác việt của vị đầu lĩnh thủy quân Lương Sơn này.
Khi đánh dẹp Vương Khánh, thủy quân do Lý Tuấn chỉ huy từng đại chiến với địch ở eo sông Cù Đường, giết chết Đô đốc thủy quân của địch là Tưởng Sĩ Văn và Nhân Thế Sùng, bắt sống phó tướng Hồ Tuấn khiến quân giặc đại bại.
Sau đó, ông còn cùng anh em nhà họ Đồng giả làm ngư dân, mai phục ở bờ sông và bắt sống kẻ cầm đầu là Vương Khánh.
Sau khi đánh dẹp Vương Khánh, Lý Tuấn lại chiêu hàng thành công ba châu Vân An, Đông Xuyên, An Đức, là một trong những hảo hán lập được công đầu trong cuộc chiến bình Hoài Tây.
Trong trận tử chiến với Phương Lạp, Lý Tuân từng dẫn quân tấn công vào Hồ Môn, cùng Thạch Tú có công bắt được thành chủ Ngô Trị.
Tiếp đó, ông lại đưa thủy quân đến Thanh Khê để giả vờ đầu hàng, được Phương Lạp phong làm Tổng quản thủy quân. Sau này, nhờ có Lý Tuấn từ trong thành yểm trợ, đại quân của Tống Giang mới có thể công phá từ bên ngoài, cuối cùng bình định Phương Lạp.
Vậy nhưng, ngay khi chuẩn bị hồi triều lĩnh thưởng, ở vào thời điểm khắp sắp công thành danh toại, Lý Tuấn lại lựa chọn quy ẩn cùng những vị huynh đệ thân thiết của mình.
Tranh minh họa nhân vật Lý Tuấn.
Từ bỏ quan trường và kết cục viên mãn cho bậc hảo hán không ham danh lợi
Trong "Thủy Hử hậu truyện", Trần Thầm từng lý giải việc Lý Tuấn quy ẩn giang hồ là vì ông không chịu nổi cảnh quan tham ăn hối lộ, gian thần chèn ép trung lương.
Vì vậy, ông giả vờ cáo bệnh, sau đó cùng các huynh đệ thân thiết giương buồm ra biển, chiếm lấy đảo Kim Ngao thuộc lãnh thổ Xiêm La, tự xưng là Chinh Đông nguyên soái.
Lý Tuấn từng chỉ huy thủy quân của mình đánh lui quân đội Xiêm La, thậm chí còn từng dẫn binh công phá thẳng vào kinh thành. Vua Xiêm La bấy giờ phong ông làm quan, Lý Tuấn mới lui binh trở về đảo Kim Ngao.
Có thể thấy, trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, Lý Tuấn là vị hảo hán có kết cục vô cùng may mắn và viên mãn. Kết thúc đẹp của vị anh hùng này đã làm ấm lòng những độc giả từng say mê "Thủy Hử truyện".
Trần Quỳnh