Không còn chương trình rước sắc thần Nguyễn Trung Trực
Ngày 8/7, bà Đặng Tuyết Em - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang - cho biết ban thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất kết luận một số nội dung liên quan đến khiếu nại của ông Nguyễn Khương Ninh về lễ giỗ, sắc phong và mộ phần của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Trước đó ông Ninh, được cho là một trong những hậu duệ của gia tộc anh hùng Nguyễn Trung Trực, đã nhiều năm kiên trì khiếu nại đến các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang cho rằng tỉnh tổ chức lễ giỗ hàng năm không đúng với ngày mất của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là ngày 12/9 âm lịch.
Lễ hội Nguyễn Trung Trực hàng năm thu hút gần 1 triệu lượt người từ khắp nơi về dự.
Ông Ninh cũng cho rằng hài cốt dưới ngôi mộ hiện ở bên trong đình Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá không phải là của anh hùng Nguyễn Trung Trực, đồng thời đề nghị đưa hộp sọ (chưa rõ của ai) đang thờ tại đình ra khỏi di tích này.
Về lễ giỗ, theo ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, tỉnh sẽ vẫn tổ chức vào các ngày 26, 27 và 28/8 âm lịch hàng năm với tên gọi “Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực”. Riêng Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực sẽ tổ chức cúng giỗ ông Nguyễn Trung Trực trong nội bộ đình vào ngày 12/9 âm lịch, được cho là ngày ông bị thực dân Pháp hành hình.
Về sắc phong trong đình Nguyễn Trung Trực, ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang xác định đây là sắc phong được triều Nguyễn phong cho Thành hoàng bổn cảnh làng Vân Tập xưa, không phải phong cho cá nhân ông Nguyễn Trung Trực. Do đó, Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sẽ không còn chương trình rước sắc thần như đã làm lâu nay.
Về ý kiến của ông Nguyễn Khương Ninh cho rằng hài cốt dưới ngôi mộ hiện ở bên trong đình không phải là của anh hùng Nguyễn Trung Trực, theo ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đây là vấn đề thiêng liêng, cần có điều kiện và thời gian tiếp tục tìm hiểu, làm rõ thêm nên trước mắt vẫn giữ nguyên, không thay đổi hiện trạng.
Cũng theo Tỉnh ủy Kiên Giang, hộp sọ thờ bên trong đình Nguyễn Trung Trực đã có từ trước khi đình được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử- văn hóa nên vẫn giữ nguyên và không nói là của ai.
Riêng gia phả về anh hùng Nguyễn Trung Trực, hiện nay có đến bốn bản gia phả của bốn chi tộc khác nhau và bốn chi tộc này đều nhận là hậu duệ của Nguyễn Trung Trực. Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng đây là việc riêng của dòng họ, các chi tộc cần tự trao đổi, làm rõ và giải quyết thuận thảo, không làm ảnh hưởng đến uy tín của dòng họ.
Theo Tuổi Trẻ online