Khởi tố người đàn ông đánh thiếu niên 15 tuổi vì lẻn vào nhà ăn trộm tội giết người có thuyết phục?
Liên quan đến vụ việc thiếu niên 15 tuổi bị đánh gần chết ở Từ Liêm vì trộm cắp tài sản, ngày 2/12 Công an quận Bắc Từ Liêm đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, thay đổi tội danh từ "Cố ý gây thương tích" sang tội danh "Giết người" theo điều 93 Bộ luật Hình sự đối với ông Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm).
Vụ việc trên đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng hành vi đánh người của chủ ngôi nhà chỉ nhằm tự vệ cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên một số người lại cho rằng, ông Phương đã ra tay đánh nạn nhân quá dã man, đã vi phạm pháp luật.
Thiếu niên 15 tuổi bị đánh dã man sau khi lẻn vào nhà người dân trộm cắp.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư Hà Nội).
Theo luật sư Thơm, tính mạng con người là điều cao quý nhất, mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết.
Xét hành vi của ông Phương đã sử dụng hung khí chém liên tiếp nhiều nhát vào nạn nhân, trong đó có vào vùng trọng yếu (đầu) gây thương tích với tỷ lệ thương tật 61 % đã gây nguy hiểm đến tính mạng được pháp luật bảo vệ.
Hành vi này của chủ nhà đã có dấu hiệu phạm tội giết người theo Điều 93 BLHS. Trường hợp nạn nhân không chết vẫn phải chịu trách nhiệm phạm tội chưa đạt theo Điều 18 BLHS.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.
"Trường hợp này hành vi của ông Phương không thể gọi là phòng vệ. Hành vi của ông Phương trong tình huống này là hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng", ông Thơm cho biết.
Phân tích sâu về vụ việc, ông Thơm cho biết khi xem xét hành vi phạm tội của ông Phương cũng cần thiết đánh giá nguyên nhân điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, lỗi của người bị hại trong vụ án để xử lý tương ứng với hành vi gây thương tích cho nạn nhân.
Hành vi phạm tội của ông Phương được thực hiện trong hoàn cảnh người bị hại đã phạm hai lỗi. Lỗi thứ nhất nạn nhân đã đột nhập chỗ ở trái phép, lỗi thứ hai là đột nhập vào gia chủ thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào buổi đêm.
Chính vì điều này đã khiến chủ nhà bức xúc rất lớn, không kiềm chế được bản thân nên bị kích động tâm lý dẫn tới việc sử dụng hung khí chém gây thương tích nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm gia cư và bảo vệ tài sản.
"Khi bị hại đột nhập vào nhà ban đêm vừa gây lo lắng, sợ hãi trước sự tấn công lại của người ăn trộm và vừa bất bình nên việc dùng hung khí chém kẻ trộm là do bị kích động mạnh về tinh thần. Thực tế đã có nhiều vụ án đã xảy ra, kẻ trộm đột nhập vào nhà khi bị phát hiện đã giết chết gia chủ và những người trong gia đình.
Cơ sở pháp lý xác định ông Phương phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được dựa trên nhiều căn cứ. Thứ nhất, ông Phương thực hiện hành vi giết người là do bị kích động mạnh, điều này có thể hiểu là ông không còn nhận thức được đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức.
Ông Lê Minh Phương bị khởi tố về tội "Giết người".
Họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình. Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần họ trở lại bình thường như trước. Trong vụ án này, ông Phương đã nhiều lần bị mất trộm tài sản nên đã bị ức chế về tâm lý.
Thứ hai, người bị hại đã có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng là xâm phạm chỗ ở của gia chủ và thực hiện hành vi trộm cắp tài sản", luật sư Thơm chia sẻ.
Theo quan điểm của ông Thơm, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho việc sử dụng vũ lực đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp phát hiện người có hành vi phạm tội bị bắt quả tang thì bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ và áp giải ngay đến Cơ quan pháp luật hoặc thông báo ngay cho Cơ quan Pháp luật bắt giữ theo quy định.
"Cũng cần phải lên án hành vi trộm cắp của nạn nhân, việc một nam thiếu niên 15 tuổi đã có hành vi trộm cắp nhiều lần cho thấy sự buông lỏng quản lý của gia đình", ông Thơm nhấn mạnh.
I. Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và bảo vệ quyền sở hữu của công dân.
Điều 22 quy định "Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định".
II. Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Ngọc Thắng