Khoảng trống sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II
Nhìn lại cuộc đời của Nữ hoàng Vương quốc Anh Elizabeth II Nữ hoàng Elizabeth II trở thành vị quân vương trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh, triều đại của bà trải qua 15 đời thủ tướng, từ ông Churchill sinh năm 1874 cho đến bà Liz Truss, sinh năm 1975. |
Vương quốc Anh ấn định ngày tổ chức tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II Các quan chức hoàng gia Anh vừa thông báo quốc gia này sẽ tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 19/9 tới đây. |
Thế giới rúng động
Trong thông báo phát đi vào chiều 8/9, Cung điện Buckingham cho biết Nữ hoàng Elizabeth II đã ra đi thanh thản tại Lâu đài Balmoral. Sự thanh thản ấy có lẽ một phần đến từ việc trong những năm tháng cuối đời bà đã tìm thấy sự tin tưởng ở Thái tử Charles, người kế vị ngai vàng. Với tính cách lãng mạn và nhạy cảm, Thái tử Charles có rất ít điểm chung với mẹ, người thẳng thắn và ít khi bộc lộ cảm xúc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, quan hệ giữa hai người đã được cải thiện và trở nên ấm áp hơn, nhất là khi Nữ hoàng nhận ra những đóng góp của Thái tử Charles và thấy con trai ổn định cuộc sống hôn nhân với Camilla. Theo Vanity Fair, vào đầu tháng 2 vừa qua, Nữ hoàng Anh Elizabeth II nói rằng bà "chân thành mong muốn" con trai, Thái tử Charles, lên ngôi vua và vợ của ông, Camilla, Nữ công tước xứ Cornwall, sẽ được phong tước hoàng hậu.
Nữ hoàng Elizabeth II lúc sinh thời |
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, Thái tử Charles đã kế vị ngai vàng, trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh. Lên ngôi ở tuổi 73, Charles không chỉ là người có thời gian giữ vai trò kế vị dài nhất (1952-2022), mà còn là người có độ tuổi cao nhất tiếp quản ngai vàng trong lịch sử nước Anh. Thái tử Charles và giờ đây là Vua Charles III được cho là sẽ phải đối diện với nhiều thách thức vì cái bóng quá lớn trước đây của mẹ mình. Thực tế này hoàn toàn có thể nhận thấy từ phát biểu của các nhà lãnh đạo sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà.
Phát biểu trước công chúng ngày 8/9, Thủ tướng Anh Liz Truss, người vừa được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm hai hôm trước, nêu rõ Nữ hoàng Elizabeth II là nền tảng xây dựng nên nước Anh hiện đại, là người đã tạo nên sự ổn định và sức mạnh cần thiết cho Vương quốc Anh. Theo người đứng đầu chính phủ Anh, sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II là “cú sốc lớn” đối với đất nước và là “tổn thất to lớn” đối với người dân Anh.
Nữ hoàng Elizabeth II và Thái tử Charles |
Trên bình diện quốc tế, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của Nữ hoàng Elizabeth II. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh "trong một thế giới liên tục thay đổi, Nữ hoàng Elizabeth II là sự hiện diện vững chắc và nguồn an ủi cũng như niềm tự hào của nhiều thế hệ người Anh. Di sản của bà in đậm trong những trang sử của nước Anh và trong câu chuyện về thế giới chúng ta".
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng sự lãnh đạo của Nữ hoàng Elizabeth II đã truyền cảm hứng cho đất nước và dân tộc của mình. Ngoại trưởng Đức Annalena Bearbock đánh giá: "Nữ hoàng Elizabeth II là nguồn sức mạnh mang lại sự tự tin cho đất nước của bà trong gần 100 năm. Nước Đức sẽ mãi biết ơn bà vì đã tiếp cận chúng tôi cho các nỗ lực hòa giải sau thảm họa Chiến tranh thế giới thứ hai".
Hoàng gia Anh đã qua thời hoàng kim?
Có thể nói Nữ hoàng Elizabeth II là một người đặc biệt, không chỉ vì bà trị vì Vương quốc Anh trong thời gian dài nhất (hơn 7 thập kỷ), mà còn là một vị quân vương được tôn trọng. Bà ra đi và để lại một di sản tuyệt vời cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Giờ đây, khi Charles trở thành người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, một hiệp hội gồm 56 quốc gia độc lập và 2,4 tỷ dân, áp lực cũng sẽ rất nặng nề.
Không ít nhà lịch sử và học giả tại châu Âu cho rằng việc Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà có thể sẽ chấm dứt một thời kỳ ổn định kéo dài của nền quân chủ Anh. Nguyên nhân là Nữ hoàng Elizabeth II đã chèo lái Hoàng gia Anh trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng lớn gây ra bởi chính con, cháu bà. Vì thế, khi cây đại thụ này ngã xuống, mức độ quan tâm và ủng hộ của dư luận Anh, dư luận châu Âu với Hoàng gia Anh chắc chắn sẽ sụt giảm, nhất là khi uy tín của Hoàng gia Anh bị tổn hại khá nhiều sau các bê bối gần đây liên quan đến Hoàng tử Andrew hay Hoàng tử Harry.
Vua Charles III |
Báo Times từng viết rằng các vị quân vương thành công "không phụ thuộc vào trí tuệ vượt trội hay tài năng xuất chúng ở bất kỳ khía cạnh nào, mà là phẩm chất đạo đức không đổi, khả năng nắm giữ quyền lực lâu dài và tinh thần hy sinh quên mình". Sau hơn 70 năm cầm quyền, Nữ hoàng Anh Elizabeth II trở thành hình mẫu của một "quân vương thành công".
Trong khi đó, đối với Vua Charles III, tại tiệc sinh nhật lần thứ 70 vào năm 2018, ông được chính mẹ mình đánh giá là “lãnh đạo từ thiện vĩ đại, người thừa kế ngai vàng tận tụy, đáng kính để có thể so sánh với bất kỳ ai trong lịch sử”. Tuy nhiên, trong khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II có cuộc hôn nhân kéo dài hơn 7 thập kỷ với Hoàng thân Philip, chỉ “chia tay nhau” khi Hoàng thân Philip qua đời vào năm ngoái, thì thất bại trong cuộc hôn nhân sớm của ông với Công nương Diana vẫn khó có thể phai mờ trong lòng công chúng Anh. Bên cạnh đó, đối với những người trẻ tuổi sinh ra sau cái chết của Công nương Diana, những đặc quyền của hoàng gia gây ra nhiều sự phẫn uất hơn là ngưỡng mộ.
Nữ hoàng Anh thị sát tàu sân bay HMS Queen Elizabeth Chuyến thăm của Nữ hoàng Anh diễn ra trước khi nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth khởi hành đến châu Á. |
Nữ hoàng Anh Elizabeth II mắc COVID-19 Ngày 20/2, Cung điện Buckingham thông báo, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. |