Khoảng 1.300 trẻ em Mỹ thiệt mạng vì súng đạn mỗi năm
Biểu tình phản đối súng đạn ở Washington, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)
Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) được đánh giá là cuộc kiểm tra toàn diện nhất về tử vong và thương tích liên quan tới súng đạn hiện nay ở trẻ em Mỹ. Theo nghiên cứu, những chấn thương gây ra bởi súng ống là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em Mỹ trong độ tuổi 1-17 tuổi.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Katherine Fowler, cho biết: "Tại Mỹ, khoảng 19 trẻ em tử vong hoặc phải điều trị cấp cứu tại các trung tâm y tế vì thương tích do súng mỗi ngày. Súng đạn góp phần đáng kể vào tử vong, bệnh tật và tàn tật ở trẻ em Mỹ hàng năm".
Dựa trên phân tích dữ liệu thương tích quốc gia, CDC phát hiện ra rằng 60% số ca tử vong do súng đạn xảy ra trong giai đoạn 2007-2015. Trong khi đó, số ca thương tích nghiêm trọng ở trẻ em do súng đạn là 5.800 trẻ mỗi năm.
Trẻ em Mỹ có thể dễ dàng tiếp cận súng đạn
Theo kết quả nghiên cứu, 82% số trẻ tử vong nói trên là bé trai. Đáng chú ý, số trẻ em da màu bị thiệt mạng bởi súng đạn cao gấp 10 lần so với số nạn nhân là trẻ em da trắng. Hơn 1/2 tổng số trẻ thiệt mạng do bị sát hại, trong khi có 38% khác tử vong vì tự sát.
Những vụ tự sát có thể xảy ra khi trẻ phải đối mặt với căng thẳng hoặc những vấn đề liên quan tới mối quan hệ với bạn trai, bạn gái hay thậm chí là với thành viên trong gia đình. Trẻ em da trắng và trẻ em Mỹ bản địa là nhóm đối tượng tử vong bằng súng nhiều nhất, cao gấp 4-5 lần các nhóm khác.
Trong khi đó, các ca tử vong do tai nạn liên quan tới súng đạn dường như thường xảy ra đối với những trẻ có chơi đùa với vũ khí, chiếm khoảng 6% tổng số trẻ thiệt mạng mỗi năm.
Mỹ là một trong những quốc gia mở cửa, cho phép người dân sở hữu súng
Phân tích của CDC cũng xem xét số ca tử vong ở cấp tiểu bang, theo đó 2 bang Columbia và Louisiana có tỷ lệ trẻ thiệt mạng vì súng đạn cao nhất cả nước. Ngược lại, các bang Delaware, Hawaii, Maine và New Hampshire có dưới 20 trẻ tử vong.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: trẻ em hiếm khi bị thương hoặc bị sát hại bằng súng tại các nước phát triển. Tuy nhiên, ở Mỹ, hơn 90% số trẻ từ 14 tuổi trở lên, thiệt mạng bởi súng đạn, tới từ các khu vực có mức thu nhập cao.
Được biết, nghiên cứu được CDC tiến hành sau khi bé trai 4 tuổi ở Pennsylvania cầm súng tự bắn vào mặt và qua đời hôm 18/6. Hiện không có người nào bị bắt hoặc điều tra vì có liên quan tới vụ việc đáng tiếc này.
Hồng Anh