Khó tìm mua sản phẩm bảo vệ môi trường
Công nhân đóng gói sản phẩm túi nilông tự hủy theo công nghệ sinh học hiện đại của Canada tại Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình
Tiêu dùng thúc đẩy tiến bộ xã hội à? Bảo vệ môi trường chính là cách tiêu dùng thúc đẩy tiến bộ xã hội. Khi tiêu dùng, dĩ nhiên tôi xuất phát từ nhu cầu của mình. Điều tôi đặc biệt quan tâm là sản phẩm phải an toàn, không có chất độc hại, tác hại cho sức khoẻ. Tôi thường hay đi mua sắm ở Metro, thấy họ hạn chế dùng bao nilông, nên khi đi tôi phải đem theo túi của mình.
Việc này có ý nghĩa bảo vệ môi trường nên tôi ủng hộ. Khi dùng bao nilông, tôi cố gắng sử dụng lại nhiều lần, không chỉ để tiết kiệm, mà bảo vệ môi trường. Tôi có đi học các lớp bảo vệ môi trường nên không thấy việc không dùng túi nilông là bất tiện, loại túi này vài chục năm mới phân huỷ nên rất tác hại môi trường.
Tại chợ cũng có tập huấn kêu gọi người kinh doanh, người tiêu dùng sử dụng túi tự huỷ, tôi ủng hộ và có mua loại túi này về xài dù loại túi này mắc hơn bao nilông loại thường. Túi tự huỷ 40.000 đồng/kg, trong khi túi thường chỉ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Tôi nghe nói Nhà nước đã đánh thuế bao thường, nhưng giá bao thường vẫn rẻ hơn bao tự huỷ là vấn đề. Để khuyến khích dùng bao tự huỷ, cần giảm giá thành xuống.
Mặt khác, túi tự huỷ không đa dạng về kích cỡ nên có khó khăn trong sử dụng cho những món hàng có kích cỡ khác nhau. Sản phẩm ít người sản xuất, ít người bán và muốn tìm mua cũng khó.
Trong khi đó, bao nilông loại thường rất nhiều chủng loại, đa dạng, dễ mua, dễ xài, lại rẻ. Chợ tuyên truyền kêu gọi dùng túi tự huỷ nhưng lại không có hàng để xài, là vấn đề. Không thể hô hào suông. Cần nói thêm là bao nilông loại thường có rất nhiều chủng loại. Có loại tái chế rất xấu, có mùi, lem màu, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra việc sử dụng loại bao này cho thực phẩm ăn liền.
Mình là người tiêu dùng, mình biết người tiêu dùng muốn gì nên trong trong kinh doanh tôi cũng xem khách hàng như chính mình để đáp ứng nhu cầu. Nhà sản xuất nào làm điều tốt cho xã hội thì mình ủng hộ, làm điều xấu thì mình không ủng hộ. Ở chợ bây giờ mấy hàng gia vị tôi thấy ít bán bột ngọt Vedan lắm, vì người tiêu dùng vẫn nhớ vụ Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải…
Lưu Thị Thanh Hiền (tiểu thương chợ Thị Nghè, Q.1, TP.HCM)-TGTT