Khó khăn trong đào tạo tiến sĩ ngành văn hóa - nghệ thuật
Trong 25 năm qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu không nhỏ trong đào tạo tiến sĩ. Là cơ sở đào tạo sau đại học lâu năm nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính từ năm 1991 đến nay, Viện đã và đang đào tạo 20 khóa nghiên cứu sinh các chuyên ngành thuộc khoa Văn hóa học và Nghệ thuật học với tổng số 326 nghiên cứu sinh; trong đó 153 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trong các nghiên cứu sinh của Viện có những người đến từ Trung Quốc, Lào. Sau quá trình đào tạo tại Viện, nhiều luận án đã được công bố và nhận được giải thưởng của các hội chuyên ngành, được xuất bản ở nước ngoài. Nhiều tiến sĩ đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các nhà khoa học, quản lý văn hóa, giảng viên có uy tín tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan, đơn vị trong cả nước. Nhiều người được phong học hàm phó giáo sư, giáo sư và có những đóng góp lớn trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Một buổi sinh hoạt chuyên đề nghiên cứu về ca trù tại CLB ca trù Thái Hà (Hà Nội)
Bên cạnh những thành tựu đó, hoạt động đào tạo tiến sĩ tại Viện, cũng như ở các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn. Do điều kiện khách quan, một số các chuyên ngành nghệ thuật như mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh đang ngày càng thiếu vắng các chuyên gia đầu ngành. Một số cơ sở đào tạo phải dừng đào tạo một số mã ngành do không đủ tiêu chuẩn số lượng giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Từ đó, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu trầm trọng cán bộ có học hàm, học vị để duy trì và nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo, quản lý của ngành.
Về đội ngũ nghiên cứu sinh, những quy định mới trong Thông tư số 08/2017/TT-BGDÐT ngày 4/4/2017 ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ như: Các điều kiện cứng về ngoại ngữ, bài báo khoa học, công bố quốc tế, hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian đào tạo, viết luận án và bảo vệ luận án... là những thách thức không nhỏ đối với nhiều người. Các nghiên cứu sinh thường là những người vừa đi làm, vừa đi học, vừa là giảng viên vừa là nghiên cứu sinh,… nên sẽ gặp không ít khó khăn.
Kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo tiến sĩ ở nước ta còn khá eo hẹp, nếu so với kinh phí để đào tạo một tiến sĩ trong khu vực, chứ chưa nói đến quốc tế, không có nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học. Gần đây, Nhà nước đã quan tâm hơn tới việc hỗ trợ đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng thông qua Ðề án 911 nhưng gặp phải không ít những vướng mắc, bất cập.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc đào tạo tiến sĩ ở nước ta không thể không hòa nhập với quỹ đạo chung của thế giới, đáp ứng những đòi hỏi chung về tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế. Những vấn đề về nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, quy trình đào tạo, trình độ ngoại ngữ, cách viết luận án, giá trị khoa học, tính ứng dụng của luận án... đang đặt ra ngày càng cấp thiết. Làm sao để việc đào tạo tiến sĩ của chúng ta không “tụt hậu” so với mặt bằng chung của thế giới, tấm bằng tiến sĩ của chúng ta được đánh giá cao ở nước ngoài... đang là những thách thức lớn.
Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ngành văn hóa nghệ thuật, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các khâu liên quan: Từ việc cải cách thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và tạo điều kiện tự chủ cho các cơ sở đào tạo đến sự nỗ lực tự hoàn thiện, nâng tầm của từng cơ sở đào tạo; từ sự nhiệt huyết, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy đến sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ nghiên cứu sinh. Ðể giấc mơ đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam đạt chuẩn khu vực và thế giới sớm trở thành hiện thực rất cần tới sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành liên quan, của mỗi cơ sở đào tạo, mỗi thầy, cô giáo cũng như từng cá nhân nghiên cứu sinh.
Theo Nhân dân