Khó đạt mục tiêu 50% người lao động tham gia BHXH tự nguyện
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức mới đây.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, sẽ không đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Hiện có khoảng 37 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức nhưng trong hơn 10 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có hơn 240 nghìn người, trong đó, 60% là lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu.
Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cho biết: Nguyên nhân là phần lớn người lao động không biết về chính sách BHXH tự nguyện và chưa biết mua ở đâu cũng như không biết hình thức đóng như thế nào. Trong thời gian qua, chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện và các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe. Do đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn do chỉ thực hiện 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Những người lao động tự do không mấy mặn mà với BHXH tự nguyện. Ảnh: ANTĐ.
Ông Phạm Trường Giang nói: “Chúng tôi sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để đánh giá lại sau một năm có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Việc hỗ trợ đã phù hợp chưa và chỉ ra những bất cập để đề xuất Chính phủ và báo cáo Quốc hội, cần thiết thì chúng ta tăng cường hỗ trợ thêm. Thứ hai là nghiên cứu gói hỗ trợ BHXH linh hoạt, hiện toàn bộ lao động nữ trong khu vực phi chính thức chưa được hỗ trợ chế độ thai sản. Thời gian tới chúng ta sẽ nghiên cứu hỗ trợ chính sách này, để có hiệu quả thì chúng ta phải đổi mới toàn bộ nội dung, hình thức tuyên truyền và đề án này sẽ trình Chính phủ trong năm 2019”
Ưu việt nhưng chưa hấp dẫn
Tham gia BHXH tự nguyện đồng nghĩa với việc người lao động có cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, khi ốm đau không còn khả năng làm việc. Mặc dù có ý nghĩa lớn trong công tác an sinh xã hội nhưng hiện nay số người lao động tham gia còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng.
Theo ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) tính đến hết ngày 31-5, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,79 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện là 240.000 người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,6 triệu người; bảo hiểm y tế là 81,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số.
So với khoảng 35 triệu lao động khu vực phi chính thức, đối tượng chính của BHXH tự nguyện thì số người đang tham gia BHXH tự nguyện còn rất khiêm tốn. Đáng nói là, trong số những người tham gia BHXH tự nguyện có đến 60% đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nên đong tiếp để đủ thời gian hưởng hưu trí. Điều này đồng nghĩa với khoảng 98% lao động phi chính thức nằm ngoài lưới an sinh xã hội.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là vấn đề quyền lợi thụ hưởng. Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ, gồm: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - tai nạn nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Trong khi BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Những người tham gia BHXH tự nguyện là lao động tự do, thu nhập bấp bênh nên không có khoản dư tích lũy ổn định để tham gia bảo hiểm.
Một nguyên nhân khác không kém quan trọng khiến chính sách ưu việt nhưng không thể bao phủ là do người lao động thiếu thông tin, nhận thức và niềm tin. 35 triệu lao động trong diện tham gia BHXH tự nguyện làm những công việc khác nhau, mức thu nhập, chi phí sinh hoạt khác nhau cho nên yêu cầu đối với mức đóng-hưởng BHXH tự nguyện cũng khác nhau. Việc thiếu thông tin khiến họ cho rằng, chính sách không phù hợp với nhu cầu nên không cần ưu tiên tham gia.
Hướng tất cả lao động tham gia BHXH
Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động thấy được các lợi ích khi tham gia BHXH để hưởng lương hưu và trợ cấp an sinh xã hội khi về già. Đồng thời, tổng rà soát lại hệ thống pháp luật về an sinh xã hội, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người lao động theo chế độ linh hoạt.
Khó đạt mục tiêu về lao động tham gia BHXH.
Ông Điều Bá Được cho rằng: “Chúng ta cần hướng tới tất cả những người có thu nhập đều tham gia BHXH, giống như BHYT. Hình thức BHXH tự nguyện là những ai có thu nhập cao tự nguyện đóng nhiều hơn để hưởng lương cao hơn. Trần tối thiểu là xác định thu nhập. Quan hệ lao động bây giờ khác rồi, vi thế quy định pháp luật phải đi theo thời đại 4.0 làm sao để xử lý được vấn đề tham gia BHXH là vấn đề bảo đảm thu nhập và an ninh thu nhập”.
Nhằm hiện thực hóa chủ trương bảo hiểm xã hội toàn dân, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII đã thông qua Ðề án cải cách chính sách BHXH với nhiều nội dung cần tập trung cải cách trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc: Công bằng, có đóng - có hưởng và chia sẻ.
Dự báo, đến năm 2020, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ đạt khoảng 60 triệu người, để đạt mục tiêu 50% đặt ra, số người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện phải tiến tới con số 30 triệu người. Ở thời điểm này, thiết kế lại chính sách, củng cố niềm tin, thu hút người lao động tham gia là giải pháp căn cơ.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH bao gồm việc rà soát, kiến nghị điều chỉnh một số chính sách chưa phù hợp như: rút ngắn thời gian đóng, tăng thêm chế độ phúc lợi được hưởng. Khi chính sách được điều chỉnh linh hoạt hơn, hấp dẫn hơn, người lao động tự do được hưởng nhiều lợi ích hơn từ việc tham gia BHXH tự nguyện thì số người tham gia sẽ tăng.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực tuyên truyền, đối thoại bảo hiểm tự nguyện tại xã, phường, thôn bản, có dùng hệ thống loa truyền thanh vào trưa tối.. để thấy được lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cần mở rộng mạng lưới thu ở các tỉnh, thành phố, ít nhất mỗi thôn bản có một nhân viên thu để thuận tiện nhất cho người dân tham gia BHXH tự nguyện.
V.H (t/h)