Khảo sát nhiều giá trị trầm tích độc đáo tại Công viên địa chất Lý Sơn
Vừa qua, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) tổ chức hội nghị thông tin về Công viên địa chất Lý Sơn với những đánh giá, khảo sát các giá trị di sản của Công viên.
Những thông tin này không chỉ nhằm lập hồ sơ trình UNESCO mà còn phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển của tỉnh theo hướng bền vững hơn.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế có kinh nghiệm về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Khu vực Hang Câu, đảo Lý Sơn với nhiều giá trị trầm tích độc đáo.
Tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ tạo động lực phát triển ngành du lịch bền vững và tạo giá trị cộng đồng địa phương.
Công viên địa chất Lý Sơn ban đầu được thành lập có tổng diện tích trên 100 km2, bao gồm đảo Lý Sơn và vùng phụ cận ven bờ thuộc các xã Bình Châu, Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Về sau, chương trình được mở rộng nghiên cứu ra các khu vực lân cận phức hệ thung lũng miền núi (Quảng Ngãi-Trà Bồng), bằng duyên hải (Quảng Ngãi- Sa Huỳnh) và phức hệ biển đảo (Quảng Ngãi-Lý Sơn).
Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu với sự hỗ trợ nhiều chuyên gia của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, các kết quả khảo sát, đánh giá giá trị di sản đã được thông tin.
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi tập hợp nhiều giá trị địa mạo độc đáo có thể phân ra 4 cụm di sản địa mạo: Cụm di sản đảo Lý Sơn, cụm di sản ven biển phía Bắc Quảng Ngãi, cụm di sản phía Nam Quảng Ngãi, cụm di sản khu vực Trà Bồng.
Một góc đảo Lý Sơn.
Về văn hóa, Quảng Ngãi có các di sản văn hóa đa dạng, lâu đời, gồm: Di tích khảo cổ (từ thời đá cũ 30 vạn năm ở Gò Trá đến tiền Sa Huỳnh 3.000 năm), di tích văn hóa Chămpa… Ngoài ra, Quảng Ngãi còn lưu giữ truyện dân gian, lễ hội truyền thống, kỹ năng canh tác, nghề thủ công, tri thức bản địa…
Với địa hình đa dạng, Quảng Ngãi có nhiều loại sinh vật phong phú với hơn 700 loài động vật biển, 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng, 4/5 loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng hiện diện tại vùng biển Quảng Ngãi…
Chia sẻ với tỉnh Quảng Ngãi một số điều trong quá trình xây dựng công viên địa chất, TS. Guy Martini cho biết, việc xây dựng công viên địa chất cần lưu ý đến kiểm tra các giá trị địa chất của khu vực có thể được xem là di sản địa chất có giá trị quốc tế; kiểm tra xem công viên địa chất có những giá trị di sản văn hóa nào, người dân và chính quyền địa phương có quan tâm cũng như sẵn sàng tham gia vào đề án công viên địa chất hay không?
TS. Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: T.N
TS. Guy Martini cho rằng, công viên địa chất không phải là một bảo tàng mở, cũng không phải là công viên địa chất. Để xây dựng công viên địa chất phải bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, đội ngũ xây dựng, chính quyền địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khảo cổ, kiến trúc sư, nhân chủng học… cùng tham gia. Đồng thời, công tác thống kê cần phải thực hiện từng khu vực, xác định ranh giới và lãnh thổ, quá trình này nên có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân
Cũng tại hội nghị, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn cho biết qua tham vấn cộng đồng, cơ quan chức năng đã thống nhất trình tỉnh Quảng Ngãi việc đổi tên “Công viên địa chất Lý Sơn” là “Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh” (tên tiếng Anh là Ly Sơn Sa Huynh Geopark) và đang chuẩn bị trình UNESCO vấn đề này.
Một góc biển đảo Lý Sơn.
Ban Quản lý cũng thông tin quy hoạch dự kiến vùng Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh bao gồm các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TP.Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ.
Sắp tới, Ban Quản lý Công viên sẽ triển khai chiến dịch truyền thông rộng khắp và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế vào giữa năm 2019. Hồ sơ “Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh” để trình UNESCO sẽ được hoàn thiện vào tháng 11/2019.
N.H (t/h)