Khám phá thị trấn Úc được xây dưới lòng đất để trốn nóng
Thị trấn Coober Pedy nằm ở miền Nam nước Úc, cách thủ đô Canberra khoảng 1.000 dặm. Coober Pedy còn được gọi là “thủ phủ opal của thế giới” do nơi này từng là đại dương. Sau này nước biển rút đi và để lại điều kiện địa chất đặc biệt giúp hình thành một lượng đá opal dồi dào. Trước khi trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thị trấn này từng là một hầm mỏ lớn và người thợ mỏ phải sống trong hang hốc để tránh nóng.
Thị trấn Coober Pedy (Ảnh Mark Kolbe/Getty Images). |
Trong những tháng hè nóng bỏng, nhiệt độ ở đây có thể lên đến gần 49 độ C. Hơi nóng hầm hập bủa vây lấy người dân ở đây dù họ có tránh nắng dưới bóng râm đi nữa. Không những thế, Coober Pedy còn rất ít khi mưa nên người dân phải đối mặt với một thách thức khác nữa đó là thiếu nước. Theo trang ABCNews, Coober Pedy sử dụng nguồn nước đến từ bồn địa Great Artesian Basin cách đó 15 dặm.
Nơi đây vốn là nhà của thổ dân Úc, sau đó những người thợ mỏ đến định cư vào năm 1916. Sau khi ngành mỏ ở đây dần trở thành một ngành nghề ổn định, người dân Coober Pedy bắt đầu cải tạo những hầm mỏ opal cũ thành nhà ở tạm để tránh cái nóng khủng khiếp trên mặt đất.
Khi đi về nhà qua những lối vào hang mỏ, người ta lại có cảm giác hồi hộp thích thú như thể đang bắt đầu một cuộc hành trình bí ẩn. Cả thị trấn toát lên vẻ bí ẩn, siêu thực dù dân số ở đây khoảng 2.500 người và 80% trong số họ đã chọn định cư dưới lòng đất.
Coober Pedy từng là mỏ opal (Ảnh Ian Waldie/Getty Images). |
Faye Nayler, một người dân ở thị trấn, đã tự tay xây nhà từ năm 1960. Bà cùng 2 người bạn khác đã xây hẳn một quầy bar và bể bơi trong phòng khách. Căn nhà dưới lòng đất có đủ mọi tiện nghi như mạng internet, điện và nước. Ngày nay, nhà của bà trở thành điểm du lịch hút khách với tên Nhà dưới lòng đất của Faye.
Faye cũng vẫn ở trong ngôi nhà này và thường làm hướng dẫn viên cho du khách. Tất nhiên, du khách cũng phải trả phí vào cửa cho bà.
Nhà dưới lòng đất của Faye (Ảnh Mark Kolbe/Getty Images). |
Du khách đến Coober Pedy cũng có thể đi lễ vì người ta đã xây hẳn một ngôi nhà thờ dưới lòng đất. Những ai muốn có trải nghiệm bản địa hơn có thể tìm đến Khách sạn Desert Cave nơi họ có thể tận hưởng quán bar, bể bơi, khách sạn và cửa hàng quà tặng.
Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn phải lên trên mặt đất để mua thức ăn. Cả hai siêu thị của thị trấn đều nằm trên cùng một con phố trên mặt đất cùng với các cửa hàng dành cho du khách khác. Opal Bug là cửa hàng bán đủ thứ từ đá quý đến đồng hồ. Tuy nhiên, người ta lại thường đổ đến đây để xem chiếc xe cổ Volkswagen Beetle màu opal bắt mắt.
Phòng vui chơi giải trí dưới lòng đất (Ảnh Mark Kolbe/Getty Images). |
Đi dọc thị trấn, du khách sẽ phải học cách chú ý và né tránh vô số hố tử thần trên mặt đất là hệ quả của việc khai thác đá. Các thiết bị đào mỏ và xe bị bỏ cũng nằm rải rác khắp thị trấn. Úc sản xuất khoảng 95% nguồn cung opal quý giá cho thế giới và khai thác mỏ vẫn là một hoạt động thương mại phổ biến ở Coober Pedy. Tuy nhiên, hầu hết việc khai thác ngày nay được cơ giới hóa hoàn toàn.