Hương vị của ngày Tết ở miền Tây xứ Nghệ
Trong thời tiết giá lạnh của đợt gió mùa đông bắc ở Miền Trung, chúng tôi đã có dịp vượt gần 200 cây số đến với Quỳ Châu – mảnh đất của những cây hương trầm thơm ngát. Từ khắp các ngả đường thị trấn cho đến những bản làng xa xôi của huyện, đi đâu cũng ngửi một mùi hương thơm, lẫn trong gió bay gợi lên không gian đầm ấm trong những ngày đông giá lạnh. Mùi thơm của hương trầm Quỳ Châu như báo hiệu cho chúng ta biết rằng không khí của một cái Tết đoàn viên đã sắp cận kề.
Để có được sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường, người dân nơi đây đã phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, từ lựa chọn nguyên liệu đến bí quyết tái tạo gia truyền. Chị Phạm Thị Uyên – Trưởng làng nghề Hạnh Tiến cho biết: "Ngay từ đầu mùa hè, thợ hương đã đi khắp vùng để đặt mua rễ cây hương bài (nguyên liệu chính). Loài thảo mộc này có lá dài, rễ chùm dày, thường mọc thành từng bụi hay đám lớn ven khe suối, sườn đồi, dưới những tán lá rậm ẩm mát. Ngoài ra còn có thảo quả, hoa hồi (nhập từ Lạng Sơn về) và quế chi, trầm xô, bã mía (sẵn có trong vùng). Chọn thời tiết nắng to, họ đem phơi khô, xay thành bột mịn, trộn đều với nhau theo bí quyết gia truyền”.
Nguyên liệu làm hương trầm được lựa chọn một cách kỹ lưỡng
Ngoài sự cuốn hút về mùi thơm, cây hương còn phải cháy đều và tạo hình quăn đẹp sau khi đốt. Không ngần ngại, chị Uyên chia sẻ bí quyết: “Chu hương được làm từ thân lùng (một loại cây thuộc họ nhà tre, nứa), ngâm khoảng vài ba tháng, phơi làm sao để khô ải mà không giòn, dễ gãy. Tàn hương sau khi cháy còn nguyên, uốn cong tuyệt đẹp. Việc chuẩn bị chu làm hương được hoàn tất từ nhiều tháng trước, tiếp đó là công đoạn phơi khô, nhuộm phẩm đỏ phần gốc”.
Hương trầm được se chặt bằng giấy bản là loại giấy rất mỏng, mềm, dai, và cháy đượm mua từ Bắc Ninh về. Một mép giấy bản quét phẩm màu, khi quấn thành cây hương có hoa văn rất đẹp. Làm hương trầm cần phải có sự khéo léo, cầu kỳ từng tí một. Nếu vội vàng, cẩu thả thì sẽ không thể tạo nên những búp hương thơm và đẹp như ý muốn.
Hương trầm được se chặt bằng giấy bản là loại giấy rất mỏng, mềm, dai và cháy đượm mua từ Bắc Ninh
Uyên Oai là một trong những cơ sở có quy mô sản xuất lớn và uy tín của làng nghề Hạnh Tiến. Vào dịp Tết hàng năm, cơ sở này tiêu thụ ra thị trường trên 1 trăm vạn que, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động chính và hàng chục lao động hời vụ.
Chị Vi Thị Hạnh – một lao động lâu năm của cơ sở Uyên Oai cho hay: “Cuộc sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở Quỳ Châu chúng tôi rất vất vả, diện tích chủ yếu là đồi núi. Ngoài trồng lúa, ngô…, chúng tôi chỉ biết dựa vào nghề làm hương trầm mà cha ông truyền lại từ bốn chục năm nay để kiếm thêm thu nhập. Dù mỗi năm làm khoảng 4 tháng nhưng cũng mang về 20 đến 30 chục triệu để nuôi sống gia đình và chi dùng cho con cái ăn học”.
Quỳ Châu là huyện miền núi của miền Tây Nghệ An, tập trung phần đông bà con các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn vất vả. Toàn huyện hiện có 7 làng nghề thuộc 5 xã, thị trấn. Nghề làm hương trầm được xem như linh hồn, tài sản tinh thần mà cha ông lưu truyền lại. Để sản phẩm tiến xa hơn nữa, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An cần có giải pháp về quy mô chất lượng và thương hiệu nhằm lan tỏa hương trầm Quỳ Châu rộng rãi khắp đất nước cũng như khu vực/quốc tế.
Nguyễn Thưởng