Hướng đến những cảng cá "xanh" ven biển
Trao tặng túi lưới thu gom rác thải nhựa trên các tàu đánh cá xa bờ tại Cảng cá Thuận An, thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế). |
Cảng cá “xanh” đang là mục tiêu phấn đấu xây dựng của Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm bảo vệ bền vững nguồn lợi hải sản, tạo thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm đánh bắt.
Tại vùng biển Thuận An, ở thành phố Huế, anh Trần Văn Cường là một trong những ngư dân trẻ tiên phong trong việc thu gom rác thải nhựa sau mỗi chuyến vươn khơi xa. Mặc dù mới 31 tuổi nhưng anh Trần Văn Cường đang làm chủ kiêm thuyền trưởng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá mang số hiệu TTH 94166 có công suất trên 1.000CV. Vào vụ cá Nam, mỗi chuyến biển của anh Cường và bạn thuyền thường kéo dài từ vài ngày, có khi đến nửa tháng lênh đênh trên sóng nước ngoài khơi xa. Niềm vui đối với anh Cường khi tàu cập bến không chỉ là khoang thuyền đầy ắp các loại cá, mực, mà còn là cả những bao rác thải nhựa được thuyền viên thu gom trên tàu hoặc vớt rác trôi nổi trên mặt biển.
Anh Trần Văn Cường chia sẻ, xuất phát từ phong trào “Chủ nhật xanh” do UBND tỉnh phát động, dịp cuối tuần, đoàn viên, thanh niên tại làng chài ven biển Thuận An thường tổ chức đi nhặt rác dọc bờ biển, nhất là khi biển động, sóng to cuốn theo những đống rác hỗn hợp tấp vào bờ như thùng xốp, lưới rách, chai nhựa… Từ phong trào này, anh Cường nảy ra ý tưởng trong mỗi chuyến ra khơi sẽ tự thu gom các loại rác khó phân hủy ngay trên tàu cá của mình, thay vì thói quen cũ là vứt xuống biển. Đồng thời, anh Cường thiết kế chiếc vợt dài để thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên mặt biển, góp phần làm sạch đại dương.
Trao tặng túi lưới thu gom rác thải nhựa trên các tàu đánh cá xa bờ tại Cảng cá Thuận An, thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế). |
“Rác thải ngoài đại dương có hai loại, gồm ở tầng nổi và dưới tầng đáy. Có những chuyến biển, khi tàu đánh cá kéo lưới lên có đến 30-40% là các loại rác lẫn cùng với cá. Đó là thực tế ô nhiễm đáng báo động cần sự chung tay của ngư dân bằng những việc làm thiết thực như không xả rác thải nhựa, bao bì dùng một lần dùng, khó phân hủy xuống môi trường biển. Bởi nhiều khi những con rùa biển, các loại cá lớn lại ăn túi nilon do nhầm tưởng là thức ăn phù du”, anh Trần Văn Cường cho biết.
Từ những ngày đầu bị mọi người cho là không bình thường vì sau mỗi lần tàu hậu cần của anh Cường cập bến, anh hay vác theo vài bao rác thải nhựa lên bờ. Qua gần 5 năm tình nguyện làm sạch đại dương, đến nay nhiều chủ phương tiện đánh bắt cá ngoài biển ở địa phương thay đổi nhận thức, tự giác thu gom rác thải từ tàu cá của mình sau mỗi chuyến đi biển để mang vào đất liền tập kết đúng điểm xử lý ở khu vực cảng cá.
Đối với ngư dân Nguyễn Thành Phát, thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu TTH 90488, rác thải nhựa thực sự là vấn đề nguy hại đối với sự bền vững của hệ sinh thái biển, nếu như không có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của bà con đang hàng ngày mưu sinh từ biển thì một ngày không xa nguồn lợi hải sản sẽ bị suy kiệt.
Tất bật cùng với các bạn thuyền vận chuyển nhu yếu phẩm lên tàu cá TTH 90488 tại Cảng cá Thuận An cho chuyến biển cuối năm, lão ngư Nguyễn Thành Phát không quên cột chặt một rọ lưới dài phía sau phần đuôi tàu để đựng các loại rác trong quá trình đánh bắt.
“Tàu chúng tôi hành nghề lưới rê ở vùng biển Hoàng Sa, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 12 ngày nên lượng rác thải sinh hoạt cũng phát sinh nhiều lên đến mười mấy ký. Việc thu gom các loại rác sử dụng một lần, khó phân hủy để mang về bờ sẽ góp phần làm sạch biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các thế hệ con cháu mai sau”, ngư dân Nguyễn Thành Phát chia sẻ.
Với khoảng 128km chiều dài đường bờ biển, tỉnh Thừa Thiên - Huế có ba cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền lớn là Thuận An, Phú Hải và Tư Hiền. Những cảng cá này đang được đầu tư xây mới, trong đó có hệ thống xử lý rác thải, thu gom rác đồng bộ, hướng đến xây dựng mô hình cảng cá xanh.
Túi lưới thu gom rác thải nhựa được ngư dân treo phía sau thân tàu tại Cảng cá Thuận An, thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế). |
Theo Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Thừa Thiên - Huế, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề phổ biến nhiều năm qua tại khu vực cảng cá, trong đó chủ yếu do thói quen và nhận thức của ngư dân. Riêng tại cảng cá Thuận An ở thành phố Huế, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải được thu gom khoảng 1 tấn.
Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Thừa Thiên-Huế Trần Quang Nhất cho biết, để thay đổi thói quen quản lý nguồn rác thải trên các phương tiện đánh bắt cũng như tại khu vực bến cá cần có thời gian và phải được làm thường xuyên, bền bỉ.
Hiện nay, Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) trao tặng những chiếc túi lưới đựng rác thải sử dụng hàng ngày để trang bị trên tàu đánh cá xa bờ và khi tàu trở về sẽ có nhân viên vệ sinh của cảng cá thu gom, phân loại, xử lý rác tái chế.
“Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu xây dựng các cảng cá của tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành viên Hiệp hội cảng cá xanh quốc tế. Trong đó có tiêu chí về công tác thu gom xử lý rác thải trong quá trình đánh bắt trên biển và tại khu vực cảng cá. Khi được xét công nhận là thành viên của Hiệp hội cảng cá xanh quốc tế, giá trị nguồn hải sản đánh bắt được sẽ gia tăng lên, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và sức khỏe cho bà con”, ông Trần Quang Nhất cho biết.
Cận cảnh Nà Sự - mô hình du lịch xanh ở vùng biên giới Điện Biên Đến với Nà Sự - bản du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, du khách sẽ được khám phá trải nghiệm thực tế đời sống, văn hóa của bà con dân tộc Thái trắng. |
Đánh giá thời cơ, thách thức với hoạt động thương mại biển Hội thảo "Từ hải cảng ra thế giới: Lịch sử toàn cầu về các cảng Đông Dương (1858-1956)" có ý nghĩa như một sự bù khuyết vào vùng đất nghiên cứu còn những thiếu hụt và bỏ trống rất đáng để chúng ta lưu tâm và cộng đồng trách nhiệm khai thác. |