Hùng tráng Giai Điệu Tự Hào tháng 7: "Tên anh đã thành tên đất nước"
Với chủ đề Tên anh đã thành tên đất nước, chương trình Giai Điệu Tự Hào tháng 7 giống như một bản giao hưởng đẹp và ý nghĩa, để hòa cùng không khí cả nước kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7),
Khác với các số trước đây, Giai Điệu Tự Hào tháng 7 sẽ tái hiện chân dung các anh hùng lực lượng vũ trang trên sân khấu với bối cảnh, tình huống đặc trưng nhất của từng nhân vật. Từng câu chuyện và cuộc đời các chiến sĩ được vinh danh đầy hào hùng qua phần hòa âm, phối khí kỹ lưỡng và mới mẻ. Các ca khúc: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Hát mừng anh hùng Núp, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Lời anh vọng mãi ngàn năm, Những cánh chim Hồng Gấm, Dáng đứng Việt Nam sẽ được thể hiện bởi NSND Trần Hiếu cùng các ca sĩ: Thanh Lam, NSƯT Hồng Vy, Đức Tuấn, nhóm MTV, nhóm Ngũ Cung, nhóm Oplus. Đây là những nhạc phẩm đã góp phần cổ vũ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng dân tộc, kết tinh giá trị nhân văn sâu sắc.
Hội đồng bình luận của chương trình Giai Điệu Tự Hào
Chương trình có sự tham gia bình luận của nhiều nhạc sĩ, nhà báo, nhà văn, diễn giả nổi tiếng và uy tín. Trong đó, Hội đồng bình luận lớn tuổi gồm: nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, nhạc sĩ – nhà thơ – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhà văn Trần Thị Trường. Hội đồng bình luận trẻ tuổi gồm: Thiếu tá Nguyễn Minh Cường, nhà báo Chu Minh Vũ, nhà báo Thủy Lê, diễn giả Sơn Lâm cùng Hoa khôi Trần Ngọc Lan Khuê. Bên cạnh đó, Giai Điệu Tự Hào còn có sự góp mặt của nhà báo Lê Bá Dương – nguyên là chiến sĩ Nhân dân Việt Nam tại thành cổ Quảng Trị.
Đồng thời, ban nhạc Rock Ngũ Cung sẽ trở lại Giai Điệu Tự Hào tháng 7 với Hát mừng anh hùng Núp của nhạc sĩ Trần Quý. Ca khúc thể hiện chiến công, tinh thần, dũng khí, sự kiên cường, bất khuất đấu tranh của anh hùng Núp – chàng trai dân tộc Bana đã lãnh đạo người dân Ba Na và Ê Đê đứng lên chống lại thực dân Pháp. Anh hùng Núp cũng là nhân vật chính, nguyên mẫu trong bộ tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc.
Ban nhạc Ngũ Cung "làm mới" ca khúc Hát mừng anh hùng Núp
Ca khúc Hát mừng anh hùng Núp của Trần Quý – người nhạc sĩ đầu tiên của miền Bắc viết về Tây Nguyên từng nhận giải thưởng của Ban Văn nghệ Trung ương năm 1953 – 1955. Dịp này, nó sẽ được Ngũ Cung "làm mới" bằng phong cách âm nhạc "máu lửa", pha trộn giữa rock hiện đại và âm nhạc Tây Nguyên.
Trong khi đó, Oplus – á quân chương trình Nhân Tố Bí Ẩn (X-Factor) sẽ thể hiện bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu do Nguyễn Đức Toàn - nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam sáng tác. Tên tuổi của ông gắn liền với những bài ca đi cùng năm tháng như: Quê em, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, Hà Nội trái tim hồng… Loạt tác phẩm này đã mang lại cho ông giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.
Oplus thể hiện Biết ơn chị Võ Thị Sáu
Biết ơn chị Võ Thị Sáu viết về tấm gương bất khuất của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu – người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ đã đi vào huyền thoại, trở thành dấu son truyền thống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ca khúc được nhạc sĩ sáng tác cách đây gần 60 năm với ca từ, giai điệu mộc mạc, dễ đi vào lòng người.
Còn Cùng anh tiến quân trên đường dài (nhạc: Huy Du, thơ: Xuân Sách) là bài ca về Nguyễn Viết Xuân – người chiến sĩ anh hùng, dù bị thương rất nặng trong một trận đánh ác liệt với quân địch nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy đồng đội và hô vang khẩu hiệu: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”. Câu nói của anh đã trở thành bất hủ, trở thành khẩu lệnh của cả một thời đại kiên cường, bất khuất. Những năm chống Mỹ cứu nước, ca khúc Cùng anh tiến quân trên đường dài với ca từ: “Nguyễn Viết Xuân, lời anh nói thiết tha. Theo ngọn gió bay xa, như khúc ca giục giã. Thôi thúc trong lòng tôi tiến quân trên đường dài. Đường hành quân qua núi cao vực sâu. Tôi đi hờn căm sôi trong máu”… đã tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
NSND Trần Hiếu và nhóm MTV tạo nên bản phối mới mẻ - hào hùng của Cùng anh tiến quân trên đường dài
Bài hát sẽ được thể hiện bởi hai thế hệ nghệ sĩ: NSND Trần Hiếu cùng nhóm MTV trong một bản phối mang màu sắc mới mẻ nhưng vẫn giữ được tính chất hào hùng.
Dáng đứng Việt Nam của PGS. TS – nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ là một trong số những ca khúc sống mãi với thời gian. Điều đặc biệt của Dáng đứng Việt Nam là nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ đã dùng lời thơ của Lê Anh Xuân (Lê Anh Xuân ca ngợi nguyên mẫu có thật: liệt sĩ, cán bộ chỉ huy mũi tấn công huyền thoại Nguyễn Văn Sáu) để tôn vinh lại chính nhà thơ – một người chiến sĩ, liệt sĩ giải phóng quân trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân đã tạo nên tính biểu tượng của thời đại. Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam đã mang trong đó sức mạnh tiềm ẩn của chân lý, của chính nghĩa. “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường. Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.
Nữ ca sĩ Thanh Lam và dàn nhạc dây khiến khán giả rung động cùng Dáng đứng Việt Nam
Hình dáng ấy, tư thế ấy biểu trưng cho tinh thần của triệu triệu người Việt Nam. Trong chương trình Giai Điệu Tự Hào, ca khúc Dáng đứng Việt Nam được ca sĩ Thanh Lam thể hiện cùng dàn nhạc dây.
NSƯT Hồng Vy – giọng hát thính phòng trẻ tuổi được yêu thích đặc biệt cũng sẽ góp mặt trong Giai Điệu Tự Hào tháng 7 với Những cánh chim Hồng Gấm. Ca khúc được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết năm 1971 để ca ngợi người con gái trẻ đất Mỹ Tho là Lê Thị Hồng Gấm đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Lư Nhất Vũ từng nhận xét: “Những cánh chim Hồng Gấm là một ca khúc hay, đầy sức lôi cuốn, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vận dụng nhuần nhuyễn điệu thức dân ca Nam Bộ nên được người dân nơi đây coi là bài hát của xứ mình”.
NSƯT Hồng Vy thăng hoa với ca khúc Những cánh chim Hồng Gấm
Những cánh chim Hồng Gấm là một trong những tác phẩm đã từng tạo nên động lực cho các chiến sĩ trong thời chiến.
Năm 1964, hành động dũng cảm tuyệt vời của Nguyễn Văn Trỗi, người thợ điện trẻ quê ở Quảng Nam không quản hiểm nguy đặt mìn ở chân cầu Công Lý tìm cách tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là McNamara, đã gây chấn động dư luận toàn Việt Nam. Việc không thành, anh bị bắt giữ và xử bắn. Ở pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi đã khiến cho tất cả mọi người – kể cả quân thù – phải cảm kích khi hiên ngang nhìn thẳng vào chúng. Trước lúc hy sinh, anh còn thét to khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ” và hô vang 3 lần: “Hồ Chí Minh muôn năm”, gây xúc động cho hàng triệu triệu người trong và ngoài nước.
Ca sĩ Đức Tuấn cùng dàn nhạc giao hưởng gây ấn tượng với Lời anh vọng mãi ngàn năm
Sau khi hy sinh, hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc, thơ ca, phim, kịch... Vào thời điểm đó, ca khúc Lời anh vọng mãi ngàn năm của nhạc sĩ Vũ Thanh được thể hiện bởi giọng hát của nghệ sĩ Tuyết Thanh là nổi trội và gây ấn tượng nhất. Bài hát nhanh chóng đi vào lòng người, khiến vô số thính giả phải gửi thư về Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị được nghe lại. Trong chương trình Giai Điệu Tự Hào tháng 7, ca sĩ Đức Tuấn cùng dàn nhạc giao hưởng sẽ thể hiện Lời anh vọng mãi ngàn năm.
MC Quỳnh Hoa và nhà báo Phúc Huy Thịnh đảm nhiệm vai trò dẫn dắt chương trình Giai Điệu Tự Hào tháng 7
Với chủ đề Tên anh đã thành tên đất nước, Giai Điệu Tự Hào tháng 7 hứa hẹn mang đến cho khán giả những ca khúc truyền thống cách mạng hùng tráng, làm lay động cảm xúc dưới sự dẫn dắt của MC Quỳnh Hoa và nhà báo Phúc Huy Thịnh. Chương trình phát sóng lúc 20g thứ sáu ngày 31/7 trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình Giai Điệu Tự Hào tháng 7/2015
Thủy Chinh