HoREA kiến nghị giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất trong năm 2019
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có công văn gửi Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP.HCM, góp ý về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn TP.
Theo HoREA, thực hiện quy định của Luật Đất đai 2013 về việc Chính phủ ban hành "Khung giá đất", cấp tỉnh căn cứ "Khung giá đất" để ban hành "Bảng giá đất" và được điều chỉnh mức giá tối đa không quá 30% mức giá tối đa trong "Khung giá đất". "Khung giá đất" và "Bảng giá đất" có niên độ 5 năm.
Hàng năm, cấp tỉnh điều chỉnh các mức giá trong "Bảng giá đất" bằng hệ số điều chỉnh giá đất để đảm bảo nguyên tắc giá đất trong "Bảng giá đất" phù hợp với giá thị trường.
Tuy nhiên, do cơ chế xây dựng "Khung giá đất - Bảng giá đất" như quy định trên đây thì không thể nào đảm bảo được nguyên tắc giá đất trong "Bảng giá đất" phù hợp với giá thị trường như quy định của Luật Đất đai. Giá đất trong "Bảng giá đất" phổ biến chỉ đạt khoảng 30-50% giá thị trường.
Mỗi m2 đất trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) có giá thị trường trên dưới 1 tỷ đồng, nhưng theo khung giá đất quy định chỉ rơi vào khoảng 442,26 triệu/m2.
Ví dụ: đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) có giá tối đa trong "Khung giá đất" là 162 triệu đồng/m2. TP được nâng lên 30% thành mức giá tối đa trong "Bảng giá đất" là 210,6 triệu đồng/m2. Quyết định 09/2018/QĐ-UBND ngày 15/03/2018 của UBND TP xác định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho năm 2018 là 2,1 lần giá đất do UBND TP quy định, nên giá đất là 442,26 triệu đồng/m2. Mức giá này vẫn rất thấp so với giá thị trường lên đến trên 01 tỷ đồng/m2.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, quận 2 có tốc độ đô thị hóa rất cao, được đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, đặc biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhưng khi phân chia khu vực phát triển của TP (Phân chia thành 5 khu vực) thì có một điểm rất bất hợp lý là quận 2 lại xếp vào khu vực 3, thấp hơn quận 7 được xếp vào khu vực 2. Điều này chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, vì mức nộp ở quận 7 cao hơn quận 2, trong lúc điều kiện hạ tầng đô thị của hai quận này là tương đương với nhau.
Hiện nay, Sở Tài chính đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 so với năm 2018 từ 19% đến 30%, cao hơn nhiều so với mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 so với năm 2017 chỉ ở mức từ 5%-8,33%.
Ví dụ: Hệ số điều chỉnh giá đất Khu vực 1: năm 2017 là 2; năm 2018 là 2,1 (tăng 5% so với năm 2017); Đề xuất năm 2019 là 2,5 (tăng 19% so với năm 2018); Khu vực 5: năm 2017 là 1.2; năm 2018 là 1.3 (tăng 8,33% so với năm 2017); Đề xuất năm 2019 là 1,7 (tăng 30% so với năm 2018).
Đây cũng là nội dung cần nghiên cứu xem xét kỹ, bởi lẽ chỉ số tăng giá (CPI) 09 tháng đầu năm 2018 chỉ là 3,57% so với cùng kỳ năm 201, và cả năm 2018, chỉ số CPI cũng được dự báo không vượt quá 4%.
Từ đây, HoREA kiến nghị TP nên xếp quận 2 vào khu vực 2, cùng nhóm với quận 7 thì hợp lý hơn và đảm bảo sự công bằng khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
HoREA cũng kiến nghị tiếp tục áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 cũng tương đương cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 theo Quyết định 09/2018/QĐ-UBND, tăng từ 5%-8,33%, vì mức đề xuất tăng từ 19% đến 30% của Sở Tài chính là quá cao và chưa hợp lý.
Về lâu dài, để tăng tính chịu trách nhiệm và chủ động cùa thành phố, Hiệp hội kiến nghị thành phố đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng Chính phủ không ban hành "Khung giá đất" và giao thẩm quyền cho cấp tỉnh ban hành "Bảng giá đất" có niên độ 05 năm, hàng năm được điều chỉnh bằng hệ số điều chỉnh giá đất để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá thị trường" theo quy định của Luật Đất đai.
Minh Nghĩa