Hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore: động lực từ chuyển đổi số và kinh tế xanh
Tham dự chương trình có ông Pang Te Cheng, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM; ông Goh Keng Phang, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam; ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore; các chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu và hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam...
Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore Vũ Viết Ngoạn phát biểu khai mạc chương trình. |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore đã phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Cả hai chính phủ đều hướng đến việc đưa quan hệ Đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, trở thành một hình mẫu hợp tác trong ASEAN.
Theo ông, sự kiện lần này là cơ hội để các doanh nghiệp của hai nước tận dụng lợi thế từ mối quan hệ năng động, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và đổi mới sáng tạo.
“Liên kết và hợp tác chắc chắn sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp mỗi nước”, ông Vũ Viết Ngoạn nói.
Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM, ông Pang Te Cheng, cho biết sự kiện diễn ra vào dịp kỷ niệm 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tiếp nối chuyến thăm TP.HCM của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5. Ngoài các vấn đề kinh tế, hội thảo còn đề cao vai trò của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ông Pang Te Cheng bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ giúp tạo ra một mạng lưới hợp tác lâu dài giữa cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam và Singapore, đặc biệt trong bối cảnh hơn 5.000 người Singapore đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh phía Nam Việt Nam.
Tại Phiên Kết nối của Chương trình, các doanh nghiệp Việt Nam - Singapore đã có cơ hội giao lưu, kết nối trực tiếp, trao đổi về cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước.
Kinh tế số và chuyển đổi xanh: chìa khóa hợp tác
Một chủ đề nổi bật của sự kiện là kinh tế số và chuyển đổi xanh. Đây được coi là những lĩnh vực "chìa khóa" để thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho cả Việt Nam và Singapore.
Chương trình “Kết nối thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam - Singapore”. |
Tại phiên thảo luận của Chương trình, chuyên gia kinh tế TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, cả hai quốc gia đều có lợi thế trong việc phát triển hai lĩnh vực này. Với chính sách rõ ràng và quyết tâm chính trị cao, Việt Nam đang đầu tư mạnh vào hạ tầng số và phát triển kinh tế xanh, trong khi Singapore dẫn đầu khu vực về đổi mới sáng tạo và dịch vụ tài chính.
Giáo sư Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng việc xây dựng các trung tâm tài chính thế hệ thứ hai tại Việt Nam, nhắm vào chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác với Singapore - quốc gia đã có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này. Đồng thời, việc chuyển đổi dòng vốn FDI từ các trung tâm tài chính quốc tế như Hong Kong sang Singapore sẽ tạo thêm động lực để hai quốc gia tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược.
Các nhà đầu tư Singapore đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong việc thu hút FDI. Theo đó, thành công của Singapore không đến từ việc giảm thuế và phí, mà từ việc xây dựng một hệ sinh thái đầu tư thuận lợi với cơ sở hạ tầng số, công nghệ và tài chính vững mạnh, cùng nguồn nhân lực chất lượng cao và quản trị nhà nước hiệu quả. Điều này giúp các doanh nghiệp FDI tại Singapore giảm chi phí và tăng khả năng thành công cao hơn.
Thách thức và cơ hội trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu
Trong bối cảnh biến động của tình hình thế giới và khu vực, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, Đại sứ Nguyễn Đức Hùng, Cố vấn cao cấp Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hợp tác giữa Việt Nam và Singapore trong duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của ASEAN. Ông chỉ ra hai nhân tố quan trọng, tạo cơ sở bền vững cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore:
Thứ nhất, lợi ích quốc gia - dân tộc về tồn tại và phát triển của đất nước ta tương đồng với lợi ích của các đối tác, phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh những biến đổi mạnh mẽ về địa - chính trị, địa - kinh tế ở Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình dương nói riêng và thế giới nói chung.
Thứ hai, sự trùng hợp về lợi ích chiến lược giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực; mục tiêu đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và nhu cầu kết nối cùng phát triển bền vững.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
"Sự trùng hợp về tầm nhìn xa của lãnh đạo hai nước đối với vận mệnh mỗi nước và tương lai khu vực, về lợi ích chiến lược của mỗi nước trong bối cảnh những biến chuyển mạnh mẽ về địa - chính trị, địa - kinh tế, về tinh thần tự lực tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của hai dân tộc đã là mẫu số chung, là động lực to lớn tạo ra những bước đi vững chắc trong quan hệ hai nước suốt nửa thế kỷ qua, đặc biệt trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21", Đại sứ Nguyễn Đức Hùng cho biết.
Các chuyên gia khuyến nghị thị trường tài chính Việt Nam cần được hoàn thiện, tiệm cận với cấu trúc, trình độ phát triển của các trung tâm tài chính quốc tế. Một số giải pháp quan trọng được đưa ra gồm: thiết lập và vận hành một thị trường bảo hiểm giá hàng hoá, tỷ giá cho hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế của doanh nghiệp như thị trường phái sinh; phát triển một thị trường chứng khoán minh bạch hơn, mở rộng thị trường vốn dài hạn trên cơ sở bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng tài chính... Điều này sẽ giúp tăng cường tính bền vững cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Theo thông tin tại chương trình, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng vốn cam kết đạt gần 75 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 6,79 tỷ USD, chiếm 33,1% tổng vốn FDI, đánh dấu mức tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2023. Các lĩnh vực chính thu hút đầu tư của Singapore gồm: sản xuất, bất động sản và dịch vụ tài chính. Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 8,47%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện có 18 khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) trên khắp Việt Nam. Các khu công nghiệp VSIP đã thu hút hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra gần 300.000 việc làm cho người dân địa phương. |