Hơn 2.500 di dân được cứu sống chỉ trong 2 ngày
Trích dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát biển Italia, Giám đốc Văn phòng châu Âu của UNHCR Vincent Cochetel cho biết thêm: "8 thi thể đã được tìm thấy và ít nhất 52 người khác mất tích sau 2 sự cố liên quan tới những người di cư ngoài khơi Libya hôm thứ bảy (10/6)".
Đại diện UNHCR nói rằng tổ chức này đã phối hợp với cảnh sát biển Italia tiến hành hơn 10 hoạt động tìm kiếm và cứu hộ người di cư trong 2 ngày cuối tuần. Những người được giải cứu dự kiến sẽ đặt chân tới Italia trong vài ngày tới - UNHCR cho hay.
Tuyên bố chính thức của UNHCR có đoạn: "UNHCR hoan nghênh những nỗ lực cứu hộ của cơ quan chính phủ các nước châu Âu, lực lượng cảnh sát biển và các tổ chức phi chính phủ (NGO), nhưng cũng rất đau lòng trước việc số người thiệt mạng tiếp tục gia tăng".
Ông Vincent Cochetel, Giám đốc Văn phòng châu Âu của UNHCR
Theo ước tính của cơ quan này, hơn 1.770 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong khi cố gắng vượt biển Địa Trung Hải nếu tính từ đầu năm 2017. Trong khi đó, có trên 50.000 người di dân đã may mắn đặt chân tới bờ biển Italia, phần lớn đi từ Libya.
Tổng số nạn nhân thiệt mạng khi tìm cách nhập cư vào châu Âu được cho là còn cao hơn nhiều, bởi không ít người có thể bị chết ở sa mạc Sahara khi còn chưa tới được bờ biển Libya. Vài tháng tới, số người di cư thiệt mạng dự kiến tiếp tục gia tăng - UNHCR cảnh báo.
UNHCR tiếp tục kêu gọi tăng cường các nỗ lực quốc tế để giải cứu những người di cư đang cố gắng vượt biển Địa Trung Hải, đồng thời tuyên bố tìm kiếm các giải pháp "từ ngoài Italia". Trước đó, Italia nhiều lần nói rằng họ không có đủ nguồn lực để đối phó dòng người di cư từ Libya.
Một con thuyền chở người di cư vượt biển Địa Trung Hải
Bên cạnh đó, UNHCR cảnh báo: làn sóng di cư từ Đông và Tây Phi tới Sudan, Niger, Libya vẫn chưa được kiểm soát, trong khi các mạng lưới buôn người đang phát triển mạnh mẽ. "Người dân từ nhiều nước dễ bị tổn thương, bị đe dọa hoặc bị lạm dụng quá mức" - cơ quan này nhấn mạnh.
Mới đây, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Sicily (Italia), các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp để tìm kiếm biện pháp giải quyết khủng hoảng di cư. Trọng tâm của hội nghị là tìm cách hỗ trợ nhiều hơn cho châu Phi, nhằm khuyến khích người di cư tiếp tục ở lại quê hương thay vì lên đường tới châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã không thể đưa ra được kế hoạch hành động cụ thể. Tuyên bố chung sau hội nghị nói rằng thành viên G7 sẽ chỉ "tái khẳng định chủ quyền của mình trong việc kiểm soát biên giới và đặt ra các giới hạn rõ ràng về việc tiếp nhận người di cư".
Hồng Anh