Hội nghị xúc tiến viện trợ tỉnh Đắk Nông: Ký kết thỏa thuận hợp tác đạt giá trị 3,7 tỷ đồng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ các thông tin về tỉnh. Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, dân số phần lớn là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ nghèo cao hơn gấp đôi tỷ lệ trung bình cả nước. Bên cạnh đó điều kiện khí hậu khắc nghiệt cùng với thiên tai hàng năm khiến cho địa phương luôn đối mặt với khó khăn trong việc phát triển kinh tế xã hội. Từ năm 2010 đến nay, Đắk Nông đã tiếp nhận 19 chương trình, dự án PCPNN. Các dự án đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân đặc biệt là các chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền trẻ em, nhóm người yếu thế, xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa…
Ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông
“Thay mặt cho địa phương, tôi xin gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc đến các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, cộng đồng các tổ chức PCPNN. Chúng tôi trân trọng những đóng góp không ngừng của quí vị trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Nông nói riêng”, ông Huy nói.
Bàn về định hướng và nhu cầu viện trợ trong thời gian tới, ông Cao Huy cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác vận động viện trợ PCPNN theo vùng và theo lĩnh vực, tích cực và chủ động hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức đến hoạt động tại tỉnh.
Với vai trò là đầu mối giữa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và địa phương, ông Phan Anh Sơn, Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) kêu gọi các đại biểu đại diện cho các tổ chức PCPNN, các Đại sứ quán, doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị sẽ nắm bắt những thông tin mà UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ để trực tiếp trao đổi nhằm tìm ra những cơ hội hợp tác trong tương lai.
Hiểu được nhu cầu của tỉnh Đắk Nông và tôn chỉ hoạt động, hướng đi cũng như các thế mạnh của từng tổ chức phi chính phủ, các cơ quan hợp tác quốc tế, ông Sơn bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới việc kết nối hai bên lại để mang đến những hợp tác, dự án hiệu quả cao. Cụ thể là trong các lĩnh vực như hạ tầng cơ sở tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, các thôn bản còn nghèo khó chưa có trạm y tế hoặc có nhưng đã cũ, cần được xây mới, sửa sang.... Đắk Nông hiện tại là một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp đơn thuần, ông Sơn chia sẻ mong muốn các tổ chức sẽ đưa những dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên... nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân địa phương này.
“Đây là một dịp rất tốt để UBND tỉnh và các tổ chức tương tác, trao đổi trực tiếp. Tỉnh Đắk Nông có số lượng các dự án PCPNN rất hạn chế trong khi nhu cầu viện trợ của tỉnh cao. Trong các chương trình tỉnh nêu ra, PACCOM sẽ cùng với các tổ chức lên kế hoạch hỗ trợ, điều phối hợp lý.Tôi đề nghị các phòng, ban PACCOM đưa Đắk Nông vào danh sách ưu tiên cao hơn các tỉnh, các khu vực khác. 6 tháng sau khi kết thúc Hội nghị này, chúng ta sẽ rà soát lại kết quả. Tôi mong muốn các tổ chức hãy tạo ra những cơ hội cho tỉnh Đắk Nông", ông Sơn phát biểu.
Sau phần báo cáo của Sở Giáo dục tỉnh Đắk Nông, nhằm chia sẻ sự khó khăn với học sinh, trẻ em tại địa phương, ông Sơn đã trực tiếp chỉ đạo Ban Điều phối viện trợ nhân dân đưa Đắk Nông vào danh sách trao tặng thí điểm từ 1 - 2 phòng học máy vi tính có trang bị đầy đủ dụng cụ học tập làm mẫu, trước mắt để học sinh có điều kiện tiếp xúc với công nghệ và tạo nền tảng cho các dự án phòng học vi tính trong tương lai.
Ông Phan Anh Sơn, Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân PACCOM
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện Tổ chức ActionalAid (AAV), ông Vũ Minh Đức cho biết trong 10 năm vừa qua, AAV đã thực hiện nhiều dự án trên các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo vệ quyền trẻ em tại Đắk Nông. Bên cạnh những thuận lợi từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn tồn tại một số khó khăn. AAV muốn chia sẻ để các ban ngành có thể giúp đỡ đặc biệt về các thủ tục liên quan đến hành chính khá mất thời gian, thủ tục đăng ký tiếp nhận dự án, ký thỏa thuận hợp tác, xin giấy phép để nhà tài trợ nước ngoài đến tỉnh tham quan còn nhiều bất cập.
Bên cạnh các ý kiến chia sẻ của đại diện tổ chức AVV, bà Lê Thanh Bình, đại diện tổ chức Maison Chance cũng nêu lên những nguyện vọng, tâm tư của tổ chức mình, cụ thể như trong quá trình đi thực tế tại huyện Krôngnô để xây dựng Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn, dự án sẽ xây trường học nằm trong Trung tâm vì vậy Maison Change mong muốn tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép xây dựng trường học nhằm phục vụ các đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, trong nghề đào tạo chế tác đá thủ công mỹ nghệ cho các học viên là người khuyết tật, Maison Change cũng mong chính quyền sẽ tạo điều kiện để các em học viên có thể tiếp cận và nhận được nguồn nguyên liệu đá thô tại địa phương.
“Nên xây dựng sẵn các dự án cơ hội để chủ động tiếp nhận viện trợ vì theo tôi được biết thì để phê duyệt một dự án cần nhiều thời gian để trình qua các cấp, các ngành. Trong khi có những nhà tài trợ nước ngoài họ cần thông tin nhanh và trực tiếp khi họ đến tham quan, khảo sát tại địa phương. Ngoài ra thì trong các dự án nên có vốn đối ứng, điều này thể hiện sự hợp tác, thống nhất chung mục tiêu giữa các tổ chức và chính quyền địa phương”, một đại diện đến từ Quỹ Fred Hollows (FHF) Úc phát biểu.
Đại diện đến từ các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp và cơ quan phát triển tham dự Hội nghị
Trả lời những vấn đề, thắc mắc liên quan công tác quản lý dự án PCPNN tại địa phương, ông Cao Huy cho biết tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công, đối với các tổ chức PCPNN, các nguồn hoạt động ngoại vụ, tỉnh Đắk Nông cam kết sẽ xử lý thủ tục hành chính quy định tối đa là 15 ngày, thực hiện đúng quy định, trong một số trường hợp cụ thể cần sự linh hoạt đặc biệt là những trường hợp tranh thủ sự tài trợ của người nước ngoài thì các tổ chức PCPNN sẽ trực tiếp liên hệ với Sở Ngoại vụ để được hỗ trợ thuận lợi nhất. Về việc tham gia góp vốn đối ứng trong các dự án, ông Huy cũng cho biết sẽ cam kết thực hiện để thể hiện hợp tác, thống nhất với các tổ chức.
“Chúng tôi mong muốn rằng, với những sẻ chia từ địa phương và những ý kiến trao đổi, đóng góp thẳng thắn, tích cực của qúy vị đại biểu, Đắk Nông sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của quý vị trong thời gian tới. Lãnh đạo chính quyền địa phương sẽ cam kết nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển bền vững, lâu dài với các đối tác”, ông Huy phát biểu bế mạc Hội nghị.
Kết thúc Hội nghị, dưới sự chứng kiến của đại diện PACCOM, ông Cao Huy và ông Vũ Minh Đức ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổ chức AAV và UBND tỉnh Đắk Nông về “Phục hồi an ninh lương thực và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng nghèo ở Tây Nguyên bị hạn hán ảnh hưởng” tại huyện Krông Nô từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2017 với tổng giá trị 3,7 tỷ đồng. Hoạt động khởi điểm đánh dấu kết quả của Hội nghị, hứa hẹn mở ra những hợp tác tương lai.
Hoàng Vũ