Học giả TQ đã cảnh báo: Gây căng thẳng ở Biển Đông, Bắc Kinh tự hủy hoại thành tựu 30 năm
Thay đổi tư duy
Trong bài viết “Trung Quốc cần có phương án thứ ba đối với Biển Đông” đăng trên Đa chiều (Mỹ) ngày 22/7/2016, bình luận viên chính trị Trung Quốc Đinh Đông cho rằng, Bắc Kinh cần có “tư duy mới” về vấn đề Biển Đông.
Tác giả viết: “Vừa qua, điều làm dư luận bất mãn là thái độ ngạo mạn của Trung Quốc. Bắc Kinh một mặt tìm cách lôi kéo Philippines nhưng mặt khác lại hăm dọa sẽ 'ra tay' nếu Manila dựa vào phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) để đối đầu với Trung Quốc".
Truyền thông Philippines cho biết, ngày 19/7/2016 Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa đã lên án Tổng thống Rodrigo Duterte và yêu cầu Manila phải thực hiện theo đề xuất của Bắc Kinh. Hành động này khiến nhà lãnh đạo Philippines nổi giận.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu hai bên tiến hành thảo luận quan hệ hai nước, nhưng ra điều kiện là “Philippines không được nhắc tới phán quyết của PCA, nếu không hai nước sẽ đối đầu”.
“Trung Quốc không nên lặp lại vết xe đổ khi ông Benigno Aquino III làm Tổng thống. Tổng thống Aquino - một người gốc Hoa - khi lên nắm quyền đã từng chủ động bày tỏ hữu nghị với Trung Quốc nhưng phía Bắc Kinh chẳng những có thái độ kẻ cả nước lớn mà năm 2012 còn chiếm đóng bãi cạn Scarborough do Philippines đang kiểm soát.
Điều này đã làm ông Aquino thay đổi lập trường, bắt tay với Mỹ và coi quan hệ với Mỹ là hòn đá tảng của chính sách ngoại giao Philippines, từ đó quan hệ Trung Quốc-Philippines trở nên xấu đi nghiêm trọng và hậu quả có phán quyết của PCA như hiện nay.
Trung Quốc phải nhớ bài học này để đối xử với Tổng thống Duterte, bởi lẽ ngay khi lên nắm quyền ông Duterte cũng đã có thái độ hòa dịu cải thiện quan hệ hai nước nhưng thái độ vừa qua của Trung Quốc đã lặp lại vết xe đổ trước đây.
Đối với Aquino trước đây hay Duterte ngày nay thì lợi ích đất nước là tối thượng và họ sẽ hành xử theo ý dân. Thái độ vừa qua chỉ có thể khiến quan hệ Trung Quốc-Philippnies lại rơi vào tình thế như thời Aquino," Đinh Đông nhấn mạnh.
Học giả Trung Quốc cho rằng đối với vấn đề Biển Đông hiện nay, Trung Quốc đang bị cô lập, nếu cứ khăng khăng với thái độ cứng nhắc này sẽ càng làm cho Bắc Kinh rơi vào thế bị động và càng khiến các nước xung quanh Biển Đông có sự đoàn kết, đồng thuận cao.
Đầu tháng 1/2017, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận tàu sân bay Liêu Ninh với nhiều chiến đấu cơ J-15 và tàu chiến đã tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Asian Defence News
Ngôn hành bất nhất
Đa chiều ngày 26/10/2015 từng nhận định, thời gian trước đó giới quân sự Trung Quốc tác động tới chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc với hành động mà họ gọi là “can dự tích cực” kể cả quân sự ở Biển Đông, điều này làm hầu hết các nước trong khu vực đều cảnh giác cao với Bắc Kinh, càng thúc đẩy họ gắn bó với nhau hơn.
Vì vậy, vấn đề Biển Đông luôn là nghị trình nóng hổi trong các hội nghị. Rõ ràng cái gọi là “chính sách can dự tích cực” của "phái diều hâu" Trung Quốc là lợi bất cập hại.
Trong bài “Chúng ta ngôn hành bất nhất, làm các nước xung quanh Biển Đông cảnh giác” đăng trên tờ Văn Trích của Trung Quốc ngày 6/6/2014, tác giả Hàn Lỗi viết:
"Hậu quả của ngôn hành bất nhất sẽ không thể lường hết được, các nước xung quanh Biển Đông không tin và nêu cao cảnh giác đối với Trung Quốc, liệu các mặt hợp tác khác còn thuận lợi hay không?
Môi trường an ninh còn đảm bảo hay không khi một nước đều bị các nước láng giềng hoài nghi và cảnh giác, thậm chí tẩy chay.
Dư luận thế giới dù rất ngưỡng mộ những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong 30 năm qua nhưng giờ đây sự ngưỡng mộ này bị mất đi thay vào đó là sự hoài nghi và cảnh giác. Liệu vai trò nước lớn và hình tượng quốc tế của Trung Quốc trên trường quốc tế còn giữ được không?
Trung Quốc phải dùng bao nhiêu thời gian mới lấy lại được uy tín của mình? Rõ ràng những hành động ngôn hành bất nhất đã phải trả giá đắt”.
Leo thang căng thẳng
Tạp chí Đồng châu cộng tiến số 11 năm 2015 đăng bài của hai tác giả Tiết Lý Thái và Hà Quốc Trung thuộc Trung tâm hợp tác và an ninh quốc tế Đại học Stanford (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu an ninh doanh nghiệp Trung Quốc thuộc Đại học giao thông Bắc Kinh viết:
“Thời đại ngày nay đã khác xa với năm 1974 khi Trung Quốc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thời gian qua, các chính khách và các nhà quyết sách Mỹ đã phê phán gay gắt về sự nhượng bộ này của Mỹ cho Trung Quốc. Họ cho rằng cuộc chiến này đã đặt cơ sở cho Trung Quốc lấn chiếm phi pháp xuống Biển Đông hiện nay”.
Hai tác giả viết tiếp: “Một khi Trung Quốc dùng biện pháp quân sự gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông thì sẽ bị toàn thế giới lên án, ngay cả Nga - nước thân thiết cũng tìm cách xa lánh”.
Theo hai tác giả, Trung Quốc hiện nay đang trỗi dậy, chưa thực sự hoàn thiện đã vội vã thực hiện chiến lược đối đầu với các nước, nhất là với Mỹ thì đây là một hạ sách”.
Điều đáng lưu ý là “thời gian qua biện pháp chính sách phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông là do “phái diều hâu” ở nước này chi phối.
Hai tác giả cho rằng hiện Mỹ đã nhận thức được mối hiểm họa từ Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên đã xác định cuộc đọ sức Mỹ-Trung ở khu vực này mới là cuộc đối đầu thực sự trong thế kỷ 21.
Hiện nay, Mỹ vẫn chiếm ưu thế ở châu Á. Vừa qua, “phái diều hâu” và một số nhà lý luận quá khích ở Trung Quốc kêu gọi lãnh đạo chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang “phát huy vai trò” với những chính sách trái phép mạo hiểm ở Biển Đông.
Rốt cuộc, Trung Quốc đã đẩy hầu hết các nước ở khu vực này về phía Mỹ. Từ đó, dư luận cho rằng Mỹ vẫn là nước chủ đạo ở Biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương.
Hai tác giả kết luận: “Trung Quốc mới trỗi dậy, chưa tự hoàn thiện mình nhưng đã gây hấn, như vậy là bất lợi. Hiện nay Trung Quốc 'cần học lấy chữ Nhẫn', nếu vẫn khăng khăng thực hiện chính sách cứng rắn như hiện nay ở Biển Đông thì rốt cuộc sẽ đưa lại hậu quả là 'vẽ hổ thành chó'".
Hai tác giả Tiết Lý Thái và Hà Quốc Trung cho rằng, hiện Trung Quốc có 4 điểm yếu, bất lợi như:
Thứ nhất, nếu dùng vũ lực thì Mỹ có thể can thiệp và phong tỏa Eo biển Malacca, Trung Quốc hoàn toàn bất lợi.
Thứ hai, giới quân sự Trung Quốc cho rằng, họ bố trí máy bay (phi pháp) ở quần đảo Hoàng Sa có thể kiểm soát được toàn bộ biển Đông nhưng tiền đề này hiện nay chưa tồn tại.
Thứ ba, sự trỗi dậy của Trung Quốc chưa hoàn thiện nhưng đã bị các nước trong khu vực và thế giới tẩy chay, nếu cứ ngang ngược thì toàn thế giới sẽ phản đối.
Thứ tư, nếu cứ khăng khăng dựa vào vũ lực như "phái diều hâu" chủ trương thì tai họa sẽ rơi vào chính Trung Quốc.
Do tình hình thế giới và khu vực hiện nay rất phức tạp nên ở Biển Đông, Trung Quốc không thể cố tình làm theo ý mình./.
Kiều Tỉnh