Hoảng hốt với chuyện người lớn quay cuồng cùng dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ
Dịch sởi, sốt xuất huyết tăng mạnh
Từ đầu tháng 9, tại Hà Nội, Bộ Y tế ghi nhận tình hình các ca mắc sởi hầu hết ở trẻ nhỏ chưa tiêm phòng vắc xin trên nhiều quận, huyện. Ngoài sởi, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã có 130-150 bệnh nhi được gia đình đưa đến khám chữa. Hầu hết các bệnh nhi vào viện do sốt, viêm phế quản, viêm mũi họng, thậm chí có trường hợp nhập viện do viêm phổi…
Tại các tỉnh phía Nam, số ca mắc bệnh truyền nhiễm như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… liên tục tăng từ tháng 8 và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Từ đầu tháng 9, Bệnh viện Nhi Đồng 2 – TP.HCM đã tiếp nhận khám ngoại trú cho 1.124 lượt bệnh nhi có triệu chứng liên quan đến sốt xuất huyết.
Đồng Nai có số ca mắc sởi cao nhất với 136 ca tại 6 xã, phường được coi là ổ dịch có số trẻ mắc sởi cao bất thường. Các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM có số ca mắc sởi ít hơn nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu tại BV Bạch Mai, Hà Nội.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định, tình trạng gia tăng bệnh sởi do đặc thù giao lưu đi lại nhiều giữa các địa phương. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm chủng tại các địa phương này thường không đồng đều.
Các bác sĩ lưu ý thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh sinh sôi. Ngoài sởi, dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu vẫn “le lói” tấn công người bệnh khi muỗi sinh sôi nảy nở. Cũng do tình hình thời tiết thay đổi, nhiều tường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết tăng vọt với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau cơ, người nhức mỏi, xuất huyết trên da…
Trước những triệu chứng bất thường ở trẻ nhỏ, các bác sĩ lưu ý gia đình nên theo dõi sát sao tình trạng của con em và đưa đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.
"Tay chân miệng" ồ ạt tấn công trẻ nhỏ
Trong khi dịch sởi và sốt xuất huyết tấn công trẻ nhỏ, số trẻ em mắc tay chân miệng cũng liên tục tăng cao khi phải nhập viện khám bệnh tại các bệnh viện nhi đồng TP.HCM. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số ca nhập viện ghi nhận được trong tuần qua lên đến gần 290 ca (tăng 47% so với 4 tuần trước đó) và đang tiếp tục tăng.
Trước đó, trong tháng 8, hơn 400 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị nội trú, một số trường hợp nặng còn phải thở máy.
Số bệnh nhi nhập viện tăng cao trong thời điểm giao mùa.
Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM xác nhận đã có 1 trường hợp tử vong do mắc tay chân miệng. Số lượng trẻ bị tay chân miệng phải điều trị nội trú tại bệnh viện tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình thời tiết bất thường, số bệnh nhi mắc tay chân miệng hầu hết ở độ tuổi từ 15-25 tháng tuổi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh cho biết: Nguyên nhân có nhiều ca tay chân miệng nặng là do virus EV 71 (Enterovirus 71). Bác sĩ Khanh cũng cảnh báo rằng, đây là loại virus có tốc độ lây lan nhanh chóng với diễn tiến nặng. Trường hợp trẻ tay chân miệng mắc virus này sẽ rất đáng ngại vì gây biến chứng nặng hơn.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm nay do số ca mắc nhiều, nhiều ca nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 5 tuổi. Trường học là môi trường thuận lợi cho sự lây lan bệnh nếu không có biện pháp phòng chống.
Tăng cường tổ chức tiêm phòng đúng lịch
PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh, hiện tại vaccine ngừa sởi không thiếu và yêu cầu các tỉnh lên kế hoạch chi tiết, tập trung dập dịch. Theo đó, các tỉnh phải rà soát biến động dân cư và hoạt động tiêm chủng thường xuyên tại các địa phương để phát hiện ra khoảng trống miễn dịch. Cụ thể, từ tháng 8, TP.HCM đã triển khai chiến dịch tiêm bù vaccine cho trẻ sinh năm 2016, 2017 và đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế là tiêm cho trẻ 3 - 5 tuổi.
Tuy nhiên, trên địa bàn mới chỉ có 62% trẻ được tiêm mũi 1 và 30% trẻ được tiêm mũi 2. Các chuyên gia nhận định, với những vùng miễn dịch trong cộng đồng không cao, trong khi tỷ lệ tiêm chủng thấp như vậy sẽ dễ dàng bùng phát thành dịch.
Riêng với bệnh ta chân miệng và sốt xuất huyết, do chưa có vaccine phòng ngừa nên cộng đồng cần chú ý thực hiện ăn sạch, ở sạch, đồ chơi sạch và giữ bàn tay sạch cho trẻ nhỏ để phòng bệnh.
Bác sĩ Lê Hồng Nga – Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM chia sẻ: “Ngành y tế thành phố khuyến cáo đến tất cả những nơi có tập thể giữ trẻ, các cô phải nhắc nhở đến phụ huynh là đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh sởi đúng lịch. Đối với các cơ sở y tế thì Sở Y tế đã có chỉ đạo quyết liệt thực hiện nghiêm túc việc khai báo bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện”.
V.H