Hoa Kỳ tài trợ cho Huế xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn
Chiều 13/9, tại thành phố Huế, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Công tác Xã hội Hàm Long thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo khởi động hợp phần Dự án Xây dựng Thí điểm Mô hình Phân loại rác tại nguồn.
Dự án được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua chương trình Thành phố Sạch-Đại dương Xanh, thực hiện tại hai phường Hương Long và Thủy Biều, thành phố Huế trong 18 tháng với 10 hoạt động trọng tâm ở hai giai đoạn.
Trong thời gian này, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Công tác Xã hội Hàm Long sẽ xây dựng thí điểm mô hình quản lý chất thải rắn áp dụng phương pháp phân loại rác thải tại nguồn, tái sử dụng và tái chế nhằm phục vụ việc cải tạo đất.
Giai đoạn I tập trung vào việc tìm hiểu tình hình quản lý chất thải rắn cũng như nhu cầu của người dân ở các hộ mục tiêu; nâng cao năng lực của hệ thống quản lý chất thải rắn và kinh tế tuần hoàn cho chính quyền địa phương và các bên liên quan. Dự án sẽ lấy ý kiến tham vấn của đại diện cộng đồng phường (hội, đoàn thể thanh niên, phụ nữ…) cũng như người dân địa phương để xây dựng tiêu chí chọn hộ và quản lý 150 hộ gia đình thí điểm thực hiện mô hình.
Giai đoạn II tập trung vào việc địa phương hóa và thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế rác. Tại các điểm dự án, mỗi hộ gia đình sẽ được cung cấp ba thùng rác: Thùng rác hữu cơ, thùng rác tái chế và thùng rác khác. Rác hữu cơ sẽ được thu gom và quản lý bởi hội phụ nữ địa phương để sản xuất phân vi sinh; rác tái chế sẽ được nhóm thu gom không chuyên thu gom và chuyển giao cho các cơ sở kinh doanh phế liệu…
Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ phát biểu tại lễ khởi động dự án. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế |
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Công tác Xã hội Hàm Long Trần Quốc Phương cho biết các hoạt động của Dự án là sáng kiến của Trung tâm trong việc hướng dẫn các gia đình biết cách phân loại rác đúng theo quy định của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sau đó, rác hữu cơ được sử dụng để làm phân vi sinh phục vụ cây trồng; sản phẩm nhựa, túi nylon và giấy loại được sử dụng làm các sản phẩm tái chế.
Mô hình nhằm tăng tỷ lệ tái chế, giảm lượng chất thải chôn lấp, rò rỉ trong nguồn nước, đồng thời cải thiện sinh kế cho người thu gom và tái chế rác thải.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết năm 2022 Chính phủ Hoa Kỳ đã khởi động dự án Bảo vệ Đại dương - dự án trọng điểm nhằm chống lại rác thải nhựa đại dương ở cấp độ toàn cầu. Dự án được thực hiện thông qua 14 chương trình ở cấp quốc gia và khu vực ở trên toàn thế giới.
Trong khuôn khổ dự án có chương trình Thành phố Sạch-Đại dương Xanh nhằm hướng đến giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại địa phương, bao gồm việc hợp tác với các đối tác tại địa phương, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Công tác Xã hội Hàm Long để tận dụng các ý kiến chuyên gia trong tập trung giải quyết ô nhiễm tại nguồn.
Theo số liệu năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung, thành phố Huế phát sinh khoảng 407 tấn chất thải rắn đô thị mỗi ngày. Bãi rác Thủy Phương - bãi rác duy nhất tại thành phố Huế, hiện đã quá tải và gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng cho vùng phụ cận. Bên cạnh chất thải rắn được thu gom và xử lý, vẫn còn các chất thải khác được thải vào nguồn nước thông qua hệ thống xả thải, thoát nước trực tiếp hoặc từ rác thải trên đất liền, đường phố. |