Hòa bình là điều kiện tiên quyết bảo vệ quyền con người
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhân ngày quốc tế Hòa bình (21/9) – ngày được Liên Hợp quốc tổ chức hàng năm từ năm 1981. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 21-22/9, với 3 phiên chính: phiên khai mạc, phiên 1 về “Các vấn đề chung” và phiên 2 về “Tình hình thực tiễn, những tác động đối với quyền con người và các đề xuất, giải pháp”. Tham dự hội thảo có gần 50 đại biểu là đại diện của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Bộ Ngoại giao… và bạn bè quốc tế là những nhà hoạt động, những học giả liên quan đến lĩnh vực hòa bình và quyền con người.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu cho biết, quyền con người đã và đang trở thành một vấn đề toàn cầu, mối quan tâm lớn của cộng đồng, là nguyện vọng chung của nhân loại, thành quả đấu tranh của loài người qua nhiều thế hệ. Điều này được thể hiện qua Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người (1948), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966, Tuyên ngôn về quyền hòa bình của các dân tộc (1984), Tuyên ngôn ASEAN về nhân quyền (2012) và hàng loạt các Công ước và Nghị định thư khác của Liên hợp quốc cũng như các khu vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc
Tại Việt Nam, quyền con người được nhấn mạnh và ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Hiến pháp năm 2013. Đó là: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Trong bối cảnh hiện tại, tình trạng xung đột, bạo lực leo thang, các cuộc chạy đua vũ trang, chủ nghĩa khủng bố, các nguy cơ an ninh phi truyền thống khác đang đe dọa đến hòa bình, ổn định, sinh kế và cuộc sống của hàng chục triệu người dân tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Dân tộc Việt Nam nhận thức được rằng, trong bất kỳ thời kỳ lịch sử nào, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, hòa bình cũng là một yếu tố tiên quyết trong việc bảo đảm quyền con người. “Việt Nam chúng tôi đang được sống trong hòa bình và mong muốn có môi trường hòa bình và ổn định bền vững để thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, duy trì và bảo vệ hòa bình, an ninh là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi”, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam nhấn mạnh.
PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa báo cáo dẫn đề tại Hội thảo
Trong báo cáo dẫn đề, PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh/ Ủy ban Hòa bình Việt Nam cho rằng, Hội thảo Khoa học quốc tế đặc biệt có ý nghĩa với chủ đề “Vai trò của hòa bình trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” trong bối cảnh những thách thức khu vực và toàn cầu ngày càng gia tăng và đe dọa đến sự ổn định, hợp tác phát triển và hòa bình của không chỉ một quốc gia, một khu vực mà toàn thế giới.
Hội thảo nhấn mạnh đến ba vấn đề chủ yếu: Hòa bình là một quyền con người cơ bản và hòa bình đóng vai trò tiên quyết cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; Những thách thức khu vực và toàn cầu trong việc bảo đảm hòa bình, quyền con người hiện nay; Những gợi ý định hướng và giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, quyền con người trong bối cảnh hiện nay từ cách tiếp cận dựa trên quyền hòa bình.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều ý kiến quý báu, góp phần nâng cao hiểu biết về ý nghĩa, giá trị và vai trò to lớn của hòa bình trong việc bảo vệ cũng như thúc đẩy quyền con người cũng thực thi quyền hòa bình như một trong những quyền cơ bản của con người; đồng thời các học giả cũng đưa ra những khuyến nghị hướng tới các giải pháp cụ thể nhằm góp phần giữ gìn môi trường hòa bình và tăng cường hợp tác quốc tế trong các vấn đề này.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Đề cập đến quyền được sống trong hòa bình theo Luật Nhân quyền quốc tế, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Công Giao (Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức như tranh chấp lãnh thổ, xung đột vũ trang, khủng bố, thảm họa môi trường, suy giảm nguồn năng lượng…, việc bảo đảm quyền sống trong hòa bình không chỉ là điều kiện tiên quyết mà còn là cơ sở cho việc bảo đảm khả năng thụ hưởng các quyền con người khác.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Công Giao, nếu không được đảm bảo môi trường sống trong hòa bình, ngay cả tính mạng của con người cũng trở nên mong manh trước những nguy cơ bạo lực. Việc tạo lập môi trường sống hòa bình không chỉ bảo đảm sự an toàn cho công dân mà con thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, đầu tư và hợp tác quốc tế của các quốc gia.
Với cách nhìn sâu sắc về triết lý hòa bình và nhân quyền, Tiến sĩ Eakpant Pindavanija, Viện nghiên cứu Nhân quyền và Hòa bình (Đại học Mahidol, Thái Lan) cho rằng, sự bất bình đẳng trong phát triển kinh tế - xã hội sẽ dẫn đến một xã hội mà ở đó người dân bị áp bức, kịch bản như vậy có thể sẽ tạo ra xung đột xã hội, từ đó, trong tình huống xấu nhất, sẽ phát sinh bạo lực giữa con người trong xã hội. Vì thế, Tiến sĩ Eakpant tin rằng việc tóm tắt một số quan điểm triết học liên quan đến các khái niệm hòa bình và nghiên cứu về hòa bình là hữu ích để nhằm nhấn mạnh đến mục tiêu cuối cùng là tạo ra một nền văn hóa hòa bình, môi trường hòa bình, và một xã hội tương đối hòa bình.
Tiến sĩ Eakpant Pindavanija chia sẻ bài tham luận "Triết lý hòa bình và nhân quyền tại Hội thảo"
Cũng theo Tiến sĩ Eakpant Pindavanija, phát động các phong trào vì hòa bình và phát triển xã hội, mục tiêu phát triển bền vững trong xã hội sẽ mang lại một xã hội hòa bình và một nền văn hóa hòa bình, mà ở đó các thành viên trong xã hội có thể sống hòa hợp với những người xung quanh và các quốc gia lân cận.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Nguyễn Văn Huỳnh khẳng định: “Để thực thi quyền được hòa bình, các dân tộc và mọi người phải được đảm bảo quyền được phát triển, được tự do lao động sáng tạo. Tự do lao động sáng tạo, loài người sẽ có thêm nhiều điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại và tạo điều kiện để duy trì hòa bình”.
Trong các phiên tiếp theo của Hội thảo, các học giả sẽ trình bày các tham luận về: Thách thức đối với hòa bình - an ninh quốc tế; Hòa bình – Quyền và Nghĩa Vụ; Giải trừ quân bị: Con đường đi đến Hòa bình và An ninh con người; Hòa bình và quyền con người của nạn nhân chất độc da cam…
Thùy Linh