HKI: Giúp dân có nguồn thực phẩm tại nhà
Bón phân đúng cách cho đất
Từ cuối năm 2013, hơn 300 hộ dân ở 12 bản của xã Tân Lang khi tham gia vào dự án “Cải thiện an ninh lương thực hộ gia đình và dinh dưỡng thông qua việc sản xuất thực phẩm tại gia đình” của tổ chức HKI Việt Nam đã có những thay đổi trong việc chăn nuôi, chăm sóc cho cây trồng để đạt năng suất, chất lượng cao. Nhờ thế mà người dân có thể có nguồn thực phẩm tại chỗ vừa sạch vừa đảm bảo dinh dưỡng.
HKI hướng dẫn nông dân sản xuất vườn tại nhà góp phần đa dạng hóa bữa ăn.
Ông Đinh Văn Quân (bản Vường, xã Tân Lang, Phù Yên) tâm sự: “Đã có hơn 40 năm làm nông nghiệp, gắn bó với ruộng, với nương ở Phù Yên nhưng chưa bao giờ tôi có những kinh nghiệm làm nông quý giá như bây giờ. Đó là những kinh nghiệm bón phân khi trồng rau xanh; nuôi gà, lợn… đúng kỹ thuật để có năng suất cao. Hiệu quả lao động của gia đình tôi trong 1 năm qua đã tăng gấp rưỡi so với trước đây”.
Xã Tân Lang chủ yếu là đồng bào Mường và Dao sinh sống nên mức sống và trình độ dân trí còn hạn chế, rất khó thực hiện được mục tiêu dinh dưỡng tốt nhất nếu không giúp họ nâng cao nhận thức và thu nhập. Nắm bắt được điều này, HKI đã đưa cán bộ kỹ thuật của dự án đã xuống cùng ăn, cùng ở để tập huấn và hướng dẫn bà con thực hiện. Năm đầu, dự án đã đưa về cho người dân 15 con lợn nái, 760 con gà giống. Mới đây dự án còn cung ứng thêm 1.500 con gà giống và hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa mái nhà trạm y tế xã, cấp nhiều loại giống rau chất lượng tốt để giúp bà con thúc đẩy sản xuất hàng hóa.
Đứng trước mảnh vườn xanh ngắt các loại rau trước nhà, ông Quân kể: Dự án đã cử hẳn 2 cán bộ kỹ thuật bám sát người dân từng ngày để tập huấn khuyến nông theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nên chúng tôi đã có những nhận thức mới trong sản xuất và đời sống. Tôi rất quan tâm tới vấn đề phân bón cho cây trồng và được các cán bộ giúp đỡ tận tình. Nhà tôi chỉ có 25m2 đất vườn này, trước đây vẫn trồng rau xanh nhưng chỉ đủ rau ăn hàng ngày. Từ khi làm rau xanh theo dự án hướng dẫn, có cách bón phân hợp lý nên không chỉ vừa ăn, vừa cho hàng xóm, bạn bè mà tôi còn mang bán, kiếm thêm thu nhập.
Nếu riêng cái vườn này thì hiệu quả kinh tế năm nay gấp 10 lần những năm trước. Nhưng nếu tính trên cả diện tích đất sản xuất lúa, ngô của gia đình thì năm nay năng suất tăng gấp rưỡi so với năm trước. “Bây giờ chúng tôi mới biết rằng dù có đủ giống tốt, nước tưới rồi thì bí quyết bón phân vẫn là một khâu quyết định tới năng suất và chất lượng cây trồng. Ngô của nhà tôi năm nay bắp to hơn, hạt vàng thẫm hơn. Rau cũng không chỉ tốt mà ăn ngọt hơn, cải bắp cuộn chặt hơn, súp lơ bắp to và xanh hơn trong khi đất lại màu mỡ hơn”, ông Quân kể.
Người dân chủ động lượng dinh dưỡng
Bà Phạm Thị Huệ - điều phối viên dự án cho biết: “Ban đầu dự án chỉ thu hút được gần 200 hộ dân tham gia, nhưng đến nay đã lên tới hơn 330 hộ, và điều quan trọng là hàng trăm phụ nữ đang nuôi con nhỏ ở Tân Lang đã biết cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho con mình trong mỗi bữa ăn từ chính những sản phẩm họ làm ra hàng ngày”.
Trình diễn nấu ăn dinh dưỡng cho các bà mẹ tại Sơn La.
Đặc biệt hơn nữa, thông qua chương trình này phụ nữ và trẻ em đã có thể tăng lượng thức ăn ngay tại gia đình họ. Ngoài việc được tham gia đào tạo về nông nghiệp, người dân ở đây còn được giáo dục về tầm quan trọng của dinh dưỡng, đặc biệt là cho phụ nữ và giới trẻ, cũng như việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm dinh dưỡng thông qua chương trình Sản xuất thực phẩm hộ gia đình nâng cao.
Ông Henri Noirhomme, Trưởng đại diện của Alstom tại Việt Nam cho biết: “Cùng với tổ chức Helen Keller International, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Quỹ Viện trợ Ailen tại Việt Nam, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến sự cam kết và nỗ lực của người dân khi tham gia dự án và làm chủ tương lai của mình và điều đó làm họ rất phấn khởi”.
Hiện tại, Quỹ Alsom Foundation, các đối tác và HKI đã lên kế hoạch cho năm thứ hai của chương trình. Theo đại diện của tổ chức HKI, bốn mục tiêu được đặt ra trong năm thứ hai của chương trình là sản xuất thực phẩm hộ gia đình nâng cao: Cải thiện việc sản xuất và tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; cải thiện thói quen dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục; cải thiện sinh kế của các hộ gia đình thông qua việc tạo thu nhập từ thặng dư sản phẩm thu được qua chương trình; nâng cao vị thế của phụ nữ thông qua những đóng góp của họ trong việc cải thiện dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe của gia đình và cộng đồng.
Đỗ Thanh