Hiểu để thêm yêu thương trẻ tự kỷ
Truyền thông cho đông đảo mọi người
Sinh hoạt vào các buổi tối cuối tuần tại số 99 Hàm Nghi (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), “Trẻ tự kỷ – Hiểu và yêu thương” ra đời với mục tiêu ban đầu “giúp mọi người hiểu đúng về tự kỷ trước khi hành động vì các em”.
“Bạn hiểu về tự kỷ, chắc chứ?” là chủ đề một buổi giao lưu mà nhóm chia sẻ với hơn 40 bạn trẻ. Rất nhiều bạn trẻ kể từng tiếp cận với các em nhỏ tự kỷ, thế nhưng khi đưa ra câu trả lời thì cho rằng, đó là “bệnh” hoặc do bẩm sinh, di truyền...
Một buổi chia sẻ thông tin của nhóm “Trẻ tự kỷ – Hiểu và yêu thương”
Theo Nguyễn Thị Hạnh Duyên, trưởng nhóm “Trẻ tự kỷ – Hiểu và yêu thương”: “Đến thời điểm này trên thế giới vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng dẫn đến hội chứng tự kỷ. Vì vậy, chúng ta không nên gọi đó là “bệnh”, vô tình làm tổn thương đến các bậc cha mẹ có con gặp phải tự kỷ”.
Duyên cùng bạn bè tìm kiếm trên các trang mạng trong và ngoài nước, tham gia nhiều chương trình tìm hiểu về tự kỷ do nhiều diễn đàn tổ chức để có thông tin. “Mình gặp nhiều hoàn cảnh như vậy và nghĩ sai về hội chứng này. Sau đó, mình quyết tâm ít nhất phải tìm hiểu thật kỹ trước khi tiếp cận để giúp đỡ các em cũng như phụ huynh”, Duyên chia sẻ.
Trong khi tìm hiểu, Duyên nhận ra, nhiều người xung quanh cũng từng như mình không hiểu rõ tự kỷ nên có những hành động ứng xử không đúng. Thậm chí, chính những phụ huynh có con bị tự kỷ cũng chưa thật sự hiểu về hội chứng này. Tại những buổi gặp mặt của nhóm với phụ huynh có con bị tự kỷ, không ít lần nhóm chứng kiến những giọt nước mắt dằn vặt của cha mẹ khi họ nghĩ con bị tự kỷ là do mình gây nên.
Chính phụ huynh của trẻ tự kỷ cũng có cơ hội để thêm thêm về hội chứng mà con mình mắc phải
Cô gái cùng các bạn thành lập nên nhóm với mong muốn chuyển tải thông tin đến đông đảo mọi người. Các bạn trẻ bắt tay vào thực hiện dự án “Bạn hiểu về tự kỷ, chắc chứ?” và lập trang Facebook cùng tên. Duyên chia sẻ: “Thời gian qua, dự án tổ chức 4 buổi chia sẻ với 200 bạn trẻ của 12 câu lạc bộ tích cực tại Đà Nẵng. Khảo sát tỷ lệ bạn trẻ hiểu đúng về tự kỷ đều 0%”.
Lan tỏa yêu thương
Theo nhóm “Trẻ tự kỷ – Hiểu và yêu thương”, chỉ cần một người hiểu, biết rõ vấn đề, sau đó chia sẻ cho người khác, dần dà mọi người sẽ hiểu rõ về tự kỷ. Việc làm này cũng chính là cách lên tiếng vì quyền lợi của trẻ tự kỷ.
“Trên thế giới có nhiều thiên tài từng gặp phải hội chứng tự kỷ như nhà vật lý học Einstein, danh họa Leonardo da Vinci... Họ đã vượt qua được thì các em nhỏ cũng có thể vượt qua. Hơn ai hết, mọi người hãy đặt vị trí của mình vào những người cha, người mẹ có con như vậy để hiểu và chia sẻ cùng họ”, bạn Trần Hoàng Ngọc Trâm, thành viên của nhóm lý giải.
Khi có hiểu biết đúng, chúng ta sẽ thêm đồng cảm và thương yêu người tự kỷ
Không chỉ tổ chức giao lưu, trao đổi với người trẻ trên địa bàn thành phố, nhóm còn mời các chuyên gia tư vấn tâm lý là giảng viên đại học, bác sĩ tâm lý để những buổi trò chuyện trở nên sinh động, thiết thực, hấp dẫn hơn.
Hiện tại, các tài liệu về tự kỷ bằng tiếng Việt khá ít trong khi mỗi trẻ tự kỷ lại cần một cách tiếp cận, can thiệp, trị liệu khác nhau. Nhóm thiết kế “Bộ kiến thức cơ bản về tự kỷ” dựa vào quá trình tự tìm hiểu từ các nguồn tài liệu uy tín, rồi chia sẻ trên mạng. Bộ kiến thức lập tức hút hàng trăm lượt chia sẻ, được tổ chức VAN (Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam) chia sẻ trên Fanpage mạng lưới.
Nhiều bạn trẻ sau khi tham gia những buổi trò chuyện của “Trẻ tự kỷ – Hiểu và yêu thương” quay lại giúp đỡ nhóm tổ chức các hoạt động hướng đến các em mắc chứng tự kỷ. Đó là chương trình về lập ứng dụng game, chia sẻ kiến thức, tư vấn, giúp đỡ cho những phụ huynh thắc mắc về tự kỷ.
“Những kiến thức này giúp mình có nhiều thông tin trong ngành học của mình, cũng là để xích lại gần hơn với các em”, Nguyễn Thị Minh Trang (sinh viên ngành Tâm lý học, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho biết.
Chia sẻ của một số bạn trẻ khi tham gia các buổi chia sẻ thông tin, trò chuyện của nhóm
Trong buổi giao lưu đầu tiên của nhóm, nghệ sỹ viola quốc tế Nguyễn Nguyệt Thu – đại sứ chương trình “Bình minh cho em – Sunrise for U” (chương trình cộng đồng đầu tiên vì người tự kỷ Việt Nam) bày tỏ: “Những hoạt động của nhóm là những việc làm cần thiết và ý nghĩa để chúng ta hiểu hơn về trẻ tự kỷ, đồng thời kêu gọi cộng đồng giang rộng tình thương, đón nhận các em. Tôi mong, các bậc cha mẹ có con tự kỷ nên mở lòng hơn và tìm cách phù hợp để trẻ có thể hòa nhập cộng đồng”.
Nhóm cho biết, đây là giai đoạn khởi đầu cho các hoạt động trên bước đường hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Không chỉ khu vực Đà Nẵng, Hà Nội, sắp tới, nhóm mở rộng hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ tới tỉnh Thừa Thiên Huế và các thành phố lớn. Bên cạnh đó, ứng dụng game trên mạng xã hội qua việc xây dựng bản đồ hình thành thói quen mô phỏng những sinh hoạt hàng ngày cho trẻ tự kỷ sẽ được các bạn trẻ áp dụng trong thời gian tới.
An Vinh