Hay mắc lỗi và thay đổi ý kiến liên tục: Nếu có hai dấu hiệu này, bạn là người cực thông minh, đáng tiếc số đông chúng ta không nghĩ vậy
Jeff Bezos hiện là tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản lên tới khoảng 150 tỷ USD và là nhà sáng lập ra tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng Amazon cũng như công ty hàng không vụ trụ Blue Origin. Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng dù đánh giá từ góc độ nào thì ông cũng là một người cực thông minh. Và một điều mà chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng là ông có tài năng trong việc kết giao để những người xung quanh, đó đều là những người thông minh và có thể giúp tỷ phú có một tầm nhìn thực tế.
Vậy ông đã tìm kiếm, phát hiện ra những người này như thế nào? Đó là một câu hỏi mà Bezos đã giải đáp khi tới văn phòng Basecamp vài năm trước và nhà sáng lập công ty này Jason Fried đã công bố câu trả lời trên trang blog của Basecamp.
Câu trả lời của vị tỷ phú này thực sự trái ngược với quan điểm của số đông chúng ta.
Những người thông minh thực sự sai rất nhiều
Khi đánh giá trí thông minh của một người, hầu hết chúng ta đều hỏi xem liệu họ có thường làm đúng mọi việc hay không. Chúng ta thắc mắc: Họ có kiến thức chính xác về thế giới và giỏi chuyên môn của họ không? Họ có luôn trả lời đúng khi đối mặt với những vấn đề khó nhằn hay không? Những dự đoán của họ có đúng không?
Tuy nhiên, Bezos không chỉ xem xét tần suất làm đúng của mọi người. Thay vào đó, ông cũng tìm kiếm cả những người có thể thừa nhận sai lầm của mình và thay đổi ý kiến thường xuyên.
Chân dung vị tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos
Bezos chia sẻ ông "quan sát thấy rằng những người thông minh nhất liên tục sửa đổi, bồi dưỡng vốn hiểu biết của mình, xem xét lại một vấn đề mà họ nghĩ họ đã giải quyết. Họ cởi mở với những quan điểm mới, thông tin mới, ý tưởng mới, những mâu thuẫn và thách thức đối với cách suy nghĩ của riêng họ".
"Sự kiên định là bóng ma của những suy nghĩ nhỏ bé"
Việc sẵn sàng đón nhận những thông tin mới luôn đi đôi với việc sẵn lòng thừa nhận cách suy nghĩ cũ của bạn không hoàn hảo. Nói cách khác, để trở nên cực thông minh, bạn cần phải thay đổi suy nghĩ của mình nhiều lần. Nhà viết tiểu luận nổi tiếng Ralph Waldo Emerson từng nói "sự kiên định là bóng ma của những suy nghĩ nhỏ bé". Bezos dường như cũng đồng ý rằng sự kiên định đang được đánh giá quá cao.
Fried cho hay rằng Bezos không nghĩ rằng sự kiên định trong suy nghĩ là một đặc điểm đặc biệt tích cực. Và việc có một suy nghĩ mới nảy ra vào hôm sau phủ nhận lại suy nghĩ hôm nay của bạn là hoàn toàn bình thường, lành mạnh và thậm chí nó còn được khuyến khích.
Không chỉ các nhà triết học thế kỷ 19 mà khoa học hiện đại cũng đồng ý với quan điểm của Bezos, dù các nhà tâm lý học có một cách nói ít thi vị hơn về sự linh hoạt của suy nghĩ mà Bezos đề cao. Họ gọi đó là sự khiêm tốn về trí tuệ.
Các nghiên cứu về việc đưa ra quyết định cho thấy những người sẵn sàng thừa nhận bản thân đã làm sai sẽ đưa ra được những sự lựa chọn tốt hơn hẳn. Các nhà triết học, tâm lý học, các nhà nghiên cứu và cả Jeff Bezos đều hiểu rằng mắc sai lầm không phải là dấu hiệu của sự ngu ngốc. Đó là dấu hiệu của sự tò mò, cởi mở với những thông tin mới và cuối cùng là thông minh.
Nếu các bài luận nổi tiếng, các CEO hàng đầu và nghiên cứu mới nhất vẫn chưa đủ để thuyết phục bạn rằng để thông minh hơn, bạn cũng cần phải thường xuyên sai, thì bạn có thể tìm hiểu về điều này từ những nhà nghiên cứu và tiên đoán tương lai cực thông minh tại Viện nghiên cứu tương lai ở Palo Alto (California, Mỹ).
Giáo sư trường Stanford - Bob Sutton cho biết những nhà nghiên cứu ở đây có một cách tóm lược nổi tiếng về đặc điểm này của những người thông minh: "những quan điểm mạnh mẽ được tổ chức lỏng lẻo".
Theo những gì mà các nhà nghiên cứu tương lai giải thích với Sutton, các ý tưởng có tổ chức lỏng lẻo (và vì thế thường xuyên thay đổi) rất quan trọng. Bởi chúng cho thấy bạn không "quá gắn bó với những gì bạn tin - điều có thể làm hao mòn khả năng quan sát và lắng nghe những gì trái ngược với các quan điểm của bạn".
Vì thế, khi muốn xác định xem liệu một người nào đó thực sự siêu thông minh hay chỉ đơn giản là giả bộ, làm quá, đừng hỏi xem họ có luôn làm đúng hay không. Thay vào đó, hãy hỏi xem lần cuối họ thay đổi ý kiến của họ là khi nào. Nếu họ không thể kể lại nhiều lần sai của mình, họ chắc chắn không thông minh như họ muốn thể hiện đâu.
Việt Hà