Harvard đuổi học sinh viên vì tội... chat dung tục trên Facebook
Một nhóm sinh viên được trường Harvard nhận vào học cho niên khóa 2021 đã thành lập một hội kín trên Facebook vào cuối tháng 12/2016. Trong nhóm này, các sinh viên chia sẻ với nhau những hình ảnh ghép, ảnh chỉnh sửa liên quan đến các vụ tấn công tình dục, cảnh trẻ em bị sát hại… với những ngụ ý trái với đạo đức.
Thậm chí, một số hình ảnh được chỉnh sửa với thông điệp chỉ trích những nhóm sắc tộc cụ thể, như người Mexico tại Mỹ, hay cổ vũ tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em.
Theo nhiều cựu học sinh cũng như một số thành viên của hội kín trên, ngay sau khi phát hiện ra nhóm kín này, ban quản lý trường Harvard đã thu hồi tư cách nhập học của ít nhất 10 học sinh.
Dẫu vậy, phát ngôn viên Rachael Dane của trường cho biết họ không bình luận công khai điều gì về tình trạng tuyển sinh của từng cá nhân nên thông tin trên hiện vẫn chưa được kiểm định.
Ban đầu, hội kín này được tách ra từ một nhóm các học sinh được nhận vào Harvard niên khóa 2021. Sinh viên được nhận vào trường Harvard và tham gia cả 2 nhóm trên, Jessica Zhang cho biết rất nhiều học sinh được nhận vào trường cảm thấy hứng thú khi thành lập những nhóm chat kín, qua đó chia sẻ sở thích chung.
Theo Zhang, phần lớn những bài viết trong các nhóm trên có nội dung trêu đùa và không quá dung tục. Zhang không up bất cứ bài viết nào lên nhóm kín thứ 2 và cũng không bị hủy bỏ tư cách nhập học.
Tuy vậy, Cassandra Luca, một học sinh cũng được nhận vào học tại Harvard cho biết ban đầu nhóm chat chung được thành lập với mục đích chia sẻ sở thích nhưng sau đó một nhóm người quyết định thành lập nhóm chat thứ 2 với nội dung “người lớn” hơn. Luca không tham gia nhóm chat thứ 2 và cũng không bị thu hồi tư cách nhập học.
Sinh viên Luca cho biết để có thể gia nhập nhóm chat kín thứ 2, thành viên cần phải đăng một bức ảnh chỉnh sửa có nội dung khiêu khích trong nhóm chat chung ban đầu rồi mới được chấp nhận.
“Không phải vì chúng ra có thể được nhận vào học tại Harvard mà chúng ta có thể trêu đùa nhau theo kiểu này”, Luca bức xúc.
Một sinh viên giấu tên cho biết nhân viên văn phòng tuyển sinh của trường đã yêu cầu các sinh viên gửi các bức ảnh khiếm nhã lại cho trường để xem xét vụ việc. Sinh viên này cũng cho biết nhiều thành viên trong nhóm đã bị cảnh báo không được đến chương trình chào mừng sinh viên mới của Harvard vào tháng 4/2017. Sau đó 1 tuần, ít nhất 10 thành viên trong nhóm được thông báo rằng tư cách nhập học của họ đã bị hủy.
Như một lời nhắc nhở, trường Harvard gửi thư đến hàng loạt sinh viên được nhận học niên khóa 2021 rằng họ có thể bị hủy tư cách nhập học bất kỳ lúc nào nếu có những hành động khiến ngôi trường nghi ngờ về tính trung thực, cách hành xử đứng đắn và đạo đức tốt của sinh viên.
Luca cho biết mình cảm thấy bối rối với vụ việc trên. Một mặt cô cho rằng mọi người có quyền đăng tải bất cứ thứ gì họ muốn lên mạng xã hội vì đây là quyền tự do. Theo Luca, trường Harvard không nên can thiệp quá sâu bởi những hội kín trên là quyền tự do cá nhân.
Dẫu vậy, cô vãn đồng tình với quyết định mới đây của Harvard bởi những nội dung dung tục mà các nhóm kín đăng tải.
Trong khi đó, ZHang hoàn toàn đồng ý với quyết định của văn phòng tuyển sinh trường Harvard.
“Tôi đánh giá cao tính hài hước trong các hội kín nhưng có nhiều chủ đề mà bạn không thể nói đùa. Tôi tôn trọng quyết định của văn phòng tuyển sinh bởi những đoạn chat trên phản ánh phần nào tính cách thực sự của sinh viên”, Zhang nói.
Đây là lần thứ 2 trường Harvard xử lý nặng tay với những trường hợp mà các sinh viên trao đổi các tin nhắn có nội dung dung tục.
Năm 2016, một số sinh viên được nhận vào học Harvard niên khóa 2020 đã có những tin nhắn trao đổi nói về phân biệt chủng tộc cũng như xúc phạm phái nữ. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, trường học đã lên án hành động này trên trang Facebook công khai của nhóm học sinh nhập học năm 2020.
Dẫu vậy, văn phòng tuyển sinh không kỷ luật và hủy tư cách nhập học của những sinh viên niên khóa 2020 ngay lập tức.
Trong số 40.000 đơn nộp học cho niên khóa 2021, trường Harvard chỉ nhận 2.056 sinh viên, tương đương 5,2%.
BT