Hành trình tìm kiếm tình yêu suốt nửa thế kỷ của người cựu binh Mỹ
Thời Đại Online xin được chuyển ngữ từ bài viết gốc trên trang Washington Post gửi tới bạn đọc.
Chuyện tình thời chiến...
TP. HCM, Việt Nam.
Các cô gái tíu tít ở vỉa hè quán bar, mời mọc nam du khách vào vui chơi và uống rượu.
Trong quán Cà-phê Đà Lạt cạnh đó, Jim Reischl – một cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam bình thản quan sát, rồi nhấp cốc bia lạnh đã ướt đẫm hơi nước. Có vẻ khó tin, nhưng hơn 4 thập kỷ trước, một đêm giống như đêm hôm nay đã thay đổi cuộc đời Reischl mãi mãi…
Khi ấy, Reischl mới 21 tuổi, là trung sĩ của lực lượng không quân đến từ St. Joseph, bang Minnesota, Hoa Kỳ. Đồng đội của anh, một “trai tân” có mặt tại Việt Nam trước Reischl 3 tháng cuối cùng đã thuyết phục được chàng trung sĩ trẻ tuổi vào nội đô Sài Gòn vui chơi.
Đêm hôm ấy, anh đã gặp cô gái làm việc ở quầy bar tên là Linh Hoa và mời cô một tách trà. Linh Hoa là nhân viên phục vụ ở quán bar, và đang bập bẹ tiếng Anh. Cô gái có mái tóc dài buông xõa sau lưng lập tức khiến Reischl “đổ gục”.
Bức ảnh duy nhất của Jim Reischl và bạn gái người Việt chụp trước khi Reischl về nước. (Ảnh: CBS)
Ngày 4/7/1970, Reischl kết thúc thời hạn nghĩa vụ quân sự và trở lại Hoa Kỳ. Trước khi người yêu lên tàu rời khỏi Việt Nam, Linh Hoa đã nói với Reischl những lời mà ông không thể nào quên. "Cô ấy nói rằng mình đã có bầu”, Reischl nhớ lại. “Cô ấy nói với tôi sự thật ư? Tôi không biết! Khoảnh khắc ấy, cô nói rằng cô muốn trở về nước Mỹ với tôi” - ông kể tiếp.
Trớ trêu thay, lúc ấy Reischl đã không tin Linh Hoa. Anh lính nghĩ rằng cô gái Việt Nam đã cố gắng “gài bẫy” để anh đưa cô đến Hoa Kỳ, giống như những gì mà huấn luyện viên quân sự vẫn cảnh báo. Rồi 45 năm qua đi, sau 2 cuộc hôn nhân thất bại và những vấn đề sức khỏe liên quan tới chất độc da cam, Reischl không thể ngừng suy nghĩ về những lời Linh Hoa đã nói. Ông chia sẻ: “Tôi muốn cô ấy nói cho tôi biết là chúng tôi có con thật hay không. Đó là những gì tôi đang chờ đợi”...
Hành trình tìm kiếm tình yêu
Năm 2011, sau khi đi qua gần hết cuộc đời, Reischl quyết định quay lại Việt Nam. Đây là chuyến đi đầu tiên trong hành trình 4 lần mang theo hy vọng sẽ tìm được cô gái năm nào của người cựu binh. Một nhóm tình nguyện đã tìm phiên dịch viên cho Reischl và giúp ông đặt quảng cáo tìm kiếm Linh Hoa trên các tờ báo địa phương. Thậm chí, Reischl còn nhờ cậy liệu pháp thôi miên để thử xem liệu ông có nhớ được địa chỉ mà Linh Hoa đã viết cho mình trên một tờ giấy hay không. Reischl đã ném nó đi, sau khi cô không trả lời bức thư đầu tiên của ông. Cho đến nay, mọi nỗ lực vẫn chưa có kết quả.
Ngày hôm sau, Reischl đi một chuyến xuống các khu phố nơi ông và Linh Hoa từng thuê căn hộ với giá 5 USD/tháng. Trước đây, khu phố ấy nằm trên một con đường có tên là Nguyễn Văn Thoại. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất, chính phủ Việt Nam đã thay đổi tất cả tên đường và số nhà.
Bằng hồi ức của mình, Reischl có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm xuống còn 2 tòa nhà liền kề vẫn còn ở đó. Căn hộ nơi ông và Linh Hoa chung sống biến mất theo thời gian, giống như bóng hồng mà Reischl đang mòn mỏi đợi chờ. Một người dân giúp ông nhìn bao quát xung quanh, và Reischl lần theo 4 tầng cầu thang để tìm được ban công có tầm nhìn ra phố giống như lúc xưa.
Jim Reischl băng qua căn hộ nơi ông và bạn gái cư trú khi còn ở Việt Nam. (Ảnh: Washington Post)
Đầu gối của Reischl mỏi nhừ khi ông lên tới ban công. Nhìn xuống dòng người tấp nập phía dưới, ông thổn thức: “Tôi sẽ không bao giờ ngừng tìm kiếm!”
Reischl vẫn giữ một bức ảnh từ lần cuối ông nhìn thấy Linh Hoa. Ông đã làm nhàu nó khi đi trên taxi. Trong bức ảnh, cô dựa vào lan can ban công của căn hộ xưa cũ tại con phố này, cúi xuống nhìn Reischl ra đi. Bức ảnh đã mờ dần theo năm tháng, nhưng nỗi đau thì vẫn hiện rõ mồn một.
Reischl (67 tuổi) – một chuyên viên vẽ bản đồ về hưu, không phải là người lính duy nhất đang tìm kiếm tình yêu đã mất của mình ở Việt Nam. Theo thông tin từ Brian Hjort (người đang quản lý trang web tình nguyện kết nối để các cựu binh Mỹ có cơ hội đoàn tụ với bạn gái người Việt và con cái mình), hàng chục người đã tìm đến Hjort nhờ hỗ trợ chỉ trong vài năm qua. Quỹ thời gian của họ đang cạn dần, mà hy vọng thì vẫn mong manh như ảo ảnh...
Dennis Hall – một cựu binh ở Washington đang giúp đỡ Reischl cho hay: “Chúng tôi muốn tìm ra câu trả lời. Sự thật đã ở trong bóng tối nhiều năm trời. Thật tuyệt nếu chúng tôi biết được nó trước khi qua đời”.
Dennis cũng đã mất dấu người bạn gái và một đứa con sau chiến tranh Việt Nam.
Trong suốt thời gian phục vụ chiến tranh Việt Nam, các quân nhân Mỹ đã có quan hệ tình cảm với phụ nữ địa phương. Con số trẻ em do họ sinh ra ước tính vào khoảng 100.000. Năm 1987, nhiều bé đã được di cư sang Hoa Kỳ cùng với gia đình, sau khi Quốc hội nước này thông qua những chính sách liên quan. Tuy nhiên, hàng trăm trẻ khác vẫn còn đang ở Việt Nam... |
Trọng Sang