Hành trình đẫm máu và nước mắt của nô lệ di cư gốc Phi qua Libya tới châu Âu
Tại trung tâm tuyến đường di cư ‘chết chóc’ nhất thế giới, một vài chiếc tàu cứu hộ nhỏ vẫn dũng cảm bất chấp những biến động trên vùng biển Địa Trung Hải để tìm kiếm và cứu giúp những người di cư đang chật vật tìm đường thoát khỏi châu Phi để đến châu Âu. Đối với nhiều người trong số đó, chiếc tàu cứu hộ là ánh sáng hy vọng sau những ngày tăm tối tại Libya, nơi họ bị dân địa phương giam cầm, bóc lột, ngược đãi và bạo hành tàn ác.
Vừa qua, phóng viên CNN đã đồng hành cùng con tàu của tổ chức Proactiva Open Arms (POA) trong 11 ngày để thực hiện phóng sự về những người di dân Châu Phi vừa thoát khỏi Libya.
POA là một tổ chức Phi Chính phủ (NGO) của Tây Ban Nha thực hiện sứ mệnh giúp đỡ những người di cư gặp khó khăn trên hành trình vượt biển Aegea và biển Địa Trung Hải tới châu Âu. Tính đến nay, tổ chức này đã giúp đỡ 695 người di cư từ 27 quốc gia trên toàn thế giới từ Libya – và hơn 1/3 trong số đó đã đến Ý trong tháng 12 này.
Anh Celestine Ike, 27 tuổi, người Nigeria, là một trong những người được POA giải cứu. Ike cho biết trong khoảng thời gian tổng cộng 9 tháng ở Libya, anh đã bị bắt giữ và giam cầm trong suốt 4 tháng cho đến khi một người bạn của anh ta trả đủ số tiền chuộc 2.930 USD.
"Rất nhiều người da đen đang phải chịu đày đọa ở đó," anh Ike nói. "Những người da đen như chúng tôi bị bán đi làm nô lệ."
Một nhân viên cứu hộ trao áo phao cho người di cư trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: CNN.
Sinh mạng mong manh
Ike gọi những gã bắt cóc mình là "Asma," biệt danh được nhiều người di cư từ châu Phi dùng để gọi những kẻ bắt giữ người di cư nhằm đòi tiền chuộc. Một vài người cho rằng "Asma" có thể là các thành viên thuộc các băng đảng tội phạm, phiến quân hoặc thậm chí cảnh sát Libya.
Theo lời Ike, trong thời giam bị giam cầm, anh thường xuyên bị các "Asma" đánh đập, hành hạ và thậm chí dùng súng bắn. Ike chỉ vào ngón tay bị thương do búa đập cùng vết đạn trên bàn chân và kể rằng mình đã chứng kiến rất nhiều người bỏ mạng tại nơi giam cầm, và phần lớn trong số đó là người da đen.
"Tôi thấy những người anh em của mình bị Asma giết hại dã man như người ta giết động vật," Ike nói.
Sau khi người bạn trả tiền chuộc, "Asma" đã dí súng áp giải Ike lên một chiếc xuồng nhỏ chở 113 người di cư khác. Chiếc xuồng này khởi hành từ thành phố Zuwarah của Libya, và sau 9 giờ lênh đênh trên biển, các nhân viên cứu hộ POA đã phát hiện nó đang trôi vô định vì hết sạch nhiên liệu. POA đã giải cứu nhóm này hôm 15/12 vừa qua.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), tất cả những chiếc tàu được POA giải cứu đều khởi hành từ các thành phố Sabratha, Zuwarah và Zawiya – 3 trong những điểm nóng buôn người lớn nhất nước này.
Bị giam giữ và đánh đập tàn bạo
Nhiều người trong nhóm được giải cứu cũng kể câu chuyện tương tự như Ike. Những người gốc Phi di dân đến Châu Âu thường xuyên bị dân địa phương bắt giữ, cướp bóc và bóc lột trắng trợn.
Ike nói: "Chúng tôi chẳng thể làm gì ở Libya. Nếu chúng tôi đi ngoài đường thì sẽ gặp rắc rối. Nếu chúng tôi lao động, thì những ông chủ Libya sẽ không trả thù lao cho chúng tôi. Còn nếu chúng tôi đòi tiền lương, thì họ sẽ đe dọa chúng tôi."
"Ở đây từ già, trẻ, gái, trai, tất cả đều có súng để đe dọa những người da đen như chúng tôi," Ike cho biết.
Những người di cư chờ tàu cứu hộ đến giải cứu. Ảnh: CNN.
Anh Mohammad Guray Farax Quule, 23 tuổi, người Somalia, nói rằng anh ta đã 3 lần bị giam giữ tại Kufra và Bani Walid, và tổng số tiền chuộc lên tới hơn 8.000 USD. Mohammad nói anh từng bị 10 kẻ bắt cóc ép chứng kiến chúng hiếp dâm tập thể một người phụ nữ.
Diallo Alhassane, 17 tuổi, người Guinea, kể rằng ông chủ trang trại nơi cậu bị bắt lao động trong suốt 4 tháng, có lần đã thẳng tay giết chết một người di cư, sau đó ném xác người này vào trại giam để ‘dằn mặt’ những người khác. Trên bàn chân Alhassane cũng có một vết thương do đạn bắn.
Một cuộc khảo sát do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thực hiện cho thấy đa số những người di cư vị thành niên trên tuyến đường Địa Trung Hải là nạn nhân của nạn buôn người, và phần lớn trong số đó đã bị giam giữ và chịu bạo hành ở Libya.
Sơ tán trại giam người di cư
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Ý, số người di cư gốc Phi đến Ý năm 2017 giảm xuống còn 1/3 so với năm 2016, và số tàu quân sự của Liên minh Châu Âu (EU) tại khu vực tiếp giáp với Libya cũng ít hơn so với năm ngoái. Theo POA, điều này có nghĩa là gánh nặng giải cứu người di cư ngày càng đè nặng lên những tổ chức như họ.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là EU hiện nay đang theo đuổi chiến lược hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển Libya để tăng cường khả năng quản lý hiệu quả vùng biên giới nước này. EU đã viện trợ Libya 54,6 triệu USD cho chương trình này, và Ý đã hỗ trợ đào tạo và cung cấp trang thiết bị cho phía Libya.
Nhưng chiến lược này đã bị Liên Hợp Quốc chỉ trích vì những người di cư bị chính quyền Libya chặn đường đều bị giam giữ trong các trại giam tại Libya.
Tháng 9 vừa qua, đại diện Cao ủy Nhân quyền LHQ, Zeid Ra’ad Al Hussein, tuyên bố "việc bắt giam những người di cư trong các trại giam, nơi họ bị bắt giữ và tra tấn tùy tiện, thậm chí là hãm hiếp hay chịu đựng những hành vi nghiêm trọng khác, rõ ràng là vi phạm luật quốc tế".
EU và chính quyền Libya chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Ngày 8/12, kế hoạch di tản tập trung các trại giam người di cư tại Libya của LHQ đã chính thức được khởi động, với 504 người tự nguyện hồi hương về Niger.
Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại, cho biết mục tiêu của EU là "đóng cửa các trại giam và đảm bảo chúng không tiếp tục tồn tại dưới hình thức như hiện nay nữa."
Sau cuộc gặp với các đại diện của Liên minh châu Phi, bà Mogherini lý giải số tiền viện trợ của EU cho quân đội Libya: "Một phần tiền EU viện trợ Libya dành cho việc quản lý biên giới và đất đai cả trên biển và đất liền, và một phần khác là để chính phủ Libya giải quyết những nhu cầu xã hội, phát triển, cũng như nhu cầu của công dân Libya."
Ông Al-Aref Al-Khouja, Bộ trưởng Nội vụ Libya, cho biết bộ này đang tiến hành điều tra các hành động vi phạm nhân quyền tại các trại giam người di cư.
Tình trạng ngược đãi trong các trại giam phi pháp
Theo CNN, các trại giam trái phép mọc lên như nấm tại Libya, nơi các nhóm vũ trang bắt giữ người di cư đòi tiền chuộc, nghĩa là hiện nay chưa rõ bao nhiêu người đang bị giam giữ trong các trại này.
Chị Suzanne Ebudou, 25 tuổi, người Cameroon, nói rằng chị đã bị bắt giữ và giam cầm để đổi lấy tiền chuộc ngay khi vừa đặt chân đến Libya 9 tháng trước. Theo lời Suzanne, sau khi khoản tiền chuộc 735 USD được trả, chị được đưa đến một nơi được cho là trại tị nạn.
"Nhưng tôi không tin đó là trại tị nạn thật, bởi những người ở đó bị đối xử tàn tệ. Chúng tôi phải ngủ trên sàn đất, và những người phụ nữ thường xuyên bị cưỡng hiếp," Suzanne kể lại.
Theo Suzanne, chị và 9 người phụ nữ Cameroon khác trong phòng phải khóa chặt cửa để chống lại tình trạng cưỡng hiếp. Nhưng sau đó, Suzanne nói, những tên lính canh bắt đầu bỏ thuốc vào đồ ăn của họ.
"Ngay sau bữa tối, chúng tôi liền thiếp đi, thế là bọn lính canh sẽ đến bắt chúng tôi đi, và sáng hôm sau chúng tôi tỉnh dậy trên giường của bọn chúng. Sau khi thỏa mãn, chúng lại đưa chúng tôi trở về phòng giam," Suzanne nói.
Cơn ác mộng kết thúc
Những người sống sót trong các trại giam và được đưa ra biển trên những chiếc tàu chật kín người đầy hiểm nguy. Họ phải chờ đợi các tàu châu Âu giải cứu.
Hai thiếu niên Ai Cập di cư cùng gia đình nói rằng các em đã sử dụng một ứng dụng di động mang tên "Marine Traffic" (Giao thông biển) để theo dõi tín hiệu của tổ chức POA sau khi những gã buôn lậu đẩy tàu của các em xuống biển.
Nhân viên POA giúp Mohammad Guray Farax Quule (giữa) lên thuyền. Ảnh: CNN
Anh Jorge Pacheco, hoa tiêu tàu tốc hành POA, thực hiện đến 11 cuộc giải cứu mỗi tuần, cho biết: "Đây quả là công việc gian khổ, nhưng nếu chúng tôi không giúp đỡ thì họ sẽ chết."
Đối với những người di cư, việc gặp tàu cứu hộ là kết thúc cho cơn ác mộng và là hy vọng cho tương lai. Khi Ike đặt chân lên chiếc tàu cứu hộ đảm bảo cho anh con đường an toàn đến Ý, anh đã nói: "Tôi thực sự rất mừng, hôm nay là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi, vì tôi được trở lại làm người tự do."
"Tôi tin rằng nếu Chúa đã giúp tôi trên cả quãng đường từ Nigeria tới Libya, và sống sót sau tất cả mọi chuyện ở Libya, thì Ngài cũng sẽ tiếp tục nâng đỡ khi tôi đến châu Âu," Ike tràn đầy hy vọng.
Hồng Anh