Hành trình 3.260 km của người săn rác khắp bờ biển Việt Nam
Việt Nam thuộc top 4 quốc gia trên thế giới về ô nhiễm biển. Trên toàn cầu có 8,3 tỷ tấn nhựa do con người làm ra thì 6,3 tỷ tấn là rác. Ngoài ra còn có 150 triệu tấn rác khác đang nằm dưới lòng đại dương, trọng lượng bằng 1/5 số cá ở đó (bao gồm chai nhựa, túi nylon...).
Dự báo đến 2050 trọng lượng rác thải nhựa và cá trong đại dương là bằng nhau. Rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe con người.
Con số trên được kết luận bởi nhóm các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Australia do Jenna Jambeck, kỹ sư môi trường tại Đại học Georgia, phân tích. Họ phát hiện rằng Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines về số lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển. 5 nước đứng đầu chiếm 60% đến 65% lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương.
Rác thải nhựa đang trở thành mối nguy hại to lớn, mối đe dọa hàng đầu của trái đất và nhân loại. Với các loại túi nylon ở bãi biển do ảnh hưởng của tia cực tím, ánh nắng biến chúng thành những hạt vi nhựa (microplastics). Hạt vi nhựa cũng có trong những sản phẩm chăm sóc sức khỏe như sữa rửa mặt, mỹ phẩm, kem đánh răng... Hải sản bị nhiễm độc từ nhựa trôi nổi trong đại dương, chính xác hơn từ vi nhựa.
Vi nhựa là những mảnh nhựa có kích thước siêu nhỏ như hạt muối. Khi động vật biển nuốt chúng, chất độc sẽ di chuyển vào cơ thể, tích tụ qua các tầng thức ăn, cá lớn ăn cá nhỏ và cuối cùng có mặt trên đĩa thức ăn của con người. Không những vậy, người ta còn tìm thấy vi nhựa trong nhiều thực phẩm khác như muối biển, nước mưa và mật ong...
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong nước máy và thực phẩm của con người trên khắp thế giới. Báo cáo cũng cho biết hiện có hơn 600 loài sống ở biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. 15% các loài bị vướng hay nuốt phải rác thải nhựa có nguy cơ tuyệt chủng.
Điều đáng báo động là đến năm 2050, 99% các loài sẽ bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. Độc tố từ nhựa nhiễm vào mô mỡ của các loài động vật mà con người ăn hàng ngày.
Bắt đầu cuộc hành trình
Việt Nam là quốc có đường bờ biển dài, biển có vai trò quan trọng đối với kinh tế, quân sự, môi trường, văn hoá... của đất nước. Là một nhà nhiếp ảnh, đã đi nhiều và đã đặt chân tới tất cả tỉnh, thành ven biển Tổ quốc, tôi nhận thấy môi trường nói chung và biển Việt Nam nói riêng đang bị tàn phá nghiêm trọng với tốc độ rất nhanh do nhiều nguyên nhân.
Một trong những nguyên nhân đó là nhận thức và sự gìn giữ của nhiều người về môi trường biển còn hạn chế. Đặc biệt rác thải nhựa đã trở thành mối nguy hại của toàn cầu và nhiều quốc gia trên thế giới.
Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé từ khả năng, chuyên môn của mình vào việc ghi nhận những điều đang xảy ra dọc các bờ biển Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. Từ đó tôi hy vọng có thể lý giải phần nào đó nguyên nhân và giúp các nhà chuyên môn đưa ra được giải pháp ngắn và dài hạn. Tất nhiên, sự thay đổi trong nhận thức và hành động của nhiều người sẽ không thể có được ngay lập tức, nhưng họ có thể thay đổi hành vi của mình ngay từ bây giờ.
Chuyến đi thông qua các hình ảnh thu thập với thông điệp mạnh mẽ, nhấn mạnh đến 3R trong việc sử dụng rác thải nhựa: Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế).
Tháng 8/2018 là thời điểm tôi bắt đầu cuộc hành trình. Do vị trí xuất phát từ Hà Nội tôi đã quyết định chia là 2 chặng cho thuận đường. Từ tháng đầu tháng 8 sáng tháng 9 tôi đi từ thủ đô tới Ninh Bình và từ đó bám theo đường bờ biển vào đất mũi Cà Mau. Sau đó, tôi lại bám dọc biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia rồi quay lại TP.HCM và gửi xe đi máy bay trở ra Hà Nội.
Trong tháng 12/2018, tôi đi tiếp từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng (qua đảo Cát Bà) và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc.
Hành trình dọc bờ biển săn rác của nhiếp ảnh gia Hùng Lekima.
Tôi chuẩn bị một chiếc xe máy đèo sau ba chiếc thùng gồm chủ yếu vật dụng cá nhân và đồ nghề máy ảnh. Do đi xe máy và vào địa hình phức tạp, có thể gặp mưa gió dễ ngã tôi đã phải dùng hộp đựng đồ nghề chụp ảnh chuyên dụng, loại có khả năng chống va đập và chống nước. Kèm theo là flycam, máy quay chụp dưới nước nhỏ xinh (GoPro), đèn và các dụng cụ cần thiết khác.
Cũng do di chuyển xe máy nên ngoài áo bảo hộ, tôi vẫn dùng các bảo hộ cho chân, hơi nóng và vướng nhưng vì sự an toàn. Quần áo tôi chuẩn bị sẵn cho 7 ngày có thể giặt một lần. Đường đi nhiều đoạn khó khăn và di chuyển cả trên cát nên ngoài đèn pin, túi sơ cứu tôi còn chuẩn bị một chiếc còi luôn đeo trên cổ, nếu không may bị làm sao có thể dùng nó cho đỡ mất sức khi phải kêu cứu.
Cảm giác thật khó tả, bao điều đang chờ đợi ở phía trước, bao thềm nắng lá rơi đầy sau lưng... Ngày đầu gặp chút lo lắng khi gặp một số vụ tai nạn giao thông trên đường nhưng chỉ khi tôi chợt nhận ra số ngày con người được sống trên đời không phải được đếm bằng thời gian trôi qua mỗi ngày, tôi bỗng có động lực thật lớn lao.
Bộ đồ nghề máy ảnh chuyên nghiệp theo người suốt hành trình dọc bờ biển Nam Bắc.
Cung đường đáng sợ nhất
Một thân một mình trên hành trình, tôi cũng gặp những nỗi sợ hãi. Có lần hai bên “gầm ghè” chờ đợi nhau ở bờ biển hoang vắng khi bên kia là một người lái xe tải định đổ rác ra biển, còn mình lăm lăm đồ nghề để quay, chụp. Cũng có lần tôi không dám đi tiếp buổi chiều tối vì đường ven biển hoang vắng. Rồi cùng có lần chập tối phải quay lại vì mưa rất to và tầm nhìn chỉ được 2-3 mét.
Tôi đã qua hơn 100 cửa sông, nhiều kênh ngòi, lúc đi phà, lúc ngồi đò. Đôi khi phải cho xe máy lên chiếc thuyền khác để kéo sang bờ sông bên kia.
Vượt sông Mã ở Thanh Hóa.
Trong suốt hành trình một tháng rưỡi đó, tôi chưa hề nhìn thấy một vụ tai nạn nào trên các đường ven biển, liên xã, liên huyện... nhưng đã gặp 3 vụ ở quốc lộ, thậm chí có cả người chết ngay trước mặt. Đoạn đường mà tôi cảm giác sợ hãi nhất là từ Phan Rang đi Cà Ná. Đổ xăng lúc 18h tối, anh nhân viên dặn tôi cần khẩn trương đi sớm bởi nơi này hỏng xe, thủng lốp là rất mệt.
Không ngờ trời tối nhanh, cơn dông chuẩn bị ập đến, bầu trời đen vần vũ như xà xuống mặt đường. Tôi chỉ gặp đúng hai chiếc xe đi ngược chiều, không có xe nào đi cùng chiều với mình. Người ta bảo "Gió như Phan, nắng như Rang" cũng đúng. Gió thổi xe nghiêng ngả, không theo một chiều nào cả. Vật bên này, thốc bên kia, có đôi khi đẩy cả xe từ lề đường bên này sang phía kia. Vách núi sững sừng bên này, bờ biển đen âm u bên kia, ở dưới là vực sâu. Con đường sao mà dài đằng đẵng ở phía trước. Tôi cứ đi mãi, đi mãi...
Cách Cà Ná khoảng hơn chục km thì thấy ánh sáng lập lòe xa xa, thoắt ẩn, thoắt hiện, tiếng gió rít rùng rơn, bầu trời âm u, nghĩ lại mà kinh, đầu liên tục xuất hiện các câu hỏi. Đèn gì được nhỉ? Ánh sáng từ đâu?...
Tới nơi, tôi mới thấy có một người đàn ông đi xe đạp xiêu vẹo trong gió, cầm cái đèn pin rọi xuống đường. Ánh đèn như bị gió thổi không thể đứng im, văng chỗ này chỗ khác. Phóng qua anh này thì tôi suýt đâm vào một con bò (chắc anh này chăn bò). Rồi trời bắt đầu lắc rắc mưa nhẹ, tôi cũng không dừng lại mặc áo mưa nữa bởi đường vắng, không may có kẻ xấu nào đi đằng sau đuổi kịp thì khó có thể ứng phó. Bầu trời, khung cảnh như trong phim kinh dị.
Chỉ đến khi nhìn thấy ánh đèn đô thị phía xa, tôi mừng hơn cả địa chủ được mùa. Tôi hoảng đến mức chả có tâm trí đâu mà chụp ảnh với quay video.
Chợ hải sản - nguồn xả rác thải nhựa kinh hoàng
Trên đường đi, lần đầu tiên trong hành trình tôi ngỡ mình đến một nơi không tồn tại trong thực tế khi ở khu chợ thuộc xã Chí Công (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), có hàng km rác thải trong đó chủ yếu là nhựa.
Đi bộ trên bờ biển này mà chân nhiều khi thụt sâu trong rác thải là nylon. Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề đánh bắt, khai thác và chế biển hải sản.
Biển rác thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Ngư dân phơi hải sản ngay gần khu vực ngập rác ở Cần Giờ, TP.HCM.
Con kênh đầy rác ở trung tâm huyện Bình Đại, Bến Tre.
Bình Đại là một trong ba huyện tại Bến Tre nằm gần biển. Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần trung bình của thế giới. Đối với một nước có bờ biển dài như vậy, việc khai thác thủy - hải sản được coi là một ngành có nhiều lợi thế, Người dân sinh sống ven biển chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.
Có nhiều chợ hải sản được cấp phép hoặc các chợ to, nhỏ tự phát cạnh bờ biển. Ở đó túi nylon và đồ dùng bằng nhựa được sử dụng phổ biến bởi giá rẻ, bền và nhẹ. Số lượng thủy hải sản tại đây giao dịch mỗi ngày rất lớn, thói quen vứt rác bừa bãi cũng xuất hiện chủ yếu ở các chợ hải sản dọc bờ biển.
Nếu như năm 2004, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản là 2,35 tỷ USD, chiếm khoảng 1/10 tổng giá trị xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế thì đến năm 2016, con số này lên tới 7 tỷ USD, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 6,7 triệu tấn, so với năm 2015, tổng sản lượng tăng 2,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 6,5%. Đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển được dự báo đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.
Bờ phía xa bên kia của sông Thu Bồn (Hội An) và dọc xuống phía dưới ra cửa biển là địa phận của xã Duy Nam và Duy Hải thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).
Một chú nhóc vượt qua bãi biển đầy rác để mang đồ lên thuyền ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Buổi tối ở đây có những chú chuột cống to kinh hoàng, chúng kiếm ăn quanh đống rác khiến người cũng phải sợ chứ đừng nói mèo hay chó.
Chợ hải sản ở Diêm Điền, Thái Thụy (Thái Bình).
Cảng cá Lạch Bạng nằm giữa hai xã Hải Bình và Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) ô nhiễm nặng.
Nơi không thùng rác, dân xả thẳng ra biển
Tôi ghé qua xã Bình Châu nơi có cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn nổi tiếng của Quảng Ngãi. Ở đây, rác đầy đường, còn người dân thì hồn nhiên xả rác ra cửa biển. Một con đê dọc sông chuẩn bị đổ ra biển cũng toàn rác và rác.
Khi được hỏi tại sao không để rác vào thùng, người dân cho biết thùng rác duy nhất chỉ có ở cảng Sa Kỳ. Cửa biển chính là bãi đổ rác của họ.
Câu nói đó làm tôi tò mò đi khắp xã. Ở đây, các biển hiệu tuyên truyền vì môi trường rất nhiều nhưng tuyệt nhiên không thấy một thùng rác nào. Thậm chí có người phụ nữ còn khuyên tôi đừng mất công, không có đâu mà đi tìm.
Những con hải âu có thể được tha thứ vì đã cho chim non ăn phải rác thải nhưa, bởi chúng nghĩ đó chỉ là vật ban tặng bổ dưỡng đến từ biển cả. Những chú rùa cũng mắc lỗi tương tự, tưởng rằng các túi nylon đang nổi bồng bềnh là con sứa ngon lành. Hậu quả là ruột những chú chim và rùa này bị lấp kín bởi rác thải khó tiêu của con người. Những chú rùa đen đủi còn bị cắm ống hút nhựa vào lỗ mũi mà không làm sao rút ra được. Nhiều loài sống ở biển chết vì tắc nghẽn tiêu hóa hoặc thiếu dinh dưỡng.
Tôi tự hỏi chúng ta biếu tặng ông bà, cha mẹ, người thân, chăm chút con cái từ bao đặc sản biển nhưng cũng đâu biết rằng trong đó có bao chất độc hại mà chúng ta ăn phải trong rác của chính con người vứt ra.
Nhưng liệu chúng ta có được tha thứ hay không? Chúng ta tạo ra nhựa, sản xuất và tiêu thụ hơn 300 triệu tấn mỗi năm, sau đó vứt bỏ một cách lãng phí, vứt vô tội vào đại dương, nơi nuôi sống con người.
Để quay và chụp được những cảnh này tôi đã để chiếc máy ảnh ngang bụng, ngắm sẵn nhưng quay mặt nhìn ra nơi khác. Trong video mà tôi quay có hình ảnh người phụ nữ đi đổ rác và nhìn tôi xong rồi mới đổ rác. Nhiều người hoàn toàn nhận thức được vấn đề nhưng họ mặc kệ. Việc thu gom và quản lý của nhiều địa phương vẫn còn bất cập cũng là nguyên nhân gây nên nhiều hệ lụy.
Dân số và chuyện quy hoạch
Xã Nhơn Hải là một khu du lịch thuộc TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Dân cư nơi đây đông đúc và bờ biển nhiều rác thải vật liệu xây dựng lẫn rác thải nhựa
Nhìn từ trên cao Nhơn Hải trông có vẻ đẹp với làn nước biển màu xanh ngọc nhưng ở dưới rác ngập tràn.
Rác trôi bồng bềnh trên biển là thứ tôi có thể gặp ở rất nhiều nơi khi đi dọc Việt Nam.
Trên một diện tích như vậy, nhiều hộ gia đình hiện có 2-4 thế hệ cùng chung sống. Tôi đã đi qua rất nhiêu khu dân cư đông đúc gần bờ biển, có xã còn không có đất làm nông nghiệp, có xã không có đất làm nghĩa trang, các kênh nước thải cũng trực tiếp đổ ra biển.
Sự bùng nổ dân số và thiếu quy hoạch cũng dẫn đến việc rác thải nhựa dễ dàng bị đổ ra đại dương
Cảnh xử lý rác trên các hòn đảo
Việt Nam có hơn 3.260 km bờ biển với trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Việc vận chuyển rác vào bờ thường khó khăn và tốn kém. Do đó rác trên các hòn đảo thường được xử lý tại chỗ. Rất nhiều hòn đảo có cư dân sinh sống hay để khai thác du lịch thường chỉ dùng cách chôn và đốt rác.
Cũng rất ít đảo có lò đốt rác như đảo Bình Ba (Khánh Hòa). Ông Nguyễn Lương, người phụ trách lò đốt rác ở đảo, cho biết ở đây không phân loại rác khi gom về, lò hơi nhỏ so với số rác thu gom hàng ngày nên họ vẫn làm theo cách cũ là chôn và đốt rác như khi chưa có lò đốt.
Rác trên đảo Bình Ba (Khánh Hòa).
Xã đảo Tam Hải, Núi Thành (Quảng Nam) không có nơi xử lý rác.
Tận cùng biển, nơi giáp Campuchia
Khi đến bờ biển Việt Nam cuối cùng, nơi giáp Campuchia tôi gặp hai gia đình người Việt sống ở bờ biển này. Khoảng 100 m nữa qua rừng mắm là đặt chân tới biển Campuchia. Anh Chau Đen cho tôi biết đã ở đây từ khi chào đời, cả gia đình sống bằng nghề biển. Khó khăn nhất là kiếm nguồn nước ngọt. "Các sĩ quan biên phòng bảo cho nước mà tôi không có tiền để nối ống sang lấy", anh nói.
Cứ đi và gặp gỡ để rồi thấy mình vẫn là người may mắn. Sinh ra trên đời đã là hạnh phúc. Trên suốt hành trình tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ thật khó quên. Tôi nhớ những người dân dẫn đến những quán ăn ngon, chọn giúp nhà nghỉ hay thậm chí trả hộ tiền phà và mời về nhà nghỉ. Nhiều anh chị em giúp đỡ "kẻ đi săn rác" cả vật chất lẫn tinh thần.
Gia đình người Việt sống ở nơi tận cùng bờ biển, giáp Campuchia.
Những người nhặt rác thải nhựa
Bà Vân giặt túi nylon còn lành lặn để tái sử dụng.
Đến cảng cá ở cửa sông Ninh Cơ (Nam Định) đổ ra biển, tôi bắt gặp bà Nguyễn Thị Vận mang các túi nylon ra giặt. Bà bảo nhà nghèo lắm nên phải tận dụng mọi thứ, trong đó có túi nylon. Trầm giọng lại, người phụ nữ 75 tuổi kể không làm được việc nặng để kiếm tiền, gia đình có 3 con, 2 cô con gái lấy chồng xa, bà ở với cậu con trai út. Hàng ngày bà Vân đi nhặt ve chai bán mưu sinh, thỉnh thoảng tàu thuyền về cảng, bà lại ra xin cá về ăn, hoặc bán kiếm thêm chút thu nhập.
Bà giặt túi nylon còn lành lặn để sử dụng lại, không phải mua, dùng để đựng cá. Đi theo cả buổi sáng, tôi thấy bà Vân xin được mấy con cá, có những con hơn 1 kg. Đó là lúc những niềm vui hiện lên trong ánh mắt của người phụ nữ. Bà bảo cá hơn 1 kg này có thể bán được 25.000 đồng.
"Em có biết không? Người ta vứt mọi thứ vào thùng rác, kể cả thuốc trừ sâu hay một con vật bị chết", một phụ nữ ở Thái Bình nói.
Sau gần một tháng rưỡi thời gian di chuyển bằng xe máy trọn vẹn bờ biển, tôi bắt đầu đi bộ vài km trên cát đến điểm tận cùng địa đầu biển của Tổ quốc. Nơi chấm đầu tiên vẽ chữ S để khám phá xung quanh mũi Sa Vĩ. Cảm giác thật khó tả, hào sảng và sung sướng, rưng rưng và tự hào, quên đi cả mưa, lạnh giá.
Đây cũng chính là nơi đặt bút chấm đầu tiên để vẽ hình chữ S trên bản đồ Việt Nam và là nơi đón mặt trời đầu tiền ở miền Bắc với cột mốc 1378 - cột mốc cuối cùng biên giới với Trung Quốc (cột mốc đầu ở Apachai). Ở đây có tấm biển hình lá cây dương và cột mốc một mặt có ghi Tràng Vĩ 0 km, mặt kia đề từ Trà Cổ đến Mũi Cà Mau 3.260 km.
Hành trình "săn rác" cho tôi rút ra được rất nhiều điều trên xã hội, là sự mở đầu cho dự án chụp ảnh rác thải nhựa của tôi. Tôi sẽ còn đi nữa. Chuyến đi cũng làm tôi nhận ra chính bạn chứ không ai khác sẽ là người đưa bạn tới nơi bạn muốn.
Khi bạn thấy khó khăn, thực ra đó chỉ là do nỗi sợ hãi đã lớn hơn mong ước của bạn mà thôi. Mỗi việc bạn làm để làm sạch và bảo vệ đại dương hôm nay có thể chỉ là giọt nước giữa biển cả bao la nhưng đại dương sẽ ít đi khi thiếu những giọt nước ấy.