Hành trình 23 năm tìm hài cốt quân nhân Mỹ ở Việt Nam
Ron Ward (ngoài cùng, bên phải) cùng các nhân chứng trong chuyến tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ tại Lào. (Ảnh: NVCC)
Ron Ward là chuyên gia Xử lý Thương vong thuộc phân đội 2 (DET 2), Bộ chỉ huy Hỗn hợp Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích trong chiến tranh của Mỹ (JPAC). Ông là một trong những người đóng vai trò kiến tạo chương trình Tìm kiếm Tù binh và Người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) ở Việt Nam, cầu nối dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cách đây 20 năm.
Ron được cử sang Việt Nam vào năm 1992, sau khi hai nước nhất trí mở văn phòng của chính phủ Mỹ ở Hà Nội để tăng cường giải quyết các vấn đề về quân nhân mất tích trong chiến tranh.
Khi đó, ông đang là một thượng sĩ quân đội. Nhờ lợi thế học tiếng Việt từ những năm 1980, Ron được giao nhiệm vụ vừa phiên dịch vừa điều tra, phân tích các trường hợp người Mỹ mất tích cùng quan chức Việt Nam.
"Đây là một công việc rất có ý nghĩa không chỉ với gia đình những người mất tích mà cả với những người đang phục vụ trong quân đội. Tôi cũng là một cựu chiến binh. Chương trình này cho tôi thấy rằng đất nước không bỏ rơi mình và các đồng đội trên chiến trường", ông nói.
Lên rừng xuống biển
Suốt hơn hai thập kỷ làm công việc nhân đạo, Ron và nhóm tìm kiếm hỗn hợp của hai nước Việt - Mỹ phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Lần theo những thông tin về thời gian, địa điểm của các trường hợp mất tích, họ tìm đến hiện trường ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam, sang tận Lào và Campuchia.
Địa hình hiểm trở và điều kiện thời tiết khắc nghiệt không còn là điều gì xa lạ. Có những ngày Ron và các đồng nghiệp phải leo núi 8 tiếng mới đến được nơi.
Những mệt mỏi và vất vả như tan biến khi họ khai quật được hài cốt và trao trả cho thân nhân người quá cố. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào của họ cũng thành công. Nhiều trường hợp lính Mỹ mất tích đã 40 - 50 năm, thông tin phục vụ việc tìm kiếm rất hiếm hoi, hiện trường đã thay đổi nhiều, trong khi đó các nhân chứng cũng cạn kiệt dần. Những nhân chứng còn sống đều đã cao tuổi và trí nhớ không còn tốt.
Tìm kiếm trên đất liền đã khó, tìm kiếm ở dưới biển càng phức tạp hơn. Ron cho hay ở ngoài khơi Việt Nam có rất nhiều máy bay Mỹ rơi và nhiều người mất tích, tuy nhiên, điều kiện và công nghệ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu tìm kiếm. Trong khi mỗi năm có 25-30 trường hợp hài cốt quân nhân Mỹ được tìm thấy trên đất liền thì Văn phòng MIA chỉ tiến hành một hoặc hai cuộc khai quật trên biển, dựa theo những lời kể của các ngư dân và cựu chiến binh.
Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam cũng đang thử nghiệm dùng tàu hải quân Mỹ với hệ thống siêu âm hiện đại để dò tìm các máy bay rơi ở vùng biển xa bờ. Sau hai cuộc dò tìm năm 2009 và 2011, Ron và các đồng nghiệp bước đầu đã phát hiện một số vật khả nghi dưới nước. Tuy nhiên, tiến độ của công việc này vẫn diễn ra khá chậm.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục khai quật những vị trí đã phát hiện. Những tôi cũng xin nói rằng đây là một nỗ lực vất vả và tốn kém về cả hậu cần, tài chính và nhân sự", ông nói.
Ron Ward trong một chuyến đi tìm hài cốt binh lính Mỹ. (Ảnh: NVCC)
Một trong những chuyến đi mà ông nhớ nhất là chuyến điều tra hiện trường cùng một đội hỗn hợp gồm các thành viên của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an Việt Nam và những thành viên của văn phòng MIA ở tỉnh Bình Dương.
Họ đi tìm hai binh lính Mỹ bị bỏ lại ở chiến trường gần khu vực suối Ông Thành, huyện Chơn Thành, sau khi cả tiểu đoàn bị thương nặng trong trận chiến với sư đoàn 9 của quân đội Việt Nam năm 1968.
Ngày xưa, nơi đây là một cánh rừng tự nhiên, còn bây giờ nó đã trở thành đồn điền cao su. Hiện trường chôn cất hai người lính đã hoàn toàn bị xáo trộn và các nhân chứng cũng không còn nhận ra được chiến trường cũ của họ nữa. Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu và điều tra bất thành, Ron và các đồng nghiệp đành kết thúc cuộc tìm kiếm.
"Tôi rất xúc động vì những đồng hương của tôi không được về với gia đình. Tôi đến gần một nơi mà tôi cho là nơi chôn cất họ và nói: 'Tôi đã đến đây để tìm các anh. Tôi xin lỗi vì không thể đưa các anh về được'", ông kể. "Đó là lần cuối cùng chúng tôi điều tra trường hợp này".
Những kỷ niệm buồn như thế không hề thiếu trong các chuyến hành trình của Ron, thế nhưng ông không cho phép cảm xúc làm ảnh hưởng đến quyết tâm tìm kiếm MIA của mình.
"Đọc hồ sơ của các lính Mỹ, tôi cảm thấy rằng mình cũng biết họ. Tôi biết họ ở tiểu bang nào, bao nhiêu tuổi, họ có vai trò gì trong đơn vị, khuôn mặt họ ra sao, tôi cũng biết họ chết như thế nào. Tôi thấy trách nhiệm của tôi là đi tìm những người này", Ron nói.
Thiện chí của Việt Nam
Theo ông Ron, sau khi ký kết Hiệp định Paris, giới chức Mỹ và Việt Nam đã nhắc đến vấn đề MIA nhưng chưa sẵn sàng hợp tác.
"Khi bắt đầu chương trình ở quy mô lớn vào năm 1992, hai nước cũng chưa hoàn toàn hiểu nhau. Nhưng vì bản chất của công việc này hoàn toàn là nhân đạo nên dễ dàng nhận được sự thông cảm của mọi người", Ron cho hay. "Chúng tôi bắt đầu từng bước, ở từng tỉnh một, từng trường hợp một. Trong quá trình đó, chúng tôi đã hiểu nhau hơn".
Thành công trong những cuộc tìm kiếm của Ron không thể thiếu sự hợp tác của các thành viên Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam (VNOSMP), các cán bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Có những người từng làm việc với ông từ năm 1992.
Nhờ được giải thích và tuyên truyền, sau một vài năm đầu, người dân Việt Nam cũng ngày càng hiểu biết và ủng hộ văn phòng MIA. Lòng nhiệt tình của họ đối với công việc nhân đạo này là một trong những nguồn sức mạnh to lớn giúp Ron tiếp tục những chuyến đi.
"Những cựu chiến binh Việt Nam kể lại những vụ việc họ đã chứng kiến trong chiến tranh. Họ và quân đội Mỹ từng là kẻ thù, nhưng sau chiến tranh, họ sẵn sàng hợp tác", Ron cho biết. "Ở mỗi hiện trường cũng có nhiều nhân công địa phương giúp chúng tôi khai quật".
Ron Ward phát biểu tại Hội nghị thường niên của Liên hiệp các gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
"Thiện chí của Việt Nam tất nhiên xuất phát từ chính phủ, nhưng thực sự nó cũng xuất phát từ nhân dân. Nếu không có sự ủng hộ của người dân và các cựu chiến binh Việt Nam thì công việc này sẽ không thể diễn ra", ông nhấn mạnh. "Ngày hôm nay, chúng ta đã có một sự hợp tác rất tuyệt vời, rất rất tuyệt vời".
Hàng năm, Ron vẫn về Mỹ tham dự cuộc họp của Liên hiệp các gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Tại đây, ông thông báo cho họ tình hình tìm kiếm MIA và sự hỗ trợ của chính phủ cũng như người dân Việt Nam.
"Những người nhận được hài cốt của thân nhân sau nhiều năm mất tích ở Việt Nam đều rất xúc động và biết ơn", Ron nói. "Có những trường hợp, chúng tôi không tìm được hài cốt nhưng thông báo cho người thân hoàn cảnh ra đi của binh lính Mỹ. Đó cũng là một thông tin rất quý báu đối với họ. Họ biết rằng Việt Nam đã và đang tạo điều kiện để Mỹ thực hiện nhiệm vụ này".
Giải quyết vấn đề MIA là một trong những yếu tố thúc đẩy Việt - Mỹ bắt đầu mối quan hệ ngoại giao rõ ràng vào năm 1995. Do đó, không thể phủ nhận vai trò to lớn của chương trình đối với quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, dù có bối cảnh ra đời mang tính chính trị, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích vẫn thực sự là công việc nhân đạo.
"23 năm qua, bản thân tôi cũng không làm công việc này vì chính trị chút nào. Thứ nhất là vì những người tôi đang tìm. Thứ hai, là vì các gia đình. Trong quan điểm của tôi, công việc này, nhiệm vụ này, hoàn toàn là một việc nhân đạo", ông khẳng định.
Cho đến nay, khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển lên một tầm cao mới, MIA vẫn là một yếu tố quan trọng. Bản chất nhân đạo của nó hài hòa và bổ trợ cho quan hệ chính trị giữa hai nước, Ron Ward nhận xét.
Duyên nợ
Ron Ward và gia đình. (Ảnh: NVCC)
Ron cho rằng việc được cử sang Việt Nam làm việc đã thực sự thay đổi cuộc sống của ông.
"Không hiểu kiếp trước tôi là người Việt Nam hay sao, vì tôi rất hiểu Việt Nam và người Việt Nam. Tôi rất có tình cảm với người Việt. Tôi cũng không biết vì lý do gì", ông nói. "Công việc rất quan trọng, song bản thân tôi cũng rất thích sống ở Việt Nam".
Ron tự hào rằng nhờ công việc ở MIA mà ông trở thành con rể Việt, có mẹ Việt và một gia đình Việt. Ông cũng tự hào vì có một người vợ hiểu và thông cảm cho những chuyến công tác xa thường xuyên của chồng.
"Vợ tôi phải chịu hy sinh một chút, nhưng cô ấy hiểu đây là việc nhân đạo và hiểu rằng tôi đang làm việc này vì những người mẹ đã mất người con ở Việt Nam", ông nói. "Con trai hai tuổi rưỡi của tôi thường hỏi: 'Bao giờ papa về, papa về với con đi'. Sau này tôi sẽ giải thích cho cháu hiểu rằng bố phải đi xa vì lý do gì".
Sau nhiều năm lên rừng xuống biển, hiện nay Ron chủ yếu giám sát các cuộc điều tra và công trình nghiên cứu liên quan đến MIA ở Hà Nội. Ông cũng cố vấn cho một số sĩ quan quân đội.
"Tôi đã có mặt ở đây và chứng kiến những ngày trước khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực và bền vững", Ron nói. "Tôi hy vọng Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ này vì một tương lai tươi đẹp cho nhân dân của cả hai nước".
Theo VnExpress