Hạnh phúc gia đình ủ men nồng đượm nhờ lối sống trách nhiệm
Tình trong gian khó
Gia đình 3 thế hệ của ông Tuấn và bà Nguyên sống trong ngôi nhà ở phố Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
60 năm nên duyên vợ chồng cũng là quãng thời gian ông và bà cùng trải qua những thăng trầm của cuộc sống gập ghềnh sóng gió.
Cùng quê Hà Tĩnh, nhưng ông ở Lộc Hà, còn bà ở Can Lộc. 2 người cha của ông bà hoạt động cách mạng cùng nhau. Vậy nên, các cụ có hẹn ước sẽ kết thông gia. Trước khi cưới, ông bà gặp nhau 5 – 7 lần.
Ông Tuấn và bà Nguyên trải qua nhiều chông gai mới có được cuộc sống yên bình
Quen nhau chừng 1 năm, năm 1955, 2 gia đình quyết định tổ chức hôn lễ cho ông Tuấn và bà Nguyên. Bà kể: “Trước hôm cưới, gia đình tôi làm cơm mời anh em họ hàng. Một phần cỗ được giành để hôm sau rước dâu sẽ mời nhà trai. Tuy nhiên, ngày cưới, cả họ nhà gái chờ đợi đến buổi chiều mà không thấy đoàn rước dâu của nhà trai. Thời đó, chiến tranh, loạn lạc nên gia đình tôi nghĩ chắc hẳn có chuyện xảy ra. Nhưng việc đi lại, liên lạc khó khăn, không thông suốt như bây giờ nên cả nhà chỉ biết chờ đợi”.
1 ngày sau hôm cưới, biến cố trọng đại xảy ra khiến gia đình bà ly tán. Là con lớn trong gia đình nên bà Nguyên phải cùng mẹ vào rừng mót củi, kéo cày thay trâu… đỡ đần mẹ nuôi các em. Bà hồi tưởng: “Lúc ấy, tôi còn trẻ dại. Gia đình lâm vào một hoàn cảnh ngặt nghèo nên bản thân cũng không nghĩ gì đến chuyện riêng của mình nữa”.
6 tháng sau ngày cưới, bà Nguyên gặp em trai ông Tuấn khi 2 người cùng mưu sinh ở chợ. Lúc ấy, bà mới biết về tình huống tương tự xảy đến với gia đình ông đúng ngày thành hôn của 2 người.
Rồi mọi biến động cũng qua. Ông được cử đi học ở Hà Nội để tham gia Đoàn quân nhạc Trung ương. Bà nhớ lại lúc 2 người gặp lại nhau: “Khi đó, tôi vẫn sống trong hang núi. Vừa đi mót củi về, mặt mũi, quần áo lấm lem. Ông ấy thì mặc bộ quân phục sang trọng, lịch sự”. Việc ông tìm đến tận nơi bà sống, không quản ngại đường xa vất vả khiến bà cảm động.
2 ông bà được tôn vinh nhân Ngày Gia đình Việt Nam 2015
Trong những ngày gian khó, với tình yêu và lòng chung thủy, ông luôn động viên bà bằng những vần thơ chất chứa yêu thương, tin tưởng vào tương lai hạnh phúc:
“Em ơi, trời đã sáng lên rồi Tình ta thắm đượm lệ ngừng rơi Tim hồng tô đỏ lời non hẹn Chung thủy trăm năm sống mãi đời!” |
Luôn đồng hành cùng nhau
Sau đó, ông bà cũng không có cơ hội làm lại đám cưới. Bà tâm sự, luôn nhớ lời người bác của mình dặn: “1 ngày cũng là nghĩa” nên bà hiểu rằng, dù đám cưới không trọn vẹn nhưng 2 người đã nên nghĩa vợ chồng.
Bố mới mất, gia đình còn khó khăn, lúc ấy ông Tuấn cũng đi học ở Hà Nội nên bà xin phép được ở nhà đỡ đần thêm cho mẹ. Rồi bà Nguyên được cử ra Hà Nội học ngành sư phạm. Đến năm 1960, 2 người mới chính thức chung sống với nhau.
Sau 60 năm chung sống, 2 ông bà mới có đám cưới thực sự
Lúc đầu, ông bà ở nhờ nhà anh chị ông Tuấn. Có con đầu lòng, khi đó bà làm ở nhà máy diêm Thống Nhất nên gia đình sống trong khu tập thể của cơ quan. Tuy nhiên, chỉ cuối tuần ông mới đoàn tụ cùng mấy mẹ con vì bận công tác.
Bà kể, những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông thì công tác tại nước ngoài, mấy mẹ con dắt díu nhau đi sơ tán khắp nơi. Cậu con trai lớn bà phải gửi về quê cùng ông bà khi mới 20 tháng tuổi. Đến lúc bà về đón con, cậu bé được 4,5 tuổi. Con trai gọi mẹ là cô vì xa cách quá lâu.
Trải qua thăng trầm, trái ngọt hôn nhân của ông bà là 3 người con: 2 trai và 1 gái. Ngoài cô cháu gái lớn định cư ở nước ngoài, cả đại gia đình sống quây quần trong ngôi nhà 3 tầng.
Bà chia sẻ về lý do cả hai giữ được hôn nhân lâu bền như một thứ men say nồng đượm – càng qua thời gian thì càng trở nên ngọt ngào, gắn bó. Đó là vì ai cũng sống có trách nhiệm, cũng ý thức được vai trò của mình trong gia đình. Mỗi người cần làm tròn bổn phận của mình và hỗ trợ người bạn đời thì gia đình sẽ ấm êm. Trải qua nhiều chông gai, mất mát, ông bà càng trân trọng hạnh phúc mà mình có.
Nhìn lại những gian khổ đã qua, bà mỉm cười: “Mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Bởi có những người phụ nữ, vì chồng hy sinh nơi chiến trận, một mình phải nuôi con thơ, chăm sóc cha mẹ già. Vất vả của mình có lẽ chưa là gì”.
Cô Hạnh, con gái thứ 2 của ông bà cho biết, cô rất khâm phục cha mẹ mình về sự đam mê của ông bà với công việc đoàn thể. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ phường, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ suốt 15 năm. Ông thì nhiều năm liền làm tổ trưởng tổ dân phố.
Luôn ý thức bổn phận của mỗi người trong gia đình nên ông bà rất hòa hợp, hạnh phúc
Ông bà cũng khiến con cháu ngưỡng mộ vì tình cảm thương yêu dành cho nhau. Đi khám bệnh hay về quê… việc gì 2 ông bà cũng làm cùng nhau. Với con cháu, ông bà tận tình chỉ bảo từ những việc nhỏ nhất; khuyên con cháu phải học tập, làm việc tốt nhưng cũng cần biết ứng xử, giữ quan hệ tốt với mọi người xung quanh.
Trước đây, 2 ông bà duy trì thói quen đánh cầu lông cùng nhau để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, những năm gần đây, sức khỏe yếu dần nên ông bà không còn tập nữa. Bà bảo: “Đến tuổi này rồi, ông bà chấp nhận những thay đổi về sức khỏe, chỉ cốt giữ tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan”.
Đầu năm nay, kỷ niệm 60 năm ngày cưới của ông bà, các con cháu tổ chức buổi tiệc đầm ấm, sum họp cùng họ hàng. Sau 6 thập kỷ chung sống, ông Tuấn và bà Nguyên mới có một đám cưới thực sự cho riêng mình.
An Vinh