Hàng Việt vào siêu thị ngoại: Còn nhiều trở ngại
Triển vọng lớn cho hàng hóa Việt Nam
Cuối tháng 7 vừa qua, những trái vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên được bày bán trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Safeway và Albersons - hai chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây nước Mỹ, trong đó Safeway có 773 cửa hàng, Albersons có trên 340 cửa hàng.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, sự hiện diện thành công của trái vải Việt Nam tại các hệ thống siêu thị của Mỹ mở ra triển vọng lớn cho các loại nông sản, hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quan trọng này. Thực tế, phần lớn trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ tiếp cận được hệ thống chợ, siêu thị nhỏ phục vụ người gốc Á.
Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, trái vải Việt Nam “cấp tập” tới Australia bằng đường hàng không, vượt qua các khâu kiểm tra thông quan theo tiêu chuẩn khắt khe. Đặc biệt, vải tươi đã trở thành mặt hàng quen thuộc tại siêu thị MCQ, thành phố Perth, phía Tây Australia. Theo Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa, sầu riêng, gạo, mít đông lạnh đã được bày bán ở một số siêu thị. Quả bơ, gừng đông lạnh… cũng đang được tiêu thụ tốt tại thị trường này.
Còn vào đầu tháng 7-2022, tại Tuần lễ hàng hóa và ẩm thực Việt Nam được tổ chức ở Anh, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, cà phê, trái cây tươi, bún, phở, miến khô, bánh đa nem... của Việt Nam được trưng bày tại siêu thị Longdan, Vương quốc Anh. Longdan hiện có 10 siêu thị chuyên bán các sản phẩm châu Á, trong đó sản phẩm của Việt Nam chiếm khoảng 30%. Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hiện các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm… của Việt Nam đang xuất hiện ngày càng phổ biến với đa dạng chủng loại cùng lượng tiêu thụ ổn định tại các chuỗi siêu thị lớn như: Aeon, Donkihote, Itoyokado.
Bộ Công Thương cho biết, hiện có hàng nghìn doanh nghiệp Việt đã kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài như: Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Walmart (Mỹ)… Và hàng Việt hiện diện tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, nhỏ khắp thế giới được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng.
Cốt lõi là nâng cao chất lượng hàng hóa
Tuy hàng Việt đã thâm nhập vào nhiều hệ thống siêu thị ở nước ngoài, song theo các chuyên gia, để mở rộng thị phần và tăng diện bao phủ, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn phải vượt lên nhiều trở ngại.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, nếu như năm 2021 xuất khẩu trái vải tươi từ Việt Nam rất hứa hẹn sau những lô hàng đầu tiên giới thiệu tại các siêu thị ở Hà Lan thì năm nay phải đối mặt không ít khó khăn. Đó là cước vận chuyển hàng không đội giá khiến giá thành sản phẩm tăng cao, trong khi sức mua của thị trường giảm do lạm phát. Trong khi đó, việc vận chuyển đường biển gặp nhiều rủi ro ở khâu bảo quản. Hiện, thị phần hàng Việt tại Hà Lan còn khiêm tốn, chủ yếu được phân phối tại các siêu thị của người châu Á. Nhiều mặt hàng khó vào được các siêu thị của nước sở tại do các quy định khắt khe về chất lượng, yêu cầu nguồn cung ổn định bên cạnh các điều khoản thanh toán trả chậm làm khó các nhà xuất khẩu.
Về vấn đề này, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho hay, người Nhật Bản quan tâm nhất đến chất lượng thực phẩm, hàng hóa. Nếu phát hiện vi phạm về vệ sinh, an toàn thì nông, thủy sản, thực phẩm… nhập khẩu sẽ bị tiêu hủy, các lô hàng nhập khẩu tiếp theo sẽ chịu sự kiểm tra gắt gao. Do vậy, các doanh nghiệp khi xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm sang Nhật Bản phải luôn bảo đảm chất lượng, thương hiệu. Đồng thời, hàng xuất khẩu cần đa dạng về khẩu vị, mẫu mã.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Âu Hoàng Mạnh Huê, xuất khẩu hàng Việt thông qua thương hiệu mạnh của kiều bào, giới thiệu hàng hóa Việt Nam thông qua hoạt động văn hóa của cộng đồng người Việt tại nước sở tại là phương thức hiệu quả. Đây cũng là nội dung Đề án huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài đến hết năm 2024 đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai.
Theo đó, các bộ, ngành địa phương xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm Việt tại cộng đồng người Việt ở nước ngoài; phối hợp với các tập đoàn bán buôn, bán lẻ lớn quốc tế đang đầu tư ở Việt Nam đưa sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam thâm nhập hệ thống phân phối nước sở tại, qua đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt tại thị trường trọng điểm như: Mỹ, Nga, Đông Âu, Nhật Bản, Australia...
Việt Nam thuộc top 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống Walmart
Trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tại Thủ đô Washington D.C., Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có các cuộc làm việc với đối tác chính cũng như các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có lãnh đạo Tập đoàn bán lẻ Walmart.
|
Siêu thị Việt giữa rừng cao su ở Campuchia
Siêu thị Green Mart nằm giữa rừng cao su bạt ngàn của Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom trở thành địa điểm mua sắm quen thuộc của bà con công nhân người Campuchia và người Việt xa quê. Đặc biệt, các món mắm Việt Nam tại đây rất đắt hàng.
|