Hàng trăm tài xế GrabBike ở Sài Gòn tắt ứng dụng, kéo đến trụ sở công ty để phản đối việc tăng chiết khấu
Hàng loạt tài xế GrabBike tắt ứng dụng để phản đối chính sách
Ngày 10/1, hàng trăm tài xế GrabBike đã ùn ùn đổ về trụ sở Grab tại Việt Nam (Bic C Miền Đông, Tô Hiến Thành, quận 10, TP. HCM) để đình công phản đối hãng tăng chiết khấu. Lượng tài xế tập trung đông đúc khiến khu vực này suýt rơi trong tình trạng rối loạn.
Các tài xế GrabBike cho biết, họ cùng nhau kêu gọi đình công trên mạng xã hội sau đó cùng đến trụ sở công ty để phản đối. Theo các tài xế, họ rất bức xúc vì bắt đầu từ ngày 1/1/2018 mức chiết khấu sẽ bị tăng thêm 3,6% (từ 20% lên 23,6%) khiến thu nhập của họ ngày càng giảm bớt.
Khoảng 8h30 sáng kéo dài đến chiều, nhiều tài xế đã kêu gọi đồng nghiệp cùng tắt ứng dụng để phản đối chính sách vắt kiệt sức của hãng Grab.
Hàng trăm tài xế GrabBike tập trung tại trụ sở công ty để biểu tình.
Nhận thấy nhiều tài xế đến trụ sở, đại diện Grab đã mời họ vào phòng để giải quyết. Tại đây, nhiều tài xế đã giãi bày những tâm tư, nguyện vọng của mình về công việc chạy xe ôm công nghệ. Có những người hiện nuôi sống gia đình nhưng công ty tăng chiết khấu, đồng nghĩa thu nhập giảm nghiêm trọng không đủ đảm bảo cuộc sống.
Tuy nhiên, giải thích với đối tác của mình, nhân viên công ty Grab cho rằng đó là quy định thuế bắt buộc đưa ra nên không thể thay đổi được.
Anh Nguyễn Thanh Ngọc (32 tuổi, tài xế GrabBike) cho biết, ban đầu Grab chiết khấu chỉ 15%, giúp anh em có thu nhập ổn định phần nào nên rất hài lòng. Tuy nhiên dần về sau thì liên tục tăng chiết khấu từ 15% lên 20%, rồi bây giờ lại lên 23,6%.
Họ cho rằng việc tăng chiết khấu ảnh hưởng tới thu nhập và cuộc sống.
"Có thế sớm muộn Grab cũng lên 25% rồi 30%. Nếu tăng chiết khấu như vậy thì "chén cơm" sẽ mất dần. Hiện tại có thể thấy tiền cước xe rất rẻ, phải chạy liên tục rất vất vả ngày đêm nhưng chiết khấu quá cao thì làm sao sống đây", anh Ngọc chia sẻ.
Theo anh Ngọc, nếu chạy GrabBike thì tiền đồng phục đã 400.000 đồng, tiền duy trì app 20.000 đồng, chưa kể tiền bảo dưỡng xe, tiền 3G, tiền điện thoại,… Nhiều tài xế bỏ công việc chính đang làm để chạy GrabBike nhưng chạy một thời gian lại quay về công việc cũ vì chịu không nổi mức chiết khấu quá cao.
Các tài xế GrabBike cho biết, việc đóng thuế đối với nhà nước thì nên để họ tự đóng chứ không thể trừ trực tiếp như vậy được.
Anh Trần Ngọc Tuấn (28 tuổi) cho biết, chạy GrabBike đã được hơn 1 năm nay nhưng chẳng thấy dư đồng nào cho cha mẹ. Anh Tuấn cũng cho rằng, hiện số lượng tài xế ngày càng tăng nên không đủ khách cho anh em tài xế chạy, việc tăng chiết khấu càng không thể chấp nhận được.
Mặc dù hai bên đã có những đối đáp thẳng thắn nhưng kết thúc buổi trao đổi, vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết. Qua đó, lãnh đạo công ty Grab hẹn sẽ giải đáp mọi thắc mắc từng cá nhân tài xế vào tuần sau.
Grab khẳng định việc tăng chiết khấu là đúng theo quy định của pháp luật
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike cho biết, từ ngày 1/1/2018, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, Grab Việt Nam sẽ thực hiện việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỉ lệ phần trăm trên doanh thu cho các đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress.
"Cụ thể, Grab Việt Nam sẽ khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế (bao gồm 3% thuế GTGT và 1,5% thuế TNCN) trên 80% doanh thu mà đối tác nhận được - tương đương 3,6%. Ngoài ra, với các khoản phí hỗ trợ từ Grab dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, chúng tôi sẽ khấu trừ 1%. Còn đối với các khoản phí hỗ trợ khác từ Grab không mang tính chất doanh thu, chúng tôi sẽ khấu trừ thuế TNCN 10%", ông Thành cho hay.
Theo ông Thành, trong năm 2016 và 2017, để hỗ trợ cho các đối tác tài xế mô tô 2 bánh, Grab Việt Nam đã dùng ngân sách công ty để nộp hộ và hoàn thành nghĩa vụ thuế cho đối tác. Hiện nay, Grab là công ty đầu tiên và duy nhất giúp thu hộ và nộp hộ thuế cho dịch vụ mô tô 2 bánh, cùng phối hợp với các đối tác để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với Ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên đại diễn Grab khẳng định việc tăng chiết khấu là đúng theo quy định của pháp luật.
Việc thực hiện kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế từ ngày 1/1/2018 được thực hiện đúng theo công văn số 1531/TCT-TNCN Tổng Cục Thuế ngày 20/04/2017 về việc Chính sách thuế TNCN đối với cá nhân tham gia mô hình hoạt động của GrabBike và GrabExpress.
Ông Thành khẳng định: "Đây không phải là chính sách từ Grab Việt Nam nhằm tăng mức phí sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác. Chúng tôi cũng khẳng định, việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng với những đối tác GrabBike và GrabExpress có mức doanh thu bắt buộc phải nộp thuế là trên 100.000.000 đồng/năm. Nghĩa vụ thuế này sẽ được Grab Việt Nam thu hộ và nộp vào Ngân sách Nhà nước đúng theo quy định của pháp luật."
Tứ Quý