Hàng loạt dự án thu hồi đất khiến người dân ngơ ngác
Dự án treo vẫn làm khổ dân
Tháng 5/2019, gia đình các ông bà Nguyễn Hưng Ánh, Nguyễn Hưng Quỳnh và Nguyễn Thị Lán cùng trú tại thôn Độc Lập, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội nhận được các Quyết định số 1805/QĐ-UBND, Quyết định số 1806/QĐ-UBND và Quyết định số 1807/QĐ-UBND, đều đề ngày 13/5/2019 của UBND huyện Hoài Đức do ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện ký với nội dung: “Phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kĩ thuật khu đất dịch vụ tại xã La Phù, Hoài Đức”. Kèm theo quyết định này là: “Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng” của UBND huyện Hoài Đức.
Theo quyết định này, gia đình ông Ánh bị thu hồi 260 m2 đất, ông Quỳnh bị thu hồi 363m2 đất và bà Lán bị thu hồi 270m2 đất. Trên thực tế diện tích đất của ba hộ dân này còn mất nhiều hơn thế. Cả ba hộ không được bồi thường về đất, vì UBND huyện cho rằng đây là đất công và chỉ chấp nhận hỗ trợ tiền cây Lộc Vừng và cây Sanh, đường kính từ 15-30cm cho ba hộ với tổng số tiền là 15.592.000 đồng.
Đất của ba hộ Nguyễn Hưng Ánh, Nguyễn Hưng Quỳnh và Nguyễn Thị Lán do ông cha để lại vẫn bị xã và huyện cho đó là đất công. (Ảnh: N.L) |
Căn cứ để UBND huyện Hoài Đức ban hành các quyết định thu hồi đất của ba hộ dân dựa trên Quyết định 2393/QĐ-UBND, ngày 14/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc thu hồi 82.824m2 đất trên địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức giao UBND xã La Phù thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ (hạng mục san nền) khu đất dịch vụ, để giao cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp.
Đại diện cho các hộ dân, ông Ánh bức xúc vì UBND huyện Hoài Đức không đúng khi cho rằng đất của ba hộ là đất, chưa kể mọi quyết định thu hồi đất và sự minh bạch của dự án đều rất mập mờ.
Nói về nguồn gốc đất, ông Ánh kể lại: “Ba gia đình vốn là người trong cùng một dòng họ nên tổng diện tích đất 893,6m2 được thừa hưởng từ tổ tiên là cụ Nguyễn Hưng Tồn mua lại đất từ cụ Ngô Thế Thảo. Vị trí mua đất tại địa phận Đống Thuấn thuộc Ỷ La, xã La Phù, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức (nay là khu Đồng Gường, xã La Phù).
Hiện chúng tôi vẫn còn giữ được giấy tờ gốc chứng minh việc cụ Thảo bán đất cho cụ Tồn, lập vào ngày 18 tháng 05 năm thứ 13 niên hiệu Thành Thái (1903). Từ đó đến nay, con cháu qua các thời kì vẫn nối tiếp cụ Tồn gìn giữ và trông coi thửa đất. Như vậy, đây không phải đất công như quan điểm của UBND huyện và UBND xã.
Rất tiếc, khi chúng tôi đưa ra được tài liệu này lại bị lãnh đạo UBND xã La Phù cùng các phòng ban chuyên môn và UBND huyện gạt đi. Bằng chứng là trong các thông báo và quyết định do UBND xã và huyện ban hành đều cho đây là đất công”.
Huy động người dân đóng tiền làm hạ tầng, đến giờ hạ tầng ở hai khu Chéo Đường Tàu và Đồng Gường chỉ là sự hoang tàn, xuống cấp. (Ảnh: N.L) |
Các hộ dân này đều cho rằng đất của họ không nằm trong dự án nhưng vẫn bị thu hồi để phục vụ cho lợi ích nhóm. Bằng chứng, khi làm việc với UBND xã La Phù (chủ đầu tư dự án-P.V), các hộ dân yêu cầu cho biết ai là chủ đầu tư, bản vẽ quy hoạch chính thức dự án, Quyết định số 2393/TB-UBND ngày 14/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây trước đây về việc thu hồi 82.824m2 đất nông nghiệp tại xã La Phù… nhưng cuối cùng UBND xã La Phù không cung cấp được và đẩy trách nhiệm lên UBND huyện Hoài Đức.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 14/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 2393/TB-UBND về việc thu hồi 82.824m2 đất trên địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức giao UBND xã La Phù thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ (hạng mục san nền) khu đất dịch vụ, để giao cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp.
Đây là quyết định hết sức khó hiểu khi không có vị trí thu hồi đất cụ thể. Một mặt quyết định giao cho UBND xã xã La Phù thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ (hạng mục san nền) nhưng đối tượng sử dụng đất lại là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hà Đông. Mục 3 của Quyết định 2393/QĐ-UBND nêu rõ: “Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Hà Đông có trách nhiệm: Sử dụng đất đúng mục đích, đúng vị trí ranh giới, diện tích đất được giao; Thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường theo quy định; Trước khi xây dựng phải làm đầy đủ các thủ tục cần thiết kế về đầu tư và xây dựng cơ bản; khi xây dựng phải thực hiện đúng quy hoạch thiết kế và dự án được duyệt”.
Như vậy, có thể thấy rằng Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Hà Đông đang tiến hành một dự án ở xã La Phù. Để thực hiện dự án này, UBND tỉnh Hà Tây sẽ tiến hành thu hồi 82.824m2 đất trên địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức giao UBND xã La Phù thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ (hạng mục san nền) khu đất dịch vụ, để giao cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp.
Rõ ràng ở thời điểm đó, các ông, bà Ánh, Quỳnh và Lán không nằm trong dự án thu hồi đất này vì họ không hề nhận được thông báo nào từ phía chính quyền.
Hai bà Nguyễn Thị Hợi và Đỗ Thị Kiểm cho biết đất của gia đình bị chính quyền cho người và máy móc vào phá khi chưa có những văn bản bồi thường cụ thể. (Ảnh: N.L) |
Tự ý làm dự án khi chưa được phê duyệt thiết kế đô thị
Quyết định 2393/QĐ-UBND, ngày 14/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây được ban hành một thời gian ngắn thì diễn ra việc hợp nhất Hà Tây với Hà Nội. Như vậy, dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Hà Đông thực hiện không được tiến hành nữa. Theo quy định, đây là dự án treo nó phải được thông báo hủy bỏ. Nhưng mọi chuyện chính thức phức tạp từ đây, làm ảnh hưởng tới cuộc sống không chỉ ba hộ dân nói trên mà còn liên quan đến hàng trăm hộ dân khác của xã La Phù.
Thay vì hủy bỏ dự án, liên tục trong các năm từ 2009 đến nay, UBND xã La Phù và UBND huyện Hoài Đức vẫn lợi dụng Quyết định 2393/QĐ-UBND, ngày 14/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây để thu hồi đất của dân. Chẳng hạn, đối với ba hộ dân Ánh, Quỳnh và Lán, về văn bản họ đang bị UBND huyện thu hồi đất phục vụ cho một dự án mang tên Đồng Gường nhưng lý do thu hồi đất thì họ lại vận dụng Quyết định 2393/QĐ-UBND. Nghĩa là UBND huyện Hoài Đức đang dùng quyết định của một dự án cũ để thu hồi đất cho một dự án mới.
Chính vì vậy, trong thông báo thu hồi đất được UBND xã La Phù, UBND huyện Hoài Đức gửi tới các hộ dân cũng hết sức mập mờ, khi chỉ trích phân trên của quyết định là: “thu hồi 82.824m2 đất trên địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức giao UBND xã La Phù thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ (hạng mục san nền) khu đất dịch vụ, để giao cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp...” nhưng lại lờ đi đoạn dưới, cụ thể là mục 3 rằng việc thu hồi này chỉ phục vụ cho một dự án của Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Hà Đông. Xin nhắc lại, đến giờ Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Hà Đông không còn là đơn vị tiến hành dự án nữa.
Rõ ràng, nếu theo tình thần của Quyết định 2393/QĐ-UBND thì trên 400 hộ dân xã La Phù, trong đó có ba gia đình nói trên sẽ không liên quan đến việc thu hồi đất của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ (hạng mục san nền) khu đất dịch vụ… Nhưng trên thực tế họ vẫn bị thu hồi đất. Khó hiểu hơn khi năm 2015, UBND huyện Hoài Đức tự vẽ ra thêm hai dự án là: Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ và đất đấu gia- khu Chéo Đường Tàu xã La Phù và Dự án Xây dựng HTKT đất dịch vụ xã La Phù- Khu Đồng Gường.
"Hô biến" đất dịch vụ thành đất đấu giá
Như vậy, cùng một lúc trên địa bàn xã La Phù cõng tới ba dự án là: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ (hạng mục san nền) khu đất dịch vụ, để giao cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp…; Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ và đất đấu gia- khu Chéo Đường Tàu xã La Phù và Dự án Xây dựng HTKT đất dịch vụ xã La Phù- Khu Đồng Gường. Nhẽ ra hai dự án mới phải có các phương án thu hồi đất mới với mức áp giá đền bù mới nhưng không, UBND huyện Hoài Đức vẫn sử dụng những văn bản của dự án treo không thực hiện được năm 2008 để tiến hành thu hồi đất cho hai dự án mới.
Cần nói rõ hơn, Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ và đất đấu gia- khu Chéo Đường Tàu xã La Phù được UBND huyện Hoài Đức ra Quyết định phê duyệt chính thức vào ngày 3/12/2015. Còn Dự án Xây dựng HTKT đất dịch vụ xã La Phù- Khu Đồng Gường cho tới ngày 31/8/2017 đã được UBND huyện chủ trương đầu tư giai đoạn 2.
Mục 2, Điều 2 của Quyết định 2393/QĐ-UBND, ngày 14/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây cho thấy, Ban QLDA thành phố Hà Đông được UBND tỉnh giao đất, có trách nhiệm bồi thường GPMB. (Ảnh: N.L) |
Điều lạ lùng ở hai dự án này là lý do dẫn tới việc phê duyệt hai quyết định trên lại không thấy nhắc tới Quyết định 2393/QĐ-UBND, ngày 14/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây. Nhưng trong các thông báo gửi tới người dân, cụ thể là gia đình các ông bà Ánh, Quỳnh, Lán cùng nhiều hộ dân khác thì lý do thu hồi đất, hỗ trợ đền bù, GPMB vẫn vin vào Quyết định 2393/QĐ-UBND, ngày 14/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây.
Năm 2017 và 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào cuộc, ban hành Kết luận đối với một loạt vi phạm của hai dự án Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ và đất đấu giá- khu Chéo Đường Tàu xã La Phù và Dự án Xây dựng HTKT đất dịch vụ xã La Phù- Khu Đồng Gường. Những sai phạm đó là, vi phạm chưa lập phê duyệt thiết kế đô thị theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, chưa được cơ quan cấp trên là UBND thành phố Hà Nội chấp thuận.
Rõ ràng, ở thời điểm thu hồi đất của dân, UBND huyện và UBND xã La Phù đang tự tung tự tác, làm sai pháp luật để cố tình lấy đất của dân, lập dự án khi chưa được thành phố cho phép, vi phạm về quy hoạch.
Tại dự án Khu Chéo Đường Tàu, tiếng là lấy đất để dành cho người dân ở các dự án khác bị mất đất chuyển về đây, đương nhiên đất không được bán đấu giá. Nhưng tháng 11/ 2015, ông Nguyễn Trung Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã lập một báo cáo không đúng thực tế gửi tới Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội. Mục đích cuối cùng của báo cáo này là xin thành phố cắt cho 3.670m2 đất ở khu đất này thuộc các lô có kí hiệu: N0-03, rộng 913,48m2; N0-04, rộng 2.090,47m2 và N0-05/2, rộng 665,64m2 để bán đấu giá. Lý do bán đất là để tạo nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khu đất dịch vụ.
Đất được UBND huyện cắt ra làm đất đấu giá có vị trí rất đẹp, cách QL 72 không xa. (Ảnh: N.L) |
Trong báo cáo, ông Nguyễn Trung Thuận khẳng định, người dân thuộc hai dự án tại các khu Đồng Gường và Chéo Đường Tàu đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng sạch để chính quyền triển khai dự án.
Liệu có thể tin được lời nói của ông Phó chủ tịch UBND huyện khi mà phải tới năm 2019, tức là sau 10 năm bị thu hồi đất bà Nguyễn Thị Hợi, thôn Tiền Phong mới nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ cho 144m2 đất với giá rẻ mạt gần 3,4 triệu đồng. Bà Hợi chưa đồng tình thì UBND xã La Phù đã cho chôn lợn bị dịch bệnh vào khu đất này. Chưa hết, ba thửa đất khác của bà có diện tích 182m2, 123,5m2 và 89,5m2 cũng bị UBND huyện cho người và máy móc vào phá để làm hạ tầng khi chưa có đền bù.
Cùng với bà Hợi là bà Đỗ Thị Kiểm, thôn Tiền Phong có ba thửa đất khai hoang từ năm 1985, có diện tích 258m2, 192m2 và 200m2 cũng bị chính quyền cho máy móc tự ý san ủi, làm hạ tầng khi chưa được bà đồng thuận với những phương án bồi thường hỗ trợ rẻ mạt.
Về nguồn đất bán đấu giá để đầu tư vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khu đất dịch vụ, không hiểu số tiền bán đấu giá 3.670m2 đất là bao nhiêu, có công khai, minh bạch hay không?. Chỉ biết rằng, khi thực hiện hạ tầng khu Đồng Gường và Chéo Đường Tàu thì bà Hợi, bà Kiểm và nhiều người dân khác nữa phải bỏ tiền ra đóng cho UBND xã La Phù. Trên tay họ là những lá phiếu được bốc thăm chia ô nhưng gần 10 năm trời, đất của họ ở ô nào thì ngay bản thân họ cũng không rõ. Đem thắc mắc hỏi xã, hỏi huyện, họ chỉ nhận được những lời khất lần rằng tới đây sẽ có hướng giải quyết.