Hà Nội: Gần 100 tỷ đồng đục thông 127 vòm cầu đường sắt trăm tuổi
Tại buổi làm việc giữa Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 12/9 vừa qua, theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, đoạn đường sắt đi qua địa bàn quận Hoàn kiếm đã được xây dựng từ năm 1902. Trước đây có tổng số 131 vòm cầu thông thoáng bên dưới.
Khu vực dọc các vòm cầu trên phố Phùng Hưng hiện được trưng dụng làm bãi đỗ xe. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, vì lý do an toàn đối với công trình và giữ gìn vệ sinh môi trường nên vào các năm 1980 -1981, đơn vị đã phối hợp với Hà Nội xây lấp lại và đến nay vẫn còn 127 vòm bị bịt kín.
“Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là đồng ý cải tạo, khôi phục nhưng phải đảm bảo huy động nguồn lực để cải tạo, đặc biệt lưu ý đảm bảo công trình cho chạy tàu”, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam thông tin thêm.
Bổ sung thêm, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhìn nhận, thời điểm xây lấp, một số vòm cầu đã xuất hiện vết nứt. Nếu muốn khôi phục lại, để đảm bảo an toàn khi cải tạo, Hà Nội cần khảo sát kỹ lưỡng, tổ chức kiểm định và có giải pháp gia cố, nâng cao độ bền, tuổi thọ cho công trình.
Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiết lộ, từ khi có ý tưởng khôi phục các vòm cầu, thành phố đã nhờ một đơn vị tư vấn của Pháp tìm hiểu, khảo sát.
“Đơn vị này đã quay lại nước Pháp tìm ra được hồ sơ thiết kế của toàn bộ đoạn tuyến cùng các vòm cầu. Qua nghiên cứu cho thấy hoàn toàn có thể đục thông, khôi phục lại các vòm này mà không ảnh hưởng đến kết cấu cầu cạn đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu,” Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.
Theo ông Chung, sau khi nghiên cứu kỹ, xây dựng phương án cụ thể, Hà Nội sẽ cho đục thông một vòm để thử nghiệm, có mời tư vấn Pháp đánh giá kiểm định, nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn và mục đích sử dụng sẽ cho làm tiếp.
“Nguồn kinh phí cải tạo 127 ô vòm cầu này khoảng gần 100 tỷ đồng và đã có đơn vị tư nhân đề xuất triển khai thực hiện, hiện thành phố đang xem xét”, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho hay.
Hoàn toàn ủng hộ với ý tưởng đục thông các vòm cầu của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đánh giá đó là một ý tưởng rất hay bởi việc này vừa có ý nghĩa với lĩnh vực giao thông, vừa giúp Hà Nội có thêm không gian phục vụ văn hóa, du lịch, nghệ thuật.
Được biết, ô vòm cầu dẫn bằng đá bắt đầu từ phố Phùng Hưng và Gầm Cầu lên đến ga Long Biên có chiều dài 1,2km, xây bằng đá xanh Thanh Hóa. Cầu dẫn có 131 vòm cầu, đỉnh vòm cao từ 3,5 - 4,5m được xây dựng trong 2 năm (1900 -1902).
Hơn 100 vòm cầu này cũng đồng thời là trụ đỡ, kết cấu của đường sắt của tuyến tàu di chuyển từ ga Hà Nội - ga Long Biên, thuộc tuyến đường sắt quốc gia.
Các vòm cầu này được làm từ thời Pháp khi hình thành tuyến đường sắt nói trên, sau đó vì liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự nên các vòm cầu được Hà Nội cho xây bịt lại.
Theo VietnamPlus