Hà Lan hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng
Kinh phí do Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Mục tiêu chung của dự án nhằm thiết lập nền tảng và các điều kiện cần thiết để sau năm 2020 Việt Nam có thể triển khai đào tạo chính quy cử nhân Hoạt động trị liệu (HĐTL). Các mục tiêu cụ thể của dự án gồm (1) Phát triển đội ngũ giảng viên nòng cốt bao gồm cả đào tạo tại chỗ và cử đi đào tạo tại các nước có kinh nghiệm đào tạo HĐTL; (2) Xây dựng chương trình và giáo trình đào tạo HĐTL, trước mắt là cử nhân phục hồi chức năng (PHCN) (chuyên ngành HĐTL), thời gian đào tạo 4 năm; (3) Đào tạo thí điểm 30 cử nhân PHCN (chuyên ngành HĐTL) tại Việt Nam; và (4) Phát triển các đơn vị HĐTL phục vụ công tác đào tạo, đồng thời xây dựng các hướng dẫn liên quan về thực hành HĐTL tại các cơ sở PHCN.
Việt Nam đang có nhu cầu lớn trong hoạt động trị liệu, phục hồi chức năng
HĐTL là một lĩnh vực chuyên sâu của chuyên ngành PHCN. Đây là lĩnh vực rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có hệ thống đào tạo HĐTL chuyên nghiệp ở các cấp độ, mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép một số giờ học trong đào tạo vật lý trị liệu ở một số trường như Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Đại học Y Dược TP.HCM.
Theo định hướng phát triển ngành PHCN của Bộ Y tế đến năm 2020, HĐTL sẽ là một trong các chuyên ngành sâu của PHCN. Theo đó, các bệnh viện chuyên khoa PCHN bắt buộc phải có khoa HĐTL; khoa PHCN của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ tế phải có nhóm/tổ HĐTL. Do vậy, việc phát triển một hệ thống đào tạo HĐTL chính thức và chuyên nghiệp là một nhu cầu cấp thiết trong phát triển ngành PHCN hiện nay.
Mới đây nhất, ngày 18/1/2016 tại TP Đà Nẵng, Cục Quản lý khám chữa bệnh và MCNV đã phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Phát triển đào tạo hoạt động trị liệu tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020”. Dự án này là một hợp phần của dự án 5 năm “Tăng cường chăm sóc y tế và giáo dục phục hồi chức năng”.
Các bên ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phục hồi chức năng
Tại Hội thảo, các bản ghi nhớ giữa MCNV và Cục Quản lý khám chữa bệnh, giữa MCNV và Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, giữa MCNV và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã được ký.
Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Dũng, Quyền Giám đốc tổ chức MCNV tại Việt Nam khẳng định, sự hợp tác này hướng tới việc tăng cường năng lực của các trường đại học trong lĩnh vực đào tạo HĐTL, góp phần đem lại sự thay đổi tích cực trong can thiệp toàn diện về PHCN nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống và hoà nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Hà Linh