Giới nghệ sĩ sân khấu cải lương quy tụ trong Liên hoan Cải lương toàn quốc
Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018 sẽ diễn ra từ ngày 5 - 19/9 tại Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật TP Tân An, tỉnh Long An. 32 vở diễn của 25 đơn vị, trong đó có 8 đơn vị ngoài công lập, sẽ tranh tài. NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), khẳng định tại buổi họp báo sáng 29/8: "Liên hoan lần này hướng tới chất lượng nghệ thuật, không có sự phân biệt giữa các đoàn công lập và ngoài công lập".
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chính thức loại bỏ hai chữ “chuyên nghiệp” gây phân biệt giữa đơn vị công lập và ngoài công lập, mở rộng phạm vi đối tượng, để tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia được đông đảo.
Vở cải lương "Linh khí trời Nam" của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Cụ thể, các đơn vị nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động nghệ thuật Cải lương liên tục từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm liên hoan là đủ điều kiện tham gia. Mỗi đơn vị được tham gia 1 vở diễn, đơn vị có nhiều đoàn biểu diễn sẽ được tham gia số lượng vở tương ứng với số đoàn.
Trong đó, nhiều vở diễn của các đoàn ngoài công lập gây chú ý lớn với công chúng với sự đầu tư về tài chính, nội dung và hình thức như “Rạng ngọc Côn Sơn” của Công ty TNHH dịch vụ giải trí Kim Tử Long, “Thái hậu Dương Vân Nga” của Sân khấu Lê Hoàng, “Tổ quốc nơi cuối con đường” của Nhà hát Thế giới trẻ (Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TPHCM)…
Không để liên hoan nhuốm màu tiêu cực
Hơn một tháng qua, trong giới nghệ sĩ sân khấu cải lương đã có bàn tán về sự thay đổi của liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc lần này. Bởi, ban tổ chức, Cục NTBD, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lập đề án đổi mới cách đây 3 năm và đã được thông qua để chính thức bỏ hai chữ chuyên nghiệp, vốn lâu nay phân biệt giữa đơn vị công lập và ngoài công lập.
Các đoàn biểu diễn sẽ thi tại sân khấu của mình mà không cần biểu diễn dự thi tại địa diểm của đơn vị đăng cai. Điều này sẽ giúp các đoàn nghệ thuật ngoài công lập an tâm hơn, bởi giảm áp lực kinh phí khi đến với sân chơi lớn này.
Buổi họp báo nóng lên sau khi NSND Nguyễn Quang Vinh khẳng định sẽ không có sự chỉ đạo ngầm tại liên hoan năm nay, khi báo chí phản ảnh quá nhiều vấn đề tiêu cực khiến nghệ sĩ tham dự liên hoan, hội diễn đều bức xúc. Một số vở diễn không xứng tầm nhưng lại đoạt huy chương. Tiếp theo đó, trưởng ban tổ chức liên hoan, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục NTBD, khẳng định: "Có tôi ngồi ghế trưởng ban tổ chức, xin hứa sẽ không để liên hoan nhuốm màu tiêu cực".
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức liên hoan xây dựng một chương trình nghệ thuật với chủ đề “Danh tài hội tụ” quy tụ sự tham gia biểu diễn của các thế hệ nghệ sĩ cải lương được khán giả yêu mến vào đêm bế mạc trao giải.
Cải lương vẫn còn xa lạ với nhiều khán giả.
Diễn ra trong bối cảnh nghệ thuật Cải lương đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức, Ban tổ chức Liên hoan đã và đang không ngừng cố gắng đổi mới công tác tổ chức để đem đến sân chơi nghệ thuật chất lượng cho các nghệ sĩ và công chúng yêu mến nghệ thuật cải lương.
Với sự tham gia của 25 đoàn, Nhà hát cùng 32 vở diễn (trong đó có 8 vở của các đơn vị ngoài công lập) đăng ký tham gia, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 cũng là dịp để nhìn lại đội ngũ diễn viên, những vấn đề liên quan đến kịch bản, vở diễn, lực lượng cải lương trong giai đoạn hiện nay.
Môn nghệ thuật “kén” khán giả?
Cải lương sau thời gian phát triển rực rỡ ở miền Nam, rồi phát triển ra miền Bắc thì bắt đầu chựng lại từ những năm 1989-1990. Sự trầm lắng của môn nghệ thuật này kéo dài cho đến nay khi thiếu vắng những kịch bản mới – hay và phải cạnh tranh với nhiều môn nghệ thuật khác.
Thực tế là dù cải lương đang gặp khó khăn nhưng vẫn có một lượng khán giả riêng, cả những khán giả trẻ chứ không riêng lớp khán giả lớn tuổi.
Hầu hết báo chí đều bày tỏ đáng tiếc vì thiếu sự quảng bá từ nhà tổ chức khiến các liên hoan, hội diễn nhiều năm qua vắng lạnh khán giả. Chỉ có nghệ sĩ tham gia vở diễn đến với liên hoan, diễn xong mạnh ai nấy về. Người làm nghề chẳng đúc kết được gì sau một mùa liên hoan mà đúng ra sân chơi này phải là nơi học hỏi, giao lưu. Với tinh thần tiếp thu góp ý của báo chí, không né tránh, NSND Nguyễn Quang Vinh thừa nhận ban tổ chức thiếu sót về vấn đề này. Ông mong muốn đơn vị đăng cai là tỉnh Long An sẽ cùng với Cục NTBD tổ chức mùa liên hoan cải tiến này thật sự đạt hiệu quả, thu hút đông khán giả đến với từng vở diễn.
Những vở diễn tham gia Liên hoan là những vở được dàn dựng từ năm 2014 đến nay và những vở được phục dựng với ê - kíp sáng tạo mới nhưng chưa tham gia các cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ VHTTDL; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an tổ chức, không sử dụng kịch bản nước ngoài. Vở diễn tham gia có thời lượng từ 90 phút trở lên.
Bộ VHTT&DL sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho các vở diễn có chất lượng nội dung, nghệ thuật cao; Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho cá nhân nghệ sĩ biểu diễn (diễn viên tham gia nhiều vai diễn trong Liên hoan đều đạt khung điểm xét giải thì chỉ được nhận 1 giải thưởng cao nhất); Giải thưởng Xuất sắc nhất cho 1 tác giả, 1 đạo diễn, 1 nhạc sĩ, 1 họa sĩ có những sáng tạo xuất sắc trong các vở diễn tham dự Liên hoan và 1 giải thưởng Xuất sắc nhất cho 1 đạo diễn trẻ không quá 35 tuổi (tính đến ngày 31/12/2018).
Đạo diễn Võ Trọng Nam, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng: "Toàn liên hoan chỉ có một đêm gala phát giải vào tối 19/9 với chủ đề "Danh tài hội tụ" được truyền hình trực tiếp trên VTV, HTV và Đài Truyền hình Long An, xem ra vẫn chưa đủ tầm khi cả nước đang chờ đón nhiều hoạt động chào mừng 100 năm sân khấu cải lương". Ông Nam đề nghị Đài Truyền hình Long An cần tổ chức các chương trình tọa đàm, mời nghệ sĩ tham gia liên hoan để biểu dương thành tựu nghệ thuật cải lương một thế kỷ qua, cũng như mổ xẻ những vấn đề đổi mới trong sáng tác, dàn dựng, diễn xuất của cải lương hôm nay. |
N.H (t/h)