Giáo sư Việt nổi danh ở Đại học Mỹ
GS. Ngô Như Bình - người đưa tiếng Việt vào Harvard
Hơn 20 năm giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Đại học Harvard, GS. Ngô Như Bình đã đưa tiếng Việt trở thành môn học đứng ngang hàng với những ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn tại khoa Ngôn ngữ học của Đại học Harvard cũng như tại các trường đại học ở Mỹ.
Từ 1992 - 1994, GS. Bình - người con của mảnh đất Hà Nội giảng dạy tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, Đại học Harvard. Từ 1994 đến nay, ông giữa vai trò làm chủ nhiệm chương trình này.
GS Ngô Như Bình đã giảng dạy tiếng Việt hơn 20 năm ở Đại học Harvard.
Trước khi Giáo sư Ngô Như Bình đến Mỹ, tiếng Việt đã được dạy ở Đại học Harvard hơn 20 năm. Nhưng khi ấy, nhà trường chưa có chương trình tiếng Việt bài bản. Những khi có nhu cầu, một giáo sư người Mỹ mới đứng tên chủ trì, rồi thuê người đến dạy. Sau khi ông giảng dạy tại đây, tiếng Việt mới dần trở thành môn học ngang hàng với các ngôn ngữ khác.
Trong nhiều năm tháng đứng trên giảng đường ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới, Giáo sư Ngô Như Bình đã miệt mài giới thiệu về Việt Nam - đất nước của một dân tộc có bề dày lịch sử, có nền văn hóa lâu đời - đến các sinh viên Mỹ. Đối với những sinh viên người Mỹ gốc Việt, qua ngôn ngữ, ông luôn cố gắng giúp họ tìm về cội nguồn. Ông luôn gắn hình ảnh Việt Nam với văn học Việt Nam hiện đại, con người Việt Nam hiện đại, chứ không phải là hình ảnh đất nước gắn với chiến tranh trong suốt chiều dài lịch sử. Bởi đơn giản, theo ông, Việt Nam phải hấp dẫn thế giới bên ngoài bằng cái khác, vì chiến tranh đã kết thúc từ lâu.
GS Bình và đồng nghiệp trong một chuyến về thăm Việt Nam.
Bên cạnh việc nghiên cứu, giảng dạy, GS. Bình còn biên soạn một số cuốn sách giáo khoa được sử dụng phổ biến trong nhiều trường đại học tại Mỹ. Một trong những cuốn đo là "Tiếng Việt sơ cấp" (Elementary Vietnamese) kèm theo 8 CD ghi âm do nhà xuất bản Charles E. Tuttle Publishing Inc xuất bản lần đầu tiên năm 1999 và 4 năm sau, được sửa đổi, chỉnh lý và xuất bản lần 2. Cuốn sách còn được sử dụng tại các trường đai học ở Canada, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản...
GS. Bình còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội các trường đại học ở Mỹ giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài (GUAVA); Phó Chủ tịch Hội Giảng viên các ngôn ngữ Đông Nam Á (COSTEAL).
GS Đàm Thanh Sơn – thành viên Viện Hàn lâm khoa học Mỹ
Theo thông báo ngày 29/4/2014 của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (National Academy of Sciences - NAS), GS. Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago là 1 trong số 84 thành viên mới của viện này.
GS Đàm Thanh Sơn (bên phải) là 1 thành viên của Viện Hàn lân khoa học Mỹ.
GS. Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội. Trước khi chuyển tới Đại học Chicago (tháng 9/2012), Đàm Thanh Sơn làm giáo sư tại Đại học Washington kiêm thành viên cấp cao tại Viện Lý thuyết hạt nhân.
Khi tới giảng dạy tại Đại học Chicago, GS. Đàm Thanh Sơn được ngôi trường danh tiếng này bổ nhiệm là “Giáo sư Đại học” (University Professor - thường được xem là cao hơn cả “Giáo sư”) môn Vật lý. Đây là chức danh đại diện cho khát khao học thuật cao nhất của Đại học Chicago. Họ được chọn từ các tổ chức bên ngoài nhờ tài năng xuất sắc được quốc tế công nhận và nhờ tầm ảnh hưởng rộng lớn của mình. Đàm Thanh Sơn là người thứ 19 được nhận chức danh Giáo sư Đại học và là giảng viên thứ 7 nhận được danh hiệu này.
GS Đàm Thanh Sơn hiện đang giảng dạy tại Đại học Chicago.
“Chúng tôi tự hào khi thông báo rằng GS. Sơn sẽ gia nhập đội ngũ giảng viên của Đại học Chicago với tư cách Giáo sư Đại học, trong đó có sự bổ nhiệm ở khoa Vật lý cũng như ở hai viện nghiên cứu liên ngành hoạt động rất tích cực của chúng tôi, đó là Viện Enrico Fermi và Viện James Frack”, ông Robert Fefferman - Trưởng khoa Khoa học Vật lý, Đại học Chicago phát biểu khi GS. Đàm Thanh Sơn nhận lời tới giảng dạy tại Đại học Chicago.
GS. Charles Nguyễn Cường - người Việt đầu tiên làm trưởng khoa ở Đại học Mỹ
GS. Charles Nguyễn Cường sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng. Kể từ 1982 đến nay, ông làm việc tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ - Catholic University of America (CUA) - tại Thủ đô Washington. 13 năm qua, ông giữ chức Khoa trưởng Trường Kỹ sư (Dean of School of Engineering).
Trước đó, ông làm việc cho NASA trong 10 năm; từng được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào Ban Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam. Từng nhận nhiều giải thưởng về ngành công nghệ kỹ thuật, GS Nguyễn Cường đóng góp ở các lĩnh vực vũ trụ, toán học, y khoa... mà một trong các công trình quan trọng là kiểm soát người máy trong công nghệ chế tạo.
GS. Nguyễn Cường nhận Giải thưởng Di sản châu Á năm 2014.
Đặc biệt, cuối tháng 11/2014, tại California, GS Nguyễn Cường nhận Giải thưởng Di sản châu Á năm 2014 (The 2014 Asian Heritage Award). Giải thưởng này vinh danh những đóng góp của GS. Cường trong các chương trình giáo dục giữa Hoa Kỳ với các nước châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, và đặc biệt là quê nhà Việt Nam.
Lời giải thích của Hội đồng xét thưởng nói rõ “vì người được giải thưởng không những vượt thắng các hậu quả chiến tranh Việt Nam mà còn dùng những cơ hội đó để làm tấm gương về thành tựu của riêng mình, và giúp những người khác cũng được các cơ hội thành công như mình”.
GS. Nguyễn Cường (ngồi bên trái) đại diện cho trường CUA ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Đà Nẵng.
Đây là lần thứ hai ông nhận giải thưởng của cộng đồng khoa học và giáo dục Hoa Kỳ dành cho các nhà khoa học, nhà giáo dục có cống hiến đặc sắc trong lĩnh vực của mình, tạo ảnh hưởng trong và ngoài nước Mỹ.
“Xa quê hương đã 43 năm, lúc nào tôi cũng nghĩ mình đang là người Việt Nam. Tôi tự thấy có bổn phận khi đã thành công thì phải trả ơn cho nơi mình chôn nhau cắt rốn. Đó là tìm kiếm đủ mọi cách giúp đỡ những người không được may mắn như mình, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam có cơ hội qua Hoa Kỳ du học theo các chương trình hợp tác giáo dục Mỹ - Việt” - GS. Nguyễn Cường trải lòng.
Mạnh Phúc
Tổng hợp